Nhập khẩu phế phẩm nhựa
? Doanh nghiệp muốn nhập phế phẩm nhựa từ nước ngoài về để tái chế. Phế phẩm là các tấm nylon (polyethylene resin) dùng trong nhà kính để ươm cây đã qua sử dụng. Xin được hướng dẫn về thủ tục, các loại giấy phép, nơi làm thủ tục và mã HS của hàng hóa nêu trên.
* Để nhập khẩu phế liệu nhựa, doanh nghiệp cần nghiên cứu các văn bản sau:
1. Điều kiện đối với thương nhân nhập khẩu phế liệu và điều kiện đối với phế liệu nhập khẩu: quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của liên Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đồng thời, phế liệu doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Phụ lục I về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất. Phụ lục này ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BCT ngày 28/01/2013 của Bộ Công thương quy định về phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất.
2. Việc xác định mã HS của một mặt hàng cần dựa trên tính chất, thành phần cấu tạo của hàng hóa và thực tế hàng hóa nhập khẩu đó. Với các thông tin nêu trong câu hỏi, Cục Hải quan chưa đủ cơ sở để trả lời mà chỉ có thể hướng dẫn doanh nghiệp cách tra cứu mã.
Trường hợp mặt hàng nhựa “polyethylene resin”, để xác định mã HS chi tiết phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp cần tham khảo Chương 39, căn cứ vào thực tế tính chất, công dụng, cấu tạo hàng hóa nhập khẩu; và áp dụng 6 quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Nội dung văn bản này có thể tìm được ở mục Thư viện Văn bản Pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Hải quan tại địa chỉ: www.customs.gov.vn. Doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Mã HS (HS Code) là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Harmonized Commodity Description and Coding System - HS) do Tổ chức Hải quan Thế giới xây dựng. Hiện nay, danh mục phân loại hàng hóa theo HS được chấp nhận trên toàn cầu. Việc sử dụng mã HS giúp thống nhất hệ thống phân loại hàng hóa giữa các quốc gia, giảm thời gian và chi phí thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Để xác định mã số HS của một mặt hàng cần căn cứ trên tính chất, cấu tạo, tài liệu thực tế của hàng hóa. Với mỗi mã HS sẽ có mức thuế suất tương ứng được quy định tại biểu thuế do Bộ Tài chính ban hành.
Nhập khẩu thép
? Doanh nghiệp thương mại muốn nhập khẩu mặt hàng thép không rỉ về để bán lại cho các công ty thương mại, công ty sản xuất nhỏ và cửa hàng bán lẻ khác. Có một số vướng mắc về hồ sơ thủ tục nhập khẩu theo Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.
Được biết, theo mục d khoản 4 Điều 6 Thông tư này, cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào chứng thư giám định hoặc giấy chứng nhận lô hàng để làm thủ tục thông quan. Đối với hàng hóa là thép, quy định tại Phụ Lục II của Thông tư, cần bổ sung các giấy tờ:
- Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép).
- Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng (Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu không phải là người sử dụng thép).
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng của doanh nghiệp đều không đủ điều kiện xin cấp các giấy tờ trên do vấn đề thuyết minh cơ sở vật chất, diện tích nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền công nghệ... Mặt khác, vì doanh nghiệp nhập hàng về kho và bán cho nhiều khách hàng trong thời gian không xác định, nên cho dù một số khách hàng của công ty đủ điều kiện được cấp Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất thì khách hàng đó cũng không thể mua toàn bộ lô hàng mà công ty nhập về.
Xin hỏi phải làm thủ tục như thế nào để có thể nhập khẩu toàn bộ lô hàng thép không rỉ?
* Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 của liên Bộ Công thương và Bộ KH&CN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu thì:
Ngày 30/5/2014, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4719/BCT-KHCN về việc chuẩn bị triển khai Thông tư Liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN. Theo đó, từ ngày 01 tháng 6 đến hết ngày 31/12/2014, các doanh nghiệp nhập khẩu thép quy định tại Phụ lục II được nhập khẩu trên cơ sở đăng ký nhu cầu nhập khẩu với Bộ Công thương để xác nhận nhu cầu nhập khẩu căn cứ trên lượng thép đã nhập. Doanh nghiệp không cần bổ sung hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng.
Như vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ loại thép nhập khẩu có nằm trong Danh mục quy định tại Phụ lục II của Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN hay không và nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Công thương tại công văn số 4719/BCT-KHCN ngày 30/5/2014.
Nếu cần thêm thông tin, vui lòng liên hệ Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, số điện thoại 04. 2220 2402 để được hướng dẫn.
Nhập khẩu vật tư đã qua sử dụng
? Doanh nghiệp có được phép nhập khẩu bánh hơi dùng cho xe tải, xe ô tô loại đắp lại (lốp xe đã qua sử dụng), xuất xứ Thái Lan, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) hay không? Căn cứ Biểu thuế nhập khẩu 2014, loại bánh hơi đắp lại này có mã HS là 40121210.
* Theo chú thích nhóm 40.12 trong Biểu thuế xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, mặt hàng bánh hơi đắp lại (mã HS số 40121210) là loại “lốp loại bơm hơi đã qua sử dụng hoặc đắp lại…”. Mặt hàng này nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Cụ thể, các vật tư đã qua sử dụng như máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy không được phép nhập khẩu. Việc cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 nêu trên.
Nhập khẩu hạt điều thô
? Doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hạt điều thô. Xin hỏi loại sản phẩm chịu những loại thuế gì và thuế suất bao nhiêu?
* Doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều thô sẽ chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, mặt hàng hạt điều thô thuộc chương 8, nhóm 08.01 "Dừa, quả hạch Brazil, hạt đào lộn hột (hạt điều), tươi hoặc khô, đã bóc vỏ hoặc chưa lột vỏ".
Với thuế nhập khẩu, doanh nghiệp cần xem xét cụ thể loại hạt điều mà doanh nghiệp nhập về. Nếu hạt điều nhập khẩu chưa bóc vỏ thì có mã HS 0801.31.00, thuế suất thuế nhập khẩu 5%; nếu hạt điều nhập khẩu đã bóc vỏ thì có mã HS 0801.32.00, thuế suất thuế nhập khẩu 25%.
Với thuế GTGT, doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và nghị định số 2009/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT. Doanh nghiệp có thể tham khảo nội dung các văn bản này tại thư viện văn bản của Tổng cục Hải quan www.customs.gov.vn. hoặc liên hệ trực tiếp hải quan nơi dự định làm thủ tục.
Nhập khẩu mặt hàng do Bộ Công an quản lý
? Doanh nghiệp dự định nhập một lô hàng thiết bị đo vận tốc cầm tay không có camera ghi hình (để đo vận tốc bóng, vận tốc xe...) và bán lại cho một công ty khác. Công ty khách hàng không thuộc Bộ hay ngành Công an. Xin hỏi có được phép nhập khẩu mặt hàng trên không và thủ tục như thế nào?
* Căn cứ Thông tư 14/TT-BCA ngày 20/3/2012 của Bộ Công an ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an, và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho thấy, các văn bản này đều không quy định cụ thể thẩm quyền, thủ tục cấp phép nhập khẩu đối với hàng hóa nêu trên. Đồng thời, Cục Hải quan TP. HCM, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Bộ Công an đều cho biết chưa có văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 14/2012/TT-BCA. Do đó, chưa có cơ sở để tư vấn cho doanh nghiệp. Đề nghị doanh nghiệp liên hệ trực tiếp Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an tại địa chỉ www.mps.gov.vn để được hướng dẫn cụ thể hơn.
STINFO Số 9/2014
Tải bài này về tại đây.