SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiệu quả từ đầu tư nông nghiệp hiện đại

 

 

Cùng với bản chất cần cù sáng tạo của người nông dân, nền nông nghiệp hiện đại còn cần nhiều yếu tố liên kết để phát triển bền vững, trong đó không thể thiếu sự năng động, chọn hướng đi đúng và áp dụng cải tiến khoa học kỹ thuật. 
 


Nông dân hiện đại: “Vua mì” Hồ Sáu

 

Cho đến nay, câu chuyện về “Vua mì” Hồ Sáu, từ một nông dân tay trắng trở thành tỷ phú nổi tiếng đã không còn xa lạ với nhiều người, nhất là nông dân vùng Đông Nam bộ. Biệt danh “Vua mì” của nông dân Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có từ năm 1994, khi ông lai tạo thành công giống mì cao sản có nguồn gốc từ Thái Lan, được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận, sau đó đưa ra trồng và bán giống đại trà. Với bản chất cần cù, sáng tạo, luôn mày mò học hỏi, Hồ Sáu dường như có đủ các yếu tố của người  nông  dân  hiện  đại:  nắm  trong  tay  kinh  
Nông dân Hồ Sáu bên vườn
thanh long sắp cho thu hoạch.
Ảnh: LV.

nghiệm của một người nông dân, áp dụng khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm chất lượng và có tư duy của nhà doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm mình làm ra.
 
Nổi tiếng với các giống mì do chính ông tìm kiếm lai tạo, cho năng suất cao gấp 4 lần các giống cũ, hiện ông đang sở hữu 100 ha đất trồng giống mì KM-419, hàm lượng tinh bột đạt 30%, năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha, chỉ trồng trong 8 tháng là thu hoạch mà không tốn nhiều công lao động và chi phí tưới tiêu.

Ngoài cây mì, ông còn canh tác thử nghiệm hàng chục giống cây trồng khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là 10 ha giống thanh long ruột đỏ. Ông cho rằng, các loại cây khác thì có tuổi nhất thời, sau phải chặt bỏ, nhưng thanh long thì phân nhánh, nảy cành đời đời kiếp kiếp, mà giá trị kinh tế lại vượt trội vì được thế giới ưa chuộng. Giống thanh long ruột đỏ của ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn.

Song, với tâm thế không ngại đổi mới, ông đã đạt được những thành công lớn hơn. Đó là dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc xuất khẩu ra nước ngoài, sản lượng mỗi năm 60 ngàn tấn, thu về hàng triệu USD. Nguyên liệu sản xuất là những phế phẩm sau thu hoạch, có sẵn và dồi dào ở địa phương. Điều đáng nói là nhờ dám nghĩ dám làm, nắm bắt được khoa học kỹ thuật, nghiên cứu kỹ thị trường nước ngoài, hiện Công ty TNHH Việt Nông Lâm của ông là một trong số ít ỏi những doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn gia súc hữu cơ ra nước ngoài, phục vụ công nghiệp chăn nuôi. Với thành công này, Hồ Sáu thêm một lần nữa “làm giàu” cho mình, giúp người nông dân có việc làm và có thu nhập ổn định, đóng góp thiết thực cho phát triển ngành nông nghiệp hiện đại.


Dây chuyền chế biến thức ăn gia súc từ thân cây bắp tươi
là một trong những thắng lợi lớn của Hồ Sáu. Ảnh: LV.


Để có những thành công liên tiếp, ông không chỉ cần cù sáng tạo mà luôn luôn học hỏi, thậm chí dám đầu tư để đổi mới, đi nước ngoài học hỏi kim nghiệm và kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất. Đúng như ông đã chia sẻ trên Báo Đồng Nai: “Tôi làm nông với tâm thế sẵn sàng thích nghi và thay đổi chứ không bảo thủ. Kinh nghiệm, mất mát sau nhiều năm theo nghề cho tôi thấy, càng nghiên cứu sát thông tin, càng dễ thành công. Không thể mình trồng, mình xài được, mà phải xem xét lúc nào thị trường cần, lúc nào không và có chiến lược rõ ràng. Khi quyết định chuyển sang nghiên cứu và sản xuất thức ăn gia súc bằng thân bắp tươi ủ men, tôi có nhiều năm tìm hiểu và thấy nhu cầu sản phẩm này là rất lớn và mình sẽ có thị trường. Tại Việt Nam, cỏ cũng chỉ có mấy tháng, còn lại thiếu thức ăn cho trâu, bò, dê. Ở nước ngoài, sự thiếu thốn còn trầm trọng hơn với mùa đông khắc nghiệt. Tuy vậy, sản xuất thế nào để đạt chất lượng và áp dụng được vào thực tế là điều phải bỏ công học hỏi, phải làm đi làm lại nhiều lần để đạt kết quả”.


Cánh đồng mẫu lớn: tăng cường liên kết bốn nhà


Năm 2013, tỉnh Long An công bố đã đạt kỷ lục sản lượng lúa với hơn 2 triệu 800 ngàn tấn. Điều đáng nói là, kết quả này chỉ thực hiện trên diện tích gần 9.500 ha làm theo mô hình mới - cánh đồng mẫu lớn với 3.600 hộ tham gia.


Mô hình cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp) thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng GAP, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, được xây dựng theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hầu hết các tỉnh thành Nam bộ từ tháng 3 năm 2011. Tham gia mô hình này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap, Global Gap... Trong quá trình đó, nông dân được chủ động áp dụng cơ giới hóa, tính toán để giảm giá thành, giảm các chi phí trung gian và bao tiêu sản phẩm (hoặc gửi lưu kho chờ giá). Ngược lại, doanh nghiệp có được sản lượng lúa lớn, chất lượng cao, đồng bộ, thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, chủ động nguồn hàng xuất khẩu, bán giá cao.



Áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng
để dẫn dụ thiên địch tại cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: LV.

 

Thành công bước đầu của mô hình hợp tác sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở Long An cho thấy sự liên kết hiệu quả của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tham gia thực hiện, đảm bảo thu nhập cho nông dân. Người dân đã thật sự tin tưởng tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn qua từng mùa vụ.


Nhờ có đê bao bảo vệ, mô hình cánh đồng mẫu lớn (diện tích 50 ha) của bà con nông dân thuộc xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa chủ động được nước tưới tiêu, gieo sạ đúng thời vụ, tránh được rầy nâu phá hoại. Nhờ cán bộ nông nghiệp áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và kết hợp công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, độ cao đồng đều, cứng cáp, hạn chế được sâu bệnh hại. Năng suất bình quân cao hơn khoảng 10% so với ruộng lúa bên ngoài mô hình, lợi nhuận cao hơn từ 3 đến 4 triệu đồng/ha.


Có thể thấy, lúa giống được bảo đảm, thuốc trừ sâu và phân bón được chuyển giao kịp thời, cán bộ nông nghiệp theo sát hỗ trợ kỹ thuật, sản phẩm được bao tiêu… là những yếu tố bảo đảm cho người dân tránh được tình cảnh bấp bênh về giá vào cuối vụ.


Ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu tốt việc tổ chức hình thức, chọn đúng các công ty để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, chọn vùng sản xuất, gắn liền với xuất khẩu, trên cơ sở đó người dân an tâm sản xuất vì có nơi tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận sau chi phí.



Mùa thu hoạch tại cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: LV.


Theo kế hoạch năm 2014, tỉnh Long An sẽ nâng gấp đôi diện tích cánh đồng mẫu lớn với gần 18 ngàn ha và triển khai mô hình này đối với cây bắp ở huyện Đức Hòa, cây thanh long ở Châu Thành, chanh dây không hạt và cây mía ở Bến Lức.


Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Long An đang cho thấy một hướng đi đúng đắn, liên kết 4 nhà hiệu quả để tạo được niềm tin từ người nông dân, làm giàu cho dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
 

LAM VÂN, STINFO Số 3/2014

 

Tải bài này về tại đây.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả