SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhờ tư vấn để cải tiến công nghệ


Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện đang thử thách sức khỏe của các doanh nghiệp (DN), đã có khá nhiều DN đóng cửa và không ít DN đang vật vã để tồn tại. Một trong những cách để DN qua cơn khủng hoảng là thay đổi công nghệ.

Trong vòng hai năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 16 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, với chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 98. Năng lực công nghệ hạn chế khiến các DN khó cạnh tranh về giá cả cũng như chất lượng. Như trong xuất khẩu gạo, năm 2012, Việt Nam tự hào là nước đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu gạo, cao hơn Thái Lan tới 1 triệu tấn, nhưng doanh thu lại thua nước bạn tới 1 tỷ USD. Hiện nay, lợi thế cạnh tranh giữa các DN sẽ không dựa nhiều vào lao động giá rẻ mà thông qua đổi mới công nghệ, năng lực quản lý.


Chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn mới của Việt Nam

 

Có không ít DN Việt Nam nhận thức rõ điều này, một số đã đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và thu được những thành tựu nhất định. Có thể kể đến như Công ty BKAV, Tosy, FPT, Viettel… Tuy nhiên, các DN này chủ yếu là những DN sản xuất quy mô lớn với thương hiệu từ lâu đã được biết đến rộng rãi. Còn với các DN vừa và nhỏ, liệu có cửa nào để cải tiến năng lực công nghệ?
 


Nhờ vào tư vấn để tiến hành cải tiến công nghệ


Theo ông Brian O’Reilly, Giám đốc điều hành, Công ty Tư vấn Quản lý SEA thì với các DN nhỏ, giải pháp thuê các nhà tư vấn chuyên nghiệp là một trong những lựa chọn tiết kiệm trong thời điểm suy thoái hiện nay. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Phương Nam cho biết khi cần xây dựng hệ thống quản trị công nghệ thông tin, Công ty Phương Nam đã thuê một nhân sự có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin để xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh và chuyển giao việc bảo trì và quản trị hệ thống này cho nhân sự hiện có trong công ty. Nhờ đó, đã tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với việc thuê một nhân sự cao cấp làm việc lâu dài trong lĩnh vực này.

 
Một thành công khác của việc tư vấn cải tiến công nghệ là tư vấn cải tiến hiệu suất làm việc ở một chuyền lớn của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Do chuyền hàn thùng tải lửng không vận hành được tốt, công suất thấp, hiệu suất chuyền chỉ đạt 50%. Đây là dây chuyền quan trọng của quá trình sản xuất xe tải, nên Ban giám đốc, Ban khoa học kỹ thuật và công nghệ của công ty cùng các giảng viên tại Khoa Kỹ thuật Giao thông TP.HCM đã tiến hành đánh giá thử nghiệm công nghệ của chuyền này.


Cơ cấu lật sàn thùng, một trong những thiết bị được cải tiến để làm tăng hàm lượng công nghệ tại nhà máy


Qua quá trình đánh giá, xác định nguyên nhân là do trình độ con người còn hạn chế và máy móc sử dụng trong chuyền còn ở mức độ công nghệ thấp chưa đáp ứng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Kết luận của quá trình đánh giá là cần tiến hành đào tạo và kiểm tra trình độ tay nghề công nhân hàn, thay thế các máy hàn cũ, có công suất nhỏ không đảm bảo yêu cầu và lượng tiêu thụ điện năng lớn. Sau khi tiến hành thay thế, cải tiến một số máy hàn theo yêu cầu cũng như nâng cao tay nghề của công nhân, thực tế cho thấy công suất và hiệu suất làm việc của nhà máy đã được nâng cao đáng kể, lên đến 80%.

 


Tư vấn “hẹp” có nhiều triển vọng phát triển hơn tư vấn “rộng”
 

Thực tế tại Việt Nam còn hiếm các trường hợp công ty nhờ tư vấn, đặc biệt là về mặt công nghệ. Giám đốc công ty tư vấn Council Worldwide Nguyễn Đăng Duy Nhất cho biết làm tư vấn ở Việt Nam rất khó bởi vì nhiều DN còn chưa thực sự tin tưởng vào các nhà tư vấn. Chẳng hạn như khi đề xuất thay đổi một cái gì đó thì ban giám đốc thường từ chối. Trong quá trình thực hiện, còn nhiều công ty can thiệp vào công việc của nhà tư vấn. Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masso, cho rằng để tư vấn cho DN Việt Nam, thay vì vấn đề tư vấn chỉ cần 1 giờ đồng hồ thì công ty tư vấn phải tốn đến 10 giờ, tuy vậy hiệu quả không cao. Theo ông Thẳng, nhiều DN muốn công ty tư vấn phải giải quyết những vấn để của DN, trong khi thực tế, công ty tư vấn chỉ là đơn vị hỗ trợ về cách thức, còn lãnh đạo DN vẫn phải thực thi. Điều này khiến cho nhiều khi cả hai phía không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến hợp đồng tư vấn đổ vỡ. Bên cạnh đó, việc quảng bá cho tư vấn công nghệ trong trường đại học còn yếu. Hầu hết các công ty tìm đến nhà tư vấn dựa trên sự quen biết từ trước. Việc tìm đến nhà tư vấn qua các kênh thông tin khác rất ít. Cầu nối giữa DN với lực lượng khoa học và công nghệ còn khá mong manh. Trong số 400 viện nghiên cứu của Nhà nước, hiện có rất ít viện tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.


Tuy nhiên, theo TS. Bùi Nguyên Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa thì các DN vẫn có nhu cầu sử dụng tư vấn nhưng thường nhờ đến lĩnh vực tư vấn rất hẹp như 5S hay Kaizen chứ hiếm có DN nào nhờ tư vấn về quản trị. Theo khảo sát tại một trường đại học với hơn 300 giảng viên thì số giảng viên có thu nhập từ nghiên cứu khoa học, tư vấn cao hơn thu nhập từ việc giảng dạy truyền thống khoảng 10%. Con số này hiện đang tăng dần theo từng năm.


TS. Bùi Nguyên Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa trình bày các kinh nghiệm trong quá trình tư vấn công nghệ


Theo kinh nghiệm nhiều nhà tư vấn thì nhu cầu tư vấn công nghệ nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ như làm thế nào để nâng chất lượng sản phẩm, giảm tỉ lệ hàng hao hụt, làm thế nào để khu sản xuất gọn gàng hơn… Ví dụ như công ty sản xuất bao bì carton ở Đồng Nai, năm 2012, công ty đạt một mức tăng trưởng ngoạn mục là doanh thu tăng 22%, lợi nhuận tăng 8% so với năm 2011. Có được thành công này, công ty cho biết chính là nhờ vào tư vấn. Họ không nhờ tới sự hỗ trợ lớn lao mà chủ yếu đi vào những phần nhỏ như nhờ tư vấn về 5S, Kainzen, bảo trì năng suất tổng thể (TPM), kỹ thuật bảo trì, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, …Một lãnh đạo công ty cho biết: “Chúng tôi đã và tiếp tục sử dụng các dịch vụ tư vấn bởi vì nhu cầu này ngày càng tăng do đòi hỏi của khách hàng công ty ngày càng khắt khe. Ngoài ra, đối với DN, chi phí của tư vấn không đáng kể đối với công ty. Quan trọng là hiệu quả của tư vấn”.

 
Theo ông Dieter Reineke, chuyên gia tư vấn quản trị, Giám đốc chương trình EMBA-MCI phân tích rằng DN Việt Nam nên nhìn nhận một cách đúng đắn hơn khi phải thuê các nhà tư vấn. Phải đánh giá lại mức lãi khi thuê tư vấn, làm sao khi bỏ ra một đồng chi phí, DN phải có lợi gấp ba lần. Và hậu tư vấn, làm sao để DN vẫn hoạt động hiệu quả theo như chương trình tư vấn, không phải khi nhà tư vấn đi, mọi thứ lại trở về như cũ. Do đó, để có thể lựa chọn nhà tư vấn công nghệ tốt thì:


- Nên chọn một hoặc cả hai hình thức tư vấn: thường xuyên (dài hạn) và theo vụ việc, dự án (ngắn hạn) tùy theo nhu cầu.


- Trả tiền cho tư vấn có thể chọn một trong hai hình thức: theo ngày/giờ tư vấn hoặc theo % số tiền mà dự án tư vấn tiết kiệm được nhằm tránh rủi ro cho DN khi gặp nhà tư vấn không có nghề.


- Chọn tư vấn nên dựa trên kinh nghiệm và bằng cấp của nhà tư vấn. Trong đó, kinh nghiệm quan trọng hơn.


- Đối với những dự án có giá trị lớn (liên quan tới nhiều ngành) nên ký với các trung tâm, các trường đại học, các viện, sở có uy tín cao.
 

THANH MINH, STINFO số 7/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả