SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Đại học Bách Khoa TP.HCM


Đại học Bách Khoa TP.HCM đã đầu tư nghiên cứu khoa học có chiều sâu và chất lượng để trở thành một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của cả nước.
 


Đầu tư đúng hướng


Gần 850 kết quả nghiên cứu được công bố ở 46 phân ban tại Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) lần thứ 13 do Đại học Bách Khoa TP.HCM (ĐHBK) tổ chức mới đây cho thấy phần nào vai trò nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) của nhà trường.


Trong quá trình xây dựng và phát triển, ĐHBK luôn gắn nhiệm vụ đào tạo với trách nhiệm NCKH và CGCN. Hai nhiệm vụ này luôn đi song hành trong đó NCKH đóng vai trò hỗ trợ và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong suốt những năm qua, đặc biệt từ năm 2004 đến nay, ĐHBK đã đầu tư nhiều nguồn lực từ con người, tài chính, đến cơ sở vật chất vào hoạt động KH&CN với mục tiêu trước mắt là phát triển chất lượng các công trình nghiên cứu.


PGS.TS. Vũ Đình Thành – Hiệu trưởng ĐHBK cho biết, hiện nay, số lượng cán bộ có học hàm học vị của trường là 830/1.300 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu. Trường có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 5 phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG TP.HCM và hơn 130 phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo. Để phục vụ công tác CGCN, trường đã thành lập và chuyển đổi 9 trung tâm nghiên cứu hoạt động theo nghị định 115 của Chính phủ, ngoài ra đã phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM thành lập Vườn ươm doanh nghiệp. Từ năm 2011 – 2013, có 422 đề tài nghiên cứu được thực hiện với tổng kinh phí trên 65 tỷ đồng. Doanh thu từ CGCN đạt từ 70 – 80 tỷ đồng/năm.


Hai mảng hợp tác mà ĐHBK luôn tích cực chủ động là hợp tác chặt chẽ với các địa phương để tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cụ thể trên địa bàn; hợp tác với doanh nghiệp và đối tác nước ngoài nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ cho hoạt động NCKH, từng bước đa dạng hóa nguồn kinh phí.


Thành quả thu được từ quá trình đầu tư liên tục, đúng hướng này là các kết quả NCKH có chất lượng; các hướng nghiên cứu đa dạng, bám sát nhu cầu của xã hội, các sản phẩm công nghệ phong phú, có khả năng chuyển giao cho các doanh nghiệp.


Chip nhận dạng giọng nói tiếng Việt trên nền FPGA,
một trong những sản phẩm KH&CN của trường.
Ảnh: VN.

 


Những điểm sáng


Nhờ những đầu tư đúng hướng, từ 2008-2013, ĐHBK đã có những chuyển biến lớn về lượng và chất trong hoạt động NCKH. Những điểm sáng đó là thực hiện thành công 6 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước với kinh phí trên 21 tỷ đồng; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài (Công ty Posco, Công ty Samsung...) trong NCKH. Các nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của Thành phố và các tỉnh lân cận được đánh giá cao như: Nghiên cứu bảo vệ và phát triển nguồn nước dưới đất bằng nguồn nước mưa tại khu vực nội thành TP.HCM do PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ làm chủ nhiệm; Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm thiết bị ngưng tụ hơi hóa học bằng nhiệt (T-CVD) dùng trong tổng hợp ống nano carbon đơn thành (SWNT) do TS. Lê Văn Thăng làm chủ nhiệm; Đánh giá sự biến động dòng chảy và môi trường nếu loại bỏ một số cống đập trên vùng hạ du khi có các công trình thủy lợi, thủy điện trên dòng chính, PGS.TS Huỳnh Công Hoài là chủ nhiệm...


Về mảng hợp tác với địa phương, ĐHBK đã chủ động tham gia đề xuất các hướng nghiên cứu phục vụ cho Tỉnh Lâm Đồng. Bước đầu đã thực hiện một số dự án như: Thiết kế, chế tạo lò sấy nông sản sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời và sinh khối; Đánh giá mô hình tiết kiệm năng lượng trong 4 lĩnh vực: chiếu sáng công cộng - tòa nhà công sở - trường học - khách sạn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...


Sản phẩm của Khoa Khoa học ứng dụng thu hút nhiều bạn trẻ
tìm hiểu tham quan tại triển lãm. Ảnh: VN.


Không trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp hàng năm, ĐHBK đã chủ động hợp tác với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ cho hoạt động NCKH, từng bước đa dạng hóa nguồn kinh phí. ĐHBK luôn động viên, khuyến khích các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tìm kiếm những nguồn kinh phí NCKH ngoài ngân sách nhà nước bằng chính năng lực của mình. Nhờ đó ĐHBK đã có được những đặt hàng nghiên cứu sáng giá như: cải tiến xe điện thành xe điện lai sử dụng năng lượng mặt trời và bộ giám sát quản lý năng lượng thông minh; chế tạo thiết bị chiết xuất dược liệu; thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống chắn tàu tự động; lò plasma chân không để luyện titan kim loại từ nguyên liệu titan xốp; xây dựng hệ thống đầu đọc RFID tần số 13,56MHz, ứng dụng quản lý phòng thí nghiệm trong trường đại học bằng thẻ RFID;...

Sản phẩm của Khoa Địa chất và dầu khí trưng bày tại triển lãm. Ảnh: VN.


Bên cạnh đó, còn có các đề tài NCKH từ dự án JICA SUPEREM-HCMUT đang được triển khai tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, An Giang như: nghiên cứu chiết xuất Taxol từ cây thông đỏ (Taxus Wallichiana Zucc) ứng dụng trong lĩnh vực dược phẩm để sản xuất thuốc chống ung thư; nghiên cứu quy trình công nghệ lên men hạt ca cao quy mô công nghiệp; nghiên cứu chống sạt lở công trình đường ven sông và nền đất yếu tại tỉnh An Giang... Các đề tài nghiên cứu hợp tác với Công ty Samsumg cũng đã được công ty này triển khai như: phát triển ứng dụng xem truyền hình FCs, phát triển ứng dụng TV Karaoke; Webcam phát triển dựa trên mã vạch quét thư viện...


Nhằm tăng cường khả năng chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các cán bộ trong trường, từ năm 2010, ĐHBK đã có chính sách phát triển các đề tài dưới dạng đặt hàng với yêu cầu sản phẩm hoàn chỉnh và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ khi kết thúc đề tài. Mặc dù nguồn kinh phí dành cho nhóm đề tài này không nhiều (1,8-2,8 tỷ đồng/năm) nhưng bước đầu có rất nhiều sản phẩm hình thành từ nhóm đề tài này thu hút được sự chú ý và đặt hàng của các đơn vị trong nước. Các đề tài có giá trị như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động thay cho phương pháp sản xuất thủ công; Nghiên cứu và chế tạo hệ thống thiết bị sấy cà phê sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời và nhiên liệu biomass; Hoàn thiện mô hình xe hai bánh...


Ngoài ra, một số sản phẩm KH&CN có giá trị từ các đề tài nghiên cứu có thể kể đến như Chip nhận dạng giọng nói tiếng Việt trên nền FPGA; thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh thuyền lướt khí hai chỗ ngồi; nghiên cứu chế tạo thiết bị đo quán tính 3 trục; gạch bê tông rỗng từ xỉ thải của nhà máy luyện thép;...
 


Lựa chọn đầu tư các hướng ưu tiên


Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong đào tạo, NCKH & CGCN, PGS.TS. Phan Đình Tuấn – Phó Hiệu trưởng ĐHBK cho biết, sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường kinh phí cho hoạt động NCKH và tăng cường đội ngũ nghiên cứu. Trường sẽ chủ động tìm thêm nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, không thể bị động trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp, tranh thủ sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Lựa chọn đầu tư cho các hướng ưu tiên để đảm bảo kinh phí đầu tư đúng và đủ. Sắp xếp việc sử dụng chung thiết bị cho các đơn vị trong toàn trường để tránh đầu tư lãng phí. Dành kinh phí từ chính nguồn lực của ĐHBK cho việc đầu tư NCKH đối với những hướng nghiên cứu ưu tiên, đảm bảo việc đầu tư đủ và liên tục. Từng bước nâng dần tỷ trọng đóng góp đầu tư từ nguồn doanh thu CGCN.


Các sản phẩm của PTN TĐQG Điều khiển số
và kỹ thuật hệ thống tại triển lãm. Ảnh: VN.


Đối với đội ngũ nghiên cứu, ĐHBK sẽ thay đổi các tiêu chí tuyển dụng để có thể tuyển chọn được nhân lực giỏi. Quy hoạch và chủ động gửi người đi đào tạo ở nước ngoài cho các ngành ưu tiên. Dành kinh phí thích hợp để mời các nhà khoa học Việt kiều, quốc tế đến làm việc tại trường. Đồng thời, có các chính sách thích hợp để khuyến khích lập các nhóm nghiên cứu mạnh đơn ngành và liên ngành. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, ĐHBK sẽ ban hành các quy chế hoạt động KH&CN, quy chế quản trị tài sản trí tuệ, khuyến khích cán bộ tích cực tham gia NCKH và CGCN,... để đưa hoạt động KH&CN ngày càng quy củ, hiệu quả cao. Đặc biệt, ĐHBK đang tập trung phát triển các cơ sở cho việc hình thành trường đại học nghiên cứu sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới và phát triển hoạt động KH&CN của mình.

 

VÂN NGUYỄN, STINFO Số 12/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả