Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2014 dự báo hồi phục rõ rệt tại các nước phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam hưởng lợi từ sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI - Foreign Direct Investment). Để đón đầu và nâng cao chất lượng làn sóng đầu tư mới, việc tạo dựng khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp FDI là giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng đến.
Xuất nhập khẩu tại chỗ
• Doanh nghiệp FDI nội địa bán hàng cho doanh nghiệp ở Nhật, tuy nhiên việc giao hàng thực hiện tại Việt Nam. Xin hỏi trường hợp này, doanh nghiệp có phải tiến hành thủ tục xuất khẩu, làm tờ khai hải quan không?
* Đây là trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 41 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
“Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hóa do thương nhân Việt Nam (bao gồm cả thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất) xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng thương nhân nước ngoài chỉ định việc giao, nhận hàng hóa đó tại Việt Nam cho một thương nhân Việt Nam khác”.
Trường hợp này, doanh nghiệp cần mở tờ khai hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ. Thủ tục tiến hành theo quy định tại Điều 41 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Nếu doanh nghiệp sử dụng thủ tục hải quan điện tử thì tiến hành theo quy định tại Điều 47 Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
Doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục để được hướng dẫn giải quyết.
Tạm nhập, tái xuất hàng hóa
• Doanh nghiệp FDI, 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và logistics, muốn xuất một lô hàng sang Thái Lan. Lô hàng nói trên có xuất xứ từ Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đăng ký thủ tục hải quan thì bị từ chối do lô hàng có xuất xứ nước ngoài:
- Trường hợp doanh nghiệp mua hàng từ một nhà cung cấp trong nước nhưng hàng hóa có xuất xứ nước ngoài thì doanh nghiệp có được xuất lô hàng này đi không?
- Trường hợp ban đầu, doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài về chỉ để phân phối trong nước, sau đó lại tìm thấy cơ hội xuất hàng sang một nước khác thứ ba. Liệu doanh nghiệp có được phép xuất khẩu một phần lô hàng này sang nước thứ ba không?
* Căn cứ nội dung hướng dẫn tại công văn số 7483/BCT-XNK ngày 16/8/2012 và công văn số 7723/BCT-XNK ngày 22/8/2012 của Bộ Công thương:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu):
- Không được: tham gia kinh doanh dịch vụ tạm nhập, tái xuất hàng hóa; chuyển khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Việt Nam và tái xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhằm mục đích thương mại;
- Được mua hàng hóa do doanh nghiệp khác sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu, nhưng không bao gồm hàng hóa có nguồn gốc sản xuất tại nước ngoài.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2013, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BCT quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 07/6/2013, trong đó quy định về thực hiện quyền xuất khẩu tại Điều 3 như sau:
“Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền xuất khẩu, được mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, bao gồm hàng hóa do doanh nghiệp nhập khẩu hoặc doanh nghiệp khác nhập khẩu vào Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác”.
Do đó, hai trường hợp doanh nghiệp nêu ra cần căn cứ trên ngày xuất khẩu lô hàng (trước hay sau ngày 7/6/2013) để giải quyết:
+ Nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu trước ngày 07/6/2013 thì thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 7483/BCT-XNK ngày 16/8/2012 và công văn số 7723/BCT-XNK ngày 22/8/2012 của Bộ Công thương.
+ Nếu xuất khẩu hàng hóa sau ngày 07/6/2013 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ Công thương.
Chi nhánh có cần làm báo cáo thống kê?
• Doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở chính tại TP.HCM và chi nhánh tại Hà Nội. Doanh nghiệp phải làm báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng và năm để gửi Cục Thống kê theo quy định lại Luật Thống kê, Nghị định 14/2005/ND-CP và Quyết định 77/2010/QD-TTg. Chi nhánh tại Hà Nội có cần làm báo cáo thống kê gửi cho Cục thống kê tại Hà Nội không?
* Ngày 30/11/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2010/QĐ-TTg về chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tại điều 2 quy định, các đơn vị phải báo cáo gồm:
- Doanh nghiệp nhà nước,
- Doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 10% trở lên).
Từ “Doanh nghiệp” trong Quyết định nói trên được hiểu là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân, có mã số thuế, có con dấu riêng, có tài khoản ngân hàng. Như vậy, chi nhánh của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu này nên không phải báo cáo theo quyết định 77.
Tuy nhiên 5 năm một lần, nhà nước có tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế-hành chính sự nghiệp theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, ngoài các đơn vị hạch toán độc lập phải báo cáo, có thể sẽ thu thập thông tin của cả chi nhánh (cả chi nhánh ở khác địa phương với trụ sở chính). Trong trường hợp này, chi nhánh đóng ở tỉnh nào thì nộp phiếu điều tra về cơ quan thống kê tỉnh đó.
Doanh nghiệp chế xuất muốn mở thêm chi nhánh
• Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài nằm trong khu chế xuất, được công nhận là doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Doanh nghiệp có được mở thêm chi nhánh bên ngoài khu chế xuất để bán hàng nội địa không?
* Theo khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo khoản 5 Điều 37 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 quy định “Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính”.
Do đó, doanh nghiệp chế xuất có thể mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương hoặc địa phương khác. Tuy pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về chi nhánh của DNCX nhưng căn cứ Luật doanh nghiệp, khi DNCX mở chi nhánh hoạt động ở ngoài khu chế xuất thì quan hệ giữa DNCX và chi nhánh nội địa là quan hệ xuất nhập khẩu. Các hoạt động mua bán giữa DNCX và chi nhánh phải tuân theo thủ tục hải quan và các nghĩa vụ tài chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài
• Xin hỏi về thời hạn hoạt động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
* Theo quy định tại Điều 52 Luật đầu tư năm 2005, thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án, được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư và không quá 50 năm.
Trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án, nhưng tổng thời gian không quá 70 năm.
Hết thời hạn hoạt động trên giấy phép đầu tư
• Doanh nghiệp FDI có thời hạn ghi trên giấy phép đầu tư sắp hết. Xin hỏi nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải làm thủ tục gì?
* Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp (Luật số 37/2013/QH13) về đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2013:
- Doanh nghiệp FDI được cấp phép trước ngày 01/7/2006, đã hết hạn thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư mà chưa làm thủ tục đăng ký lại, chưa thực hiện thủ tục giải thể và có đề nghị được tiếp tục hoạt động, thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời gian sớm nhất tại cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khi đăng ký lại, doanh nghiệp cần nộp lại bản gốc giấy phép đầu tư, các giấy phép đầu tư điều chỉnh và giấy chứng nhận điều chỉnh giấy phép đầu tư đã cấp (nếu có) cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư khi nhận giấy chứng nhận đầu tư.
- Doanh nghiệp đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư, chưa tiến hành đăng ký lại mà vẫn hoạt động thì sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư, bị xử phạt và phải giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành.
Do đó, việc đăng ký lại là hết sức cần thiết để doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động bình thường mà không phải chịu chế tài theo quy định pháp luật.
ĐĂNG HƯNG, STINFO Số 4/2014
Tải bài này về tại đây.