SpStinet - vwpChiTiet

 

Doanh nghiệp và môi trường

 


Hiện nay ở Việt Nam vấn đề môi trường đã được nói đến nhiều hơn, được coi như một yếu tố song hành cùng phát triển kinh tế. Với tình hình thực tế và không chỉ từ yêu cầu của người dân, từ chỉ đạo của Chính phủ mà chính cả khách hàng cũng mong muốn các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với môi trường. 
 


Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cho bao bì nhựa có sử dụng phụ gia tự hủy

* Hỏi:. Sản phẩm của chúng tôi là loại màng bao gói có sử dụng phụ gia tự hủy nhưng các quy định về độ dày, tiêu chí thân thiện với môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì có phải chịu thuế BVMT không?

• Trả lời: Nếu sản phẩm của Công ty là loại màng bao gói làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE có sử dụng phụ gia tự hủy (nhưng các quy định về độ dày, tiêu chí thân thiện với môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ TN&MT) thì khi bán ra phải kê khai, nộp thuế BVMT.
 


Chỉ mua bán bao bì có chịu thuế BVMT?

* Đối với công ty thương mại không sản xuất chỉ mua bán mặt hàng bao bì trên thị trường Việt Nam có chịu thuế BVMT không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Chương I Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính quy định về Người nộp thuế như sau: "Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 1 của Thông tư này".

- Căn cứ quy định trên thì các công ty thương mại không sản xuất và không nhập khẩu mà chỉ mua bán bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE trên thị trường Việt Nam thì không phải chịu thuế BVMT (vì khi mua sản phẩm này từ nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu thì trong giá mua đã có thuế bảo vệ môi trường).
 


Tính tỷ lệ phụ cấp độc hại cho nhân viên

* Công ty kinh doanh lĩnh vực sản xuất, buôn bán hóa chất. Tỷ lệ phụ cấp độc hại cho nhân viên được tính như thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Thông tư số 28/2007/TT - BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mức lương của nghề hoặc công việc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thừơng.

Theo quy định tại khoản 2 Thông tư số 28/2007/TT- BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì doanh nghiệp được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với các công ty nhà nước để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm nghề, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện môi trường lao động độc hại, nguy hiểm hơn nhưng chưa được xác định trong các mức lương của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng; doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng với hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với chức danh công việc đòi hỏi phải làm trong môi trường độc hại, nguy hiểm công ty có thể chọn cách xây dựng mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương bao gồm yếu tố độc hại, nguy hiểm hoặc quy định khoản phụ cấp độc hại, nguy hiểm và đăng ký khoản phụ cấp này cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương, để làm cơ sở áp dụng tại đơn vị.
 


Có được bán phế thải độc hại?

* Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phế liệu của quá trình sản xuất thuộc loại chất thải nguy hại. Công ty đã ký hợp đồng với một công ty khác để xử lý phế liệu này. Nếu có công ty khác (không phải là công ty xử lý chất thải) muốn mua phần phế liệu của công ty (được xếp vào danh mục chất thải nguy hại) thì công ty có được quyền bán cho công ty đó không hay chỉ được giao cho công ty xử lý chất thải?

Công ty đang hoạt động sản xuất công nghiệp có phát sinh chất thải được xác định là chất thải nguy hại (CTNH), thì việc chuyển giao xử lý chất thải nguy hại phải thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 7, điều 25 của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT, ngày 14/04/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về Quản lý chất thải nguy hại đã nêu rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH như sau: “Trường hợp không có công trình bảo vệ môi trường để tự xử lý CTNH, chủ nguồn thải CTNH có trách nhiệm ký hợp đồng chuyển giao CTNH với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép QLCTNH có địa bàn hoạt động và danh sách CTNH được phép quản lý phù hợp”.

Như vậy trường hợp của Công ty phải chuyển giao CTNH theo quy định, nếu Công ty chuyển giao, cho, bán CTNH cho tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đã được quy định tại khoản 3, điều 17 của Nghị định 117/2009/NĐ-CP, ngày 31/12/2009 của Chính Phủ về Xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
 


Hàng hóa nhập khẩu chịu thuế BVMT mấy lần?

* Công ty có mua dầu nhờn của một công ty kinh doanh trong nước ( Công ty này mua lại hàng hoá của một đơn vị nhập khẩu khác nhập hàng về Việt nam để bán). Khi mua hàng trong giá đã chịu thuế BVMT. Vậy mặt hàng dầu nhờn này nhập vào khu chế xuất có chịu thuế bảo vệ môi trường nữa không?

Theo quy định tại điểm 2.4, Điều 2, Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính, hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT.

Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 152/2011/TT-BTC, người nộp thuế BVMT là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT.

Theo đó, hàng hóa từ nội địa đưa vào khu phi thuế quan không phải kê khai, nộp thuế BVMT ở khâu xuất khẩu, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan khi đăng ký ở khâu nhập khẩu phải kê khai, tính thuế BVMT. Việc kê khai, tính thuế BVMT ở khâu nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 3 Công văn số 1199/BTC-TCT ngày 30/01/2012 của Bộ Tài chính.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 7 Thông tư 152/2011/TT-BTC thì hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu chỉ chịu thuế BVMT một lần. Tuy nhiên, việc chứng minh hàng hóa đã nộp thuế BVMT chưa được hướng dẫn cụ thể.
 


Hoàn thuế BVMT bao nylon nhập sản xuất sau đó xuất khẩu

* Công ty chuyên sản xuất xuất khẩu hàng may mặc. Có một số mặt hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu như bao nylon phải chịu thuế BVMT theoTT152/2011/TT-BTC. Khi xuất khẩu quần áo và làm thủ tục thanh lý với cơ quan hải quan, bảng định mức nguyên phụ liệu thanh lý với hải quan có danh mục bao nylon. Doanh nghiệp có được hoàn thuế BVMT cho danh mục bao nylon nhập sản xuất xuất khẩu hay không?

Tại Điều 8 Chương III Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính có quy định một số trường hợp được hoàn thuế BVMT; trong đó không qui định trường hợp doanh nghiệp nhập bao bì ni lông thuộc diện chịu thuế về làm bao bì xuất khẩu thì được hoàn thuế BVMT. Trường hợp như công ty trình bày không thuộc trường hợp được hoàn lại số thuế BVMT đã nộp khi nhập khẩu, nếu còn vướng mắc xin liên hệ cơ quan Hải quan để được hướng dẫn theo thẩm quyền.
 

Nguyễn Hoàng (Tổng hợp), STINFO Số 8/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả