SpStinet - vwpChiTiet

 

Giao dịch liên quan đến ngoại tệ

 

 

Nhà nước đã ban hành các nghị định, quy định về giao dịch bằng ngoại tệ nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi sử dụng ngoại tệ để giao dịch, mua bán với người nước ngoài hay ứng cho nhân viên đi nước ngoài,…Nội dung giới thiệu dưới đây liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ được nhiều doanh nghiệp quan tâm. 
 


Bán hàng trên mạng cho khách nước ngoài

Pháp luật Việt Nam không cho phép niêm yết giá bán sản phẩm bằng ngoại tệ, công ty chúng tôi có kế hoạch bán hàng qua website, đối tượng khách hàng bao gồm cả ở nước ngoài như Úc, Mỹ,… Làm sao công ty thể hiện được giá bán sản phẩm theo ngoại tệ khách hàng sử dụng để dễ nhận biết, giao dịch và thanh toán?

* Thông tư 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam áp dụng cho đối tượng là tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú có hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam với nguyên tắc là mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này. Do đó, công ty tham khảo thông tư trên để thực hiện theo đúng quy định. 

 


Nhập khẩu phần mềm từ nước ngoài

Công ty có nhập khẩu 01 phần mềm quản lý trị giá 50.000 USD, phương thức chuyển giao qua mạng internet. Công ty có phải kê khai hải quan hay không? Chứng từ để xác định tài sản, giá trị bao gồm những gì, khai báo tại đâu và thủ tục khai báo gồm những gì?

* Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Hải quan quy định về đối tượng áp dụng làm thủ tục Hải quan là “tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Hải quan thì hàng hóa xuất nhập khẩu là tất cả các động sản, có mã số và tên gọi theo quy định của pháp luật được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động của hải quan.

Hiện nay, phần mềm chưa có mã số trong Danh mục mã HS và Danh mục biểu thuế xuất nhập khẩu. Do vậy, việc nhập khẩu phần mềm qua mạng internet chưa có hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Công ty dự kiến sẽ nhập khẩu phần mềm từ nước ngoài với giá 1.400 USD (bao gồm trị giá phần mềm là 1.375 USD và phí vận chuyển là 25 USD), phương thức chuyển giao không qua mạng internet. Vậy công ty sẽ phải đóng những loại thuế gì và bao nhiêu?

* Căn cứ thực tế hàng hóa nhập khẩu đối chiếu với mã số hàng hóa quy định cụ thể tại Thông tư 193/2012/TT-BTC và Thông tư 131/2009/TT-BTC để xác định mức thuế suất phải nộp.



Ứng ngoại tệ cho nhân viên đi nước ngoài


Nhân viên công ty ứng tiền USD để đi công tác nước ngoài. Sau khi đi công tác về, căn cứ vào một số chứng từ nước ngoài, công ty cấn trừ với số USD đã tạm ứng, còn lại phải trả lại cho công ty; số tiền thu lại sẽ phải bằng USD, tuy nhiên nhân viên này muốn trả bằng VND tương ứng với tỷ giá do nhân hàng nhà nước qui định tại thời điểm chi trả. Nếu công ty chấp nhận lời đề nghị này thì có hợp lý, hợp pháp không?

* Theo quy định tại Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, đối với trường hợp công ty cử nhân viên đi công tác nước ngoài:


(i) Nếu công ty có ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép thì được chi rút ngoại tệ mặt cho cá nhân làm việc cho tổ chức đó khi được cử ra nước ngoài công tác. Số ngoại tệ còn lại sau khi đi công tác về sẽ được nộp lại vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của công ty;


(ii) Nếu công ty không có ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ, có thể mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép cho nhân viên đi công tác nước ngoài.


Trong câu hỏi trên không nêu rõ nguồn tiền USD mà công ty ứng cho nhân viên đi công tác. Do đó nếu nguồn ngoại tệ của công ty không thuộc 02 trường hợp nêu trên sẽ được xem như không phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (Phòng Quản lý Ngoại hối – 08 Võ Văn Kiệt - Tel:38.212.594) để biết thêm chi tiết. 

 


Nhập hàng có giá trị thấp từ nước ngoài

Công ty có nhập khẩu mặt hàng giá trị 22,9 USD bằng đường chuyển phát nhanh thông qua Fedex. Vì giá trị hàng dưới 1 triệu đồng nên Fedex áp dụng theo công văn 6506/TCHQ-TXNK ngày 19/11/2013, hàng hóa này được lược khai, hải quan có đóng dấu xác nhận, và không có khai tờ khai mậu dịch (tờ khai màu xanh) hoặc tờ khai phi mậu dịch (tờ khai màu vàng). Trong bản lược khai này nêu rõ tên công ty, số hóa đơn, số tiền... khi công ty làm thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài, thì bên Ngân hàng HSBC không chấp nhận thanh toán cho mặt hàng khai trong bản lược khai này, Ngân hàng HSBC yêu cầu phải có tờ khai mậu dịch thì mới thanh toán được. Xin hỏi trường hợp này thì bản lược khai có đủ điều kiện thanh toán ra nước ngoài được không?

* Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại; Căn cứ quy định tại Phần III Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Trường hợp doanh nghiệp có hợp đồng mua bán hàng hóa, có hóa đơn thương mại do bên bán phát hành thì thủ tục hải quan thực hiện theo hình thức mậu dịch, việc thanh toán thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp doanh nghiệp không có hợp đồng mua bán hàng hóa (Fedex áp dụng theo công văn 6506/TCHQ-TXNK ngày 19/11/2013), không có hóa đơn thương mại do bên bán phát hành nên việc thanh toán không được thực hiện theo quy định hiện hành.


Xuất khẩu hàng của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa

 
Công ty chúng tôi thuộc doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư từ Mỹ, được hạch toán bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty chúng tôi xuất khẩu vào thị trường nội địa thì tất cả các giao dịch báo giá, hợp đồng, xuất hóa đơn bán hàng được thể hiện bằng ngoại tệ (USD) và nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam quy đổi theo tỉ giá trên hóa đơn. Trường hợp này có đúng quy định của Ngân hàng nhà nước về quản lý ngoại hối hay không?

* Điểm a Khoản 12 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam quy định: “Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau: a) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất”. Căn cứ quy định trên, việc doanh nghiệp chế xuất bán hàng hóa vào thị trường nội địa (xuất khẩu vào thị trường nội địa) không thuộc đối tượng được phép sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng của doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hóa vào thị trường nội địa không được thực hiện bằng ngoại hối.


STINFO Số 12/2014

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả