SpStinet - vwpChiTiet

 

Hướng về doanh nghiệp

 


Hỗ trợ và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng, hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) là những nỗ lực của TP. HCM trong nhiều năm qua.



Phục vụ đăng ký DN tại nhà 

 

Ngày 28/2/2014, TP. HCM chính thức khai trương phục vụ đăng ký DN tại nhà, thực hiện đăng ký DN mà không cần đến trụ sở của cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây được xem là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính tại TP. HCM.


Đăng ký DN tại nhà có hai công đoạn chính: thực hiện khai báo hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng Internet tại trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM; nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký DN do Bưu điện TP. HCM thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, từ ngày 2/1/2014, Sở bắt đầu triển khai thí điểm phục vụ đăng ký DN tại nhà cho các DN có nhu cầu đăng ký thành lập mới doanh nghiệp thuộc 4 loại hình: DN tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần. Đến nay, đã có 358 hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng thành công.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà
cùng đại diện Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM
bấm nút khai trương “phục vụ đăng ký DN tại nhà”. Ảnh: YL.


Để hỗ trợ nghiệp vụ và kỹ thuật cho các DN trong quá trình thực hiện soạn thảo hồ sơ đăng ký DN qua mạng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM còn thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp qua điện thoại (08-38244399) và email ([email protected]). Thời gian để Sở thực hiện cấp đăng ký DN là trong vòng 4 ngày làm việc, ít hơn 1 ngày so với thời gian quy định. Bưu điện Thành phố sẽ thực hiện phát trả kết quả tại địa chỉ do DN đăng ký tại các quận huyện trong vòng 24 giờ (riêng Củ Chi và Cần Giờ thời gian phát trả là trong vòng 48 giờ) với cước phí 40.000 đồng/bộ hồ sơ.


Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, dịch vụ đăng ký DN tại nhà kế thừa thành công của dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng (nhưng vẫn phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh, được triển khai từ năm 2001) kết hợp với các giải pháp cải cách hành chính theo hướng cung cấp dịch vụ hành chính công tại địa chỉ của người dân và DN. Đăng ký DN tại nhà sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc đăng ký DN, giúp giảm mật độ tổ chức, người dân phải đến công sở giao dịch hay nhận kết quả.


Với sự tham gia của Bưu điện Thành phố trong việc nhận và phát trả hồ sơ đăng ký DN tại địa chỉ sẽ góp phần giảm thiểu việc kê khai địa chỉ kinh doanh không trung thực. Trường hợp địa chỉ kê khai không có thật, Bưu điện sẽ kiểm tra và không thực hiện nhận hồ sơ và phát trả kết quả đăng ký DN.


Năm 2014, đăng ký DN tại nhà được xác định là một chương trình ứng dụng CNTT trọng điểm. Qua đó tăng cường các tiện ích cho DN khi thực hiện đăng ký DN và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đặt mục tiêu phục vụ đăng ký DN tại nhà cho 10% DN đăng ký thành lập và hướng dẫn hồ sơ hoàn chỉnh qua mạng Internet cho 20% hồ sơ đăng ký DN mới trong năm 2014, và tiến tới mở rộng việc cấp đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại nhà cho tất cả loại hình DN.


Đăng ký DN tại nhà không những mang lại tiện ích cho DN mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh của TP. HCM.



“Gỡ khó” về cơ chế - chính sách để phát triển DN KH&CN
 

DN KH&CN được nhiều ưu đãi nhưng vẫn khó tiếp cận là ý kiến của hầu hết các đại diện DN tại hội thảo “Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ DN KH&CN” do Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN TP. HCM tổ chức ngày 14/3/2014. Bởi hiện nay chính sách ưu đãi cho các DN này tuy hấp dẫn và cụ thể nhưng các ngành lại chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế, nên việc hưởng ưu đãi gặp không ít khó khăn.


Theo Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN, tính đến năm 2011, cả nước có khoảng .2000 DN hoạt động theo mô hình DN KH&CN trong các lĩnh vực CNTT, giống cây - con, y tế, dược, cơ khí - tự động hóa,... Cho đến nay đã công nhận được gần 200 DN KH&CN. Từ nay đến năm 2015, cả nước phấn đấu có 3.000 DN KH&CN và đến năm 2020 là 5000. Số DN KH&CN này được kỳ vọng sẽ tạo ra lực lượng sản xuất mới. Để đạt được mục tiêu đó, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, vốn... được đưa ra để khuyến khích các DN chuyển đổi và đăng ký mới DN KH&CN.


Cụ thể, khi được chứng nhận là DN KH&CN, các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi thành lập như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KH&CN. Đồng thời, các DN KH&CN cũng được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN do các cơ quan nhà nước thành lập.  

Sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Nông, một trong 14 DN KH&CN tại TP. HCM. Ảnh: YL.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hiệp (Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam) cho rằng, chính sách ưu đãi về thuế và cho thuê đất vô cùng thiết thực với DN nhưng việc thực thi ưu đãi này giữa các bộ, ngành liên quan có sự bất nhất. Do đó, Công ty Giống cây trồng miền Nam dù đã được chứng nhận là DN KH&CN từ tháng 8/2012 nhưng do thời gian làm thủ tục hưởng ưu đãi kéo dài nên đến nay vẫn không được miễn trừ thuế theo quy định. Theo ông Dương Minh Tâm (Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM), đối với những DN chưa có doanh thu thì những ưu đãi nói trên không có ý nghĩa. Ông cho biết thêm, có nhiều sản phẩm trong nước nghiên cứu rất tốt, nhưng để đưa ra thị trường lại vô cùng khó khăn bởi những ràng buộc về pháp lý. Trong khi đó, những sản phẩm nước ngoài thì chỉ cần có giấy chứng nhận của nước đó là có thể nhập và bán được ngay trên thị trường trong nước. Vì vậy, theo ông Tâm, Nhà nước cần đặt hàng sản phẩm nghiên cứu, tạo điều kiện phát triển đầu ra cho các sản phẩm của DN KH&CN. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, thống nhất các chủ trương chính sách của Nhà nước về DN KH&CN đến các bộ ngành liên quan thì các kết quả nghiên cứu khoa học mới sớm đến được với người tiêu dùng.



Thứ trưởng Bộ KH&CN chủ trì thảo luận với các đại diện các DN
tại hội thảo về cơ chế chính sách hỗ trợ DN KH&CN mới
được tổ chức tại TP. HCM. Ảnh: YL.


Đại diện Công ty TNHH MTV Ngân Hà, một trong những DN KH&CN tại TP.HCM thì trăn trở về việc đưa những sáng chế Việt Nam ra thế giới. Nhiều sản phẩm trí tuệ Việt được nước ngoài ưa chuộng nhưng rất khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ra thế giới bởi đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, DN này mong muốn được hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn khi thực hiện đăng ký sáng chế ra thế giới.


Ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ KH&CN) cho biết, đẩy mạnh đầu tư DN KH&CN là một trong những xu hướng tất yếu để phát triển. Trong những năm tới, việc đặt hàng nghiên cứu là trọng tâm để thúc đẩy sản phẩm nghiên cứu đi vào đời sống một cách nhanh nhất.
 

Quan điểm của Bộ KH&CN là DN có thể đề xuất những vấn đề xã hội cần, Bộ luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để DN thực hiện. Đối với những sản phẩm có ích cho đất nước, Nhà nước sẽ xem xét mua lại. Sắp tới Bộ KH&CN sẽ tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan để tạo ra môi trường thông thoáng hơn cho DN trong thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hưởng ưu đãi về thuế, vốn, quyền sử dụng đất...
 

Đồng thời, các DN cũng nên tích cực tham gia vào các chương trình KH&CN của Nhà nước. Từ đó DN sẽ nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt như xây dựng, phát triển thương hiệu, thành lập DN KH&CN... Hiện có rất nhiều chương trình hỗ trợ để DN tham gia như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015; Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình quốc gia “nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”.

 

YÊN LƯƠNG, STINFO Số 4/2014

 

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả