Với quan điểm lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), thời gian qua nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ DN đã được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho DN.
Các chương trình/dự án hỗ trợ DN của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2)
SMEDEC 2 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) có trụ sở đặt tại TP.HCM, thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TC ĐL CL); hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Dưới đây là một số chương trình/dự án SMEDEC 2 đang triển khai:
1. Dự án quốc gia
Năm 2013 - 2014, SMEDEC 2 được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) phân công chủ trì thực hiện tại phía Nam các nhiệm vụ cấp nhà nước thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Các hoạt động gồm: tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng; xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo về các công cụ năng suất chất lượng ; xây dựng mô hình điểm về áp dụng phương pháp “kiểm soát chi phí dòng nguyên liệu - MFCA” trong DN; nhân rộng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống và công cụ (ISO 9000, ISO 22000, 7 công cụ thống kê và 5S) cho 100 DN.
2. Triển khai chương trình hợp tác với các tổ chức nước ngoài để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ tại Việt Nam
2.1. Dự án “Nâng cao năng lực hợp tác công tư trong quản lý rủi ro thiên tai và khả năng phục hồi cộng đồng sau thảm họa tại Việt Nam” do SMEDEC 2 thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Châu Á (TAF):
Trong năm 2013 – 2014, SMEDEC 2 thực hiện tại miền Đông Nam bộ và miền Trung các chương trình, hoạt động dành cho DN gồm truyền thông, hội thảo, đào tạo. Cụ thể đã tổ chức các khóa đào tạo quản lý rủi ro thiên tai dành cho các DN tại TP.HCM và Long An. Hiện nay, SMEDEC 2 đang tiến hành mở rộng chương trình qua việc lồng ghép chương trình đào tạo quản lý rủi ro thiên tai với các chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, nghề, các cơ sở, trung tâm đào tạo, các hiệp hội DN… nhằm giúp các DN nâng cao kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai và chủ động hơn trong việc phòng chống và giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai.
Tập huấn trong khuôn khổ dự án “nâng cao năng lực quản lý
rủi ro thiên tai và khả năng phục hồi cộng đồng sau thảm họa tại Việt Nam”
được SMEDEC 2 triển khai tại TP. HCM. Ảnh: LV.
2.2. Dự án nâng cao năng lực của DN, cải tiến NSCL, đổi mới sinh thái (Eco-innovation) do Hàn Quốc tài trợ (2013-2014).
Dự án nhắm đến tiết kiệm nhiên liệu, cải tiến sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn cho DN vừa và nhỏ của Việt Nam tại khu vực phía Nam. Trong năm 2013, chương trình này đã đào tạo và tư vấn cho 8 DN về đổi mới sinh thái; 1 khóa đào tạo cho chuyên gia về tư vấn nâng cao NSCL; đào tạo, tư vấn về NSCL tại 5 DN sản xuất ở miền Nam.
Năm 2014, Chương trình tư vấn đổi mới sinh thái (Eco-Innovation Consulting) tiếp tục hỗ trợ tư vấn và đào tạo cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam (khoảng 10 DN) về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cải tiến năng suất và biện pháp giải quyết các vấn đề về môi trường. Các DN nhận được tư vấn trực tiếp từ chuyên gia của Hàn Quốc. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2014 – tháng 12/2014.
2.3. Dự án Xây dựng hiệp hội kinh doanh hiệu quả vì sự phát triển năng động và công bằng ở Việt Nam
Dự án do SMEDEC 2 phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam (Socencoop) thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) và Quỹ Châu Á. Mục đích nhằm tăng cường khả năng vận động chính sách của hiệp hội HTX và hỗ trợ sự phát triển các HTX có khả năng tiếp cận các cơ hội thị trường. Dự án sẽ thực hiện đào tạo cho 30 HTX và tư vấn đồng hành cho 15 HTX. Thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016.
Chương trình hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất và chứng nhận hợp chuẩn - hợp quy
Chương trình do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) chủ trì thực hiện. Chương trình khuyến khích các DN tích cực áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001: 2008, ISO 14000, ISO 22000, ISO 27000, HACCP, SA 8000…, để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; áp dụng các công cụ hiện đại như 5S, KAIZEN, TQM, TPM, LEAN 6 SIGMA… nhằm nâng cao NSCL, tiếp cận với sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất.
Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Khi được chứng nhận là DN KH&CN, các DN sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi như được hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật kể từ khi có thu nhập chịu thuế với điều kiện: doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trong năm thứ nhất đạt ít nhất là 30% tổng doanh thu, năm thứ hai đạt ít nhất là 50% tổng doanh thu và từ năm thứ ba trở đi đạt ít nhất là 70% tổng doanh thu của doanh nghiệp KH&CN; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà; được hưởng chính sách về tín dụng đầu tư phát triển (bao gồm cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư) cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN do các cơ quan nhà nước thành lập.
Để được chứng nhận DN KH&CN, các DN cần hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ. DN sẽ được hướng dẫn thủ tục đăng ký chứng nhận DN KH&CN tại Sở KH&CN các tỉnh, thành phố. Tại TP.HCM, DN liên hệ trực tiếp với Sở KH&CN TP.HCM để được hướng dẫn đăng ký chứng nhận DN KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại hội thảo tổ chức ở TP. HCM
về chính sách ưu đãi hỗ trợ DN KH&CN. Ảnh: LV.
Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và tăng cường liên kết DN với KH&CN
Đây là một trong ba hợp phần của dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN” (FIRST) do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 110 triệu USD được thực hiện từ 23/10/2013 – 30/6/2019. Mục tiêu dự án là thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ thông qua xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường và các DN; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ trong các DN, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các DN KH&CN.
Mỗi Doanh nhân – Một người Thầy
Dự án do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM triển khai thực hiện từ năm 2014 đến 2018. Đây là dự án cộng đồng đầu tiên của một tổ chức hiệp hội doanh nhân cam kết bảo trợ cho hoạt động khởi nghiệp và những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng của những người trẻ.
Phát động cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Startup Wheel 2014
và Dự án “Mỗi Doanh nhân - Một người Thầy” tại TP. HCM ngày 16/4. Ảnh: LV.
Các hoạt động chính của dự án gồm đào tạo kiến thức khởi sự DN cho 2.000 người trẻ có khát khao khởi nghiệp; tư vấn - huấn luyện 200 sinh viên tham gia chương trình “khởi nghiệp tập sự” tại các DN hội viên Hội Doanh nhân Trẻ và hội viên các CLB Doanh nghiệp TP.HCM; bảo trợ 20 dự án khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ theo phương thức 1 – 1, mỗi doanh nhân bảo trợ một dự án nhằm truyền cảm hứng và tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nhân thành đạt và người khởi nghiệp, phát triển và đóng góp cho xã hội mạng lưới doanh nhân mới tiềm năng cũng như tăng khả năng thành công cho các DN mới thành lập; kêu gọi đầu tư 2 dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Trong khuôn khổ dự án, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel bắt đầu từ năm 2014, nhằm khuyến khích những ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp tốt mang lại giá trị cho xã hội; tìm ra những gương mặt kinh doanh trẻ tài năng, sáng tạo để bồi dưỡng, hình thành đội ngũ doanh nhân tương lai.
LAM VÂN, STINFO Số 5/2014
Tải bài này về tại đây.