Các khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề sản xuất và gia công các phần mềm vi tính là chủ đề nóng làm bận tâm nhiều doanh nghiệp.
Ngành “sản xuất phần mềm”
* Hỏi: Công ty 100% vốn nước ngoài có ngành nghề kinh doanh là "Phát triển và thực hiện phần mềm máy tính". Công việc chúng tôi là viết phần mềm theo yêu cầu khách hàng. Chẳng hạn như khách hàng muốn quản lý giá thành chi phí sản xuất phim dựa trên những chi phí như: chi phí nhân viên; chi phí thuê máy chiếu; chi phí thuê máy quay phim; chi phí làm hậu kỳ…Dựa trên những miêu tả của khách hàng, Công ty viết phần mềm quản lý giá thành nêu trên. Hoặc khách hàng yêu cầu viết thêm ứng dụng để sử dụng cho các công cụ và hệ thống thông tin di động như Iphone; Ipad . Xin cho hỏi:
- Với công việc như trên thì có được xem là ngành "sản xuất phần mềm" hay không?
- Thuật ngữ " sản xuất phần mềm" có quy định tại văn bản pháp luật nào không?
• Trả lời:
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin:
- Điểm 7 "Phần mềm sản xuất theo đơn đặt hàng là sản phẩm phần mềm được sản xuất theo các yêu cầu riêng của khách hàng hoặc người sử dụng",
- Điểm 9 "Gia công phần mềm là hoạt động trong đó bên nhận gia công thực hiện việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm hoặc thực hiện một số công đoạn để hoàn thành sản phẩm, dịch vụ phần mềm theo yêu cầu của bên thuê gia công"
Như vậy, với công việc của công ty nêu trên được hiểu là sản xuất phẩn mềm.
Công ty phần mềm có được hoạt động trong lĩnh vực điện thoại không?
* Công ty có 100% vốn nước ngoài, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực số hóa dữ liệu và gia công phần mềm. Theo định hướng kinh doanh cũng như tiềm năng thị trường ngoài nước, chúng tôi có dự kiến sẽ mở rộng hoạt động sang lĩnh vực "Trung tâm liên hệ khách hàng (Contact centre hoặc Call centre). Vậy chúng tôi xin hỏi:
- Là doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi có được cấp phép cho lĩnh vực nêu trên không? Nếu có, cần những yêu cầu gì và xin cấp phép ở đâu?
- Ngành "Hoạt động dịch vụ liên quan đến cuộc gọi" (MS: 82200 - mã ngành KTQC) hoặc "Telephone answering services" (MS 87903 - CPC) có phù hợp với lĩnh vực nêu trên không? Hay thuộc mã ngành khác, đề nghị cho biết cụ thể?
• 1) Đối với hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực “Trung tâm liên hệ khách hàng”, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì dịch vụ này không nằm trong quy định và lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Do đó, Việt Nam không có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thực hiện dịch vụ này. Vì vậy, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các hoạt động này sẽ được các cơ quan chức năng xem xét cho từng trường hợp cụ thể.
2) Về việc mã ngành nào là phù hợp: Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO quy định Dịch vụ trả lời điện thoại thuộc CPC 87903 như sau: “Dịch vụ trả lời điện thoại, bao gồm dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi (trừ dịch vụ nhắn tin) và “Dịch vụ đánh thức bằng điện thoại”. Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/04/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam quy định về ngành nghề kinh doanh “Hoạt động dịch vụ liên quan đến các cuộc gọi – 822 – 8220 – 82200” gồm:
- Các cuộc gọi về nước, trả lời các cuộc gọi từ khách hàng bằng việc sử dụng hệ thống điều hành nhân lực, phân bổ cuộc gọi tự động, tích hợp cuộc gọi, hệ thống trả lời tương tác hoặc những phương thức đơn giản để nhận các hợp đồng, cung cấp sản phẩm thông tin, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cho việc trợ giúp và bổ sung phản ánh của khách hàng.
- Các cuộc gọi ra nước ngoài sử dụng phương thức đơn giản để bán hoặc bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng tiềm năng, đảm nhận việc nghiên cứu thị trường hoặc thăm dò dư luận và các hoạt động đơn giản cho khách hàng.”
Lưu ý rằng việc áp mã ngành kinh tế Việt Nam và mã CPC chỉ nhằm mục đích phục vụ cho công tác thống kê số liệu của cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu có vấn đề thắc mắc cần giải đáp đề nghị liên hệ trực tiếp tại Phòng Đăng ký Đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (tầng trệt, dãy nhà B) địa chỉ: số 32, đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM hoặc số điện thoại: (08) 3822.74.95 để được hướng dẫn cụ thể.
Nhập khẩu phần mềm
* Công ty dự kiến sẽ nhập khẩu phần mềm từ nước ngoài với giá 1.400 USD (bao gồm trị giá phần mềm là 1.375 USD và phí vận chuyển là 25 USD). Xin hỏi sẽ phải đóng những loại thuế gì và bao nhiêu?
• Để xác định thuế nhập khẩu, thuế VAT phải căn cứ thực tế hàng hóa nhập khẩu đối chiếu với mã số hàng hóa quy định cụ thể tại thông tư 193/2012/TT-BTC và thông tư 131/2009/TT-BTC để xác định mức thuế suất phải nộp.
Công ty gia công phần mềm có phải báo cáo thông kê cơ sở không?
* Doanh nghiệp chúng tôi chuyên kinh doanh các sản phẩm điện tử, ngoài ra còn có chức năng gia công phần mềm. Bộ phận sản xuất, gia công phần mềm có khoảng 4 đến 5 người. Chúng tôi được biết Bộ Thông tin Truyền thông có ban hành Thông tư 24/2009/TT-BTTTT về chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các đơn vị hoạt động thông tin và truyền thông. Chúng tôi muốn hỏi doanh nghiệp chúng tôi có thuộc đối tượng phải báo cáo theo Thông tư 24/2009/TT-BTTTT hay không?
• Doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm điện tử và gia công phần mềm thuộc ngành công nghệ thông tin nên thuộc đối tượng phải báo cáo theo mẫu biểu 07/DS, Thông tư 24/2009/TT-BTTTT về chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các đơn vị hoạt động thông tin và truyền thông.
Sử dụng phần mềm nhắn tin vào nhiều số điện thoại di động
* Để nâng cao ý thức của công nhân ngành may mặc trong công tác bảo hộ lao động, chúng tôi dự định thực hiện một chương trình phần mềm thử nghiệm nhắn tin quảng bá vào nhiều điện thoại di động của công nhân ở các nhà máy may mặc tham gia dự án. Nội dung tin nhắn là các hướng dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AID v.v… Có cần giấy phép để thực hiện hay không, và nếu cần thì cơ quan nào sẽ cấp phép?
• Hiện nay, các quy định pháp luật về viễn thông không có quy định cụ thể về dịch vụ nhắn tin quảng bá mà chỉ có các quy định về nhắn tin quảng cáo. Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/08/2008 của Chính phủ về chống thư rác quy định “tin nhắn quảng cáo là tin nhắn nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội, hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời” (khoản 11, điều 3). Như vậy, chương trình nhắn tin quảng bá đến công nhân của đơn vị nhằm cung cấp thông tin về các nội dung mang tính xã hội, hình thức này tương tự việc gửi tin nhắn quảng cáo nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng về các hoạt động xã hội và là dịch vụ không có mục đích sinh lời. Trường hợp tự gửi tin nhắn như trình bày của đơn vị thì chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo sau khi người nhận đồng ý về: loại thông tin, sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; số lượng thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo tối đa có thể gửi trong một khoảng thời gian nhất định và thời gian có thể gửi quảng cáo (quy định tại mục III.1 Thông tư 12/2008/TT-BTTTT ngày 30/12/2008 hướng dẫn Nghị định 90). Ngoài việc tự gửi tin nhắn, đơn vị có thể sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo tin nhắn đã được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cấp mã số quản lý và công bố trên trang thông tin điện tử http://www.vncert.gov.vn hoặc đăng ký trực tiếp với VNCERT để được cấp mã số quản lý cung cấp dịch vụ nhắn tin quảng cáo cho riêng mình.
Tính thuế cho phần mềm nhập chung với thiết bị
* Công ty chúng tôi có nhập khẩu hệ thống thiết bị để bán cho khách hàng, trong đó có phần mềm được tích hợp sẵn trong máy (tính giá riêng). Như vậy, khi kê khai trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu chúng tôi phải áp VAT cho phần mềm này theo thiết bị là 10%, hay áp mức VAT không chịu thuế cho riêng phần mềm
• Theo quy định tại điểm 3.2 Điều 13 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính: “Trị giá tính thuế là trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả trị giá phần mềm… Phần mềm được ghi, cài đặt hoặc tích hợp trong các hàng hóa nhập khẩu không phải là phương tiện trung gian.” Theo đó, trị giá phần mềm được tích hợp sẵn trong hệ thống thiết bị để bán cho khách hàng không phải là phương tiện trung gian sẽ được tính vào trị giá thiết bị nhập và được áp mức thuế nhập khẩu, VAT theo hệ thống thiết bị nhập nói trên.
Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mua bán phần mềm
* Doanh nghiệp có chức năng mua bán phần mềm thì có thuộc đối tượng không chịu thuế TNDN hay không?
• Căn cứ Thông tư 130/2008/TT-BTC: "1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm: 1.1. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật dầu khí, Luật thương mại và các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân; Doanh nghiệp nhà nước; Văn phòng luật sư, Văn phòng công chứng tư; Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, Công ty điều hành chung..." Trường hợp Công ty mua bán phần mềm thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế TNDN theo quy định.
Nguyễn Hoàng (Tổng hợp), STINFO số 7/2013