Dự tính gần 40% GDP và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là TPP - Trans-Pacific Partnership Agreement) nếu Hiệp định này được thông qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối của đàm phán, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa biết hiệp định thương mại quan trọng này sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của mình.
Lãnh đạo các nước gặp gỡ để họp bàn về Hiệp định TPP. Nguồn: Gobierno de Chile/Flickr.
Hiệp định TPP
TPP là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hiệp định này được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore , Chile, New Zealand, Brunei (vì vậy Hiệp định này còn gọi là P4). Tháng 9/2008, Hoa Kỳ tỏ ý định muốn đàm phán để tham gia TPP. Sau đó (tháng 11/2008), các nước khác là Australia, Peru, Việt Nam cũng thể hiện ý định tương tự. Tháng 10/2010, Malaysia chính thức thông báo ý định tham gia đàm phán TPP.
Ngày 13/11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ.
Mặc dù chưa xác định các nội dung đàm phán thực chất, với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ, TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng, ví dụ:
- Thuế quan: cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn;
- Dịch vụ: tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính;
- Đầu tư: tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư;
- Quyền sở hữu trí tuệ: tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+);
- Các biện pháp SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại): siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật;
- Cạnh tranh và mua sắm công: tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công;
- Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động;
- Các vấn đề phi thương mại khác: tăng yêu cầu về môi trường.
Cơ hội cho hàng nông sản
Về xuất nhập khẩu thì các nước châu Á - Thái Bình Dương là thị trường quan trọng của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của VN sang các nước này cũng như các thành viên khác của TPP nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực.
Riêng về hàng nông sản, Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta và không phải thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam, và do đó có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới thu nhập của một bộ phận đáng kể liên quan đến nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tránh việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Với doanh nghiệp thép
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sắt thép sang 26 thị trường trên thế giới. Trong đó một số sản phẩm thép tăng mạnh lượng xuất khẩu là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép hình và thép không rỉ. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2013 các DN thuộc Hiệp hội đã sản xuất gần 5 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn, lượng thép tồn kho còn khoảng 300.000 tấn. Mức tiêu thụ thép trong năm 2014 sẽ không có nhiều đột biến và chỉ tăng từ 2-3% so với năm 2013.
Thời gian tới, khi Hiệp định TPP được ký kết, các DN sản xuất và xuất khẩu thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định này, nhất là trong hoạt động xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN thép của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất giảm đáng kể để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ và giảm bớt hàng tồn kho.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đang đứng vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 2 tỷ USD, thì đến năm 2012 kim ngạch đã đạt 17,1 tỷ USD đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 thế giới.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thuế suất đối với các thị trường trọng điểm mà Việt Nam xuất khẩu mặt hàng dệt may đang quá cao. Cụ thể, trong thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, Hoa Kỳ chiếm 50%, châu Âu chiếm 17%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, còn lại 2% là các thị trường khác. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế suất 17,5% và châu Âu là 9,6%. Sau khi gia nhập TPP, thuế suất xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP.
Không chỉ có thị trường Mỹ, những thị trường lớn, giàu tiềm năng khác của dệt may Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia… đều là thành viên TPP, nên cơ hội mở rộng thị phần của dệt may Việt Nam là rất lớn.
Khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế ở góc độ xuất khẩu hàng ra thế giới, nhưng quy định xuất xứ "từ sợi" (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác (không có Trung Quốc).
Và ngành da giày
Với hơn 500 DN, ngành đang tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động và hơn 500.000 lao động khác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Theo các điều kiện đang được đàm phán (chưa chính thức), để được hưởng mức thuế còn 0% thay vì mức 3,5- 57,4% như hiện nay vào các thị trường TPP, ngành da giày phải đảm bảo được 55% xuất xứ khu vực (ví dụ 1 đôi giày trị giá 100 đồng thì 55 đồng trị giá nguyên vật liệu phải có xuất xứ từ các nước thành viên TPP).
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nguyên liệu của các DN da giày Việt Nam chủ yếu nhập từ 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); số còn lại là các nước Ý và Tây Ban Nha nhưng tỷ trọng không đáng kể. Mặc dù đã chủ động được một phần nguyên liệu của tùy từng chủng loại sản phẩm (như giày vải 100%, một số dòng sản phẩm khác cũng đã chủ động được 30-40%), nhưng vẫn có đến 70% DN vừa và nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh gia công đã khiến cho các DN của ta phụ thuộc nhiều vào khách hàng, nên cũng không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, thị trường. DN thuần túy làm theo chỉ định của khách hàng (khách hàng mang mẫu đến đặt hàng, DN làm theo yêu cầu của họ). Do vậy khách hàng luôn chủ động còn DN bị động, đến mức chỉ khi nhận mẫu mới đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu; thậm chí để kịp đơn hàng, DN lại đến ngay nguồn cung nguyên liệu do khách hàng giới thiệu, lý do là vì mẫu giày và nguyên liệu gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, với một đôi giày, giá trị nguyên liệu chiếm tới 70%, giá trị nhân công chỉ 30 %. | | Danh sách các nước thành viên TPP (Số liệu GDP và dân số theo thống kê năm 2012) Nguồn: International Monetary Fund World Economic Outlook, 2012. |
Hiệp định TPP được nhìn nhận là cú hích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành sản xuất da giày, một ngành đang chiếm tới hơn 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên "rào cản" lớn nhất của ngành trong hội nhập quốc tế là tính chất gia công thuần túy.
MINH THÔNG, STINFO Số 11/2014
Tải bài này về tại đây.