Nhờ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh nhân tại các tỉnh nay có thể được chẩn đoán bệnh bởi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm của những bệnh viện lớn ở thành phố mà không phải di chuyển xa.
Bệnh tại Kiên Giang, chẩn đoán tại Medic Hòa Hảo TP. HCM
Một bệnh nhân tại bệnh viện (BV) Bình An, Kiên Giang đi khám, kết quả chẩn đoán viêm phổi và tiến hành chụp CT. Sau đó, thay vì chỉ có các bác sĩ tại Kiên Giang nhìn thấy các hình ảnh chụp chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân này thì những hình ảnh trên cũng được chuyển tự động đến Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo (Medic Hòa Hảo), thời gian truyền tải hình ảnh chỉ trễ khoảng 5 phút so với thời gian thực. Dựa trên dữ liệu hình ảnh và các thông số đo được, các bác sĩ tại Medic Hòa Hảo đã chẩn đoán bệnh nhân này bị ung thư phổi. Toàn bộ quá trình trên chỉ mất khoảng hai giờ, nhanh hơn rất nhiều so với việc gửi file hình chụp X-quang hay siêu âm qua email. Nhờ phát hiện nhanh nên bệnh nhân được xử lý kịp thời, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức để chữa trị.
Kết quả trên là nhờ BV Bình An và Medic Hòa Hảo đã kết hợp sử dụng hệ thống hội chẩn y tế iTeleM của Công ty CP Công nghệ Thông tin Ưu Việt (iNext Technology), doanh nghiệp KH&CN thuộc dự án ươm tạo của Đại học Bách Khoa TP. HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM. ThS. Nguyễn Chí Ngọc, giảng viên ngành điện tử - viễn thông, Đại học Bách khoa TP. HCM (đại diện iNext Technology) cho biết ông và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu về hệ thống hội chẩn y tế trên trong 9 năm. Hệ thống này sự kết hợp của hệ thống họp trực tuyến Video Conference Bách Khoa và hệ thống PACS (Picture Archiving and Communication Systems - hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) của bệnh viện nhằm mục đích hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị từ xa. Hệ thống họp trực tuyến giúp các bác sĩ có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách rất xa thông qua mạng internet, còn hệ thống PACS được nhúng vào hệ thống hội chẩn, truyền hình ảnh chụp được từ các thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm, chia sẻ cho nhiều bác sĩ cùng chẩn đoán và điều trị. Nhờ có nghiên cứu này mà các bác sĩ có thể làm việc tại chỗ, không cần phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Điểm đặc biệt của hệ thống là thiết bị có thể chạy hoàn toàn trên nền tảng internet mà không cần phải lắp đặt bổ sung các thiết bị đắt tiền khác. Hệ thống có khả năng truyền tải tất cả hình ảnh để chẩn đoán (có thể lên tới hàng trăm hình) từ BV Bình An tới Medic Hòa Hảo, giúp các bác sĩ có nhiều thông tin trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Một đặc điểm đáng lưu ý là chi phí đầu tư cho một hệ thống như vậy không nhiều, máy tính là loại sử dụng thông thường, máy chủ chỉ cần loại đơn giản khoảng 30–40 triệu đồng.
Hình ảnh chụp CT được truyền qua hệ thống. Nguồn: iNext Technology.
Ông Nguyễn Chí Ngọc cũng cho biết, hệ thống còn có thể hỗ trợ để truyền tải hình ảnh của ca mổ qua mạng internet; và hiện nay một số BV tại TP. HCM cũng đã sử dụng hệ thống này, ví dụ như BV Nhân dân 115, BV Đại học Y dược TP. HCM.
Thực tế ứng dụng
Bác sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Medic Hòa Hảo cho biết, hiện nay các bệnh viện ở xa vẫn đang thiếu bác sĩ. Nhờ công nghệ mới này mà các bác sĩ tại Medic Hòa Hảo và tại BV Bình An có thể phối hợp làm việc cùng với nhau. Hệ thống vừa được triển khai giữa BV Bình An và Medic Hòa Hảo hơn một tháng, cho kết quả tốt. Hiện Medic Hòa Hảo bắt đầu thử nghiệm áp dụng hệ thống này cho các chẩn đoán bằng siêu âm. Nếu kết quả khả quan, sẽ tiếp tục phát triển hệ thống để các bác sĩ có thể xem chẩn đoán ngay trên điện thoại hay máy tính bảng.
Bác sĩ Phan Thanh Hải giới thiệu các kinh nghiệm của Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo
về hệ thống hội chẩn y tế. Nguồn: H.M.
Nhờ có sự hợp tác này mà giờ đây bệnh nhân tại Kiên Giang không cần phải đi xa đến tận TP. HCM để khám bệnh mà vẫn có kết quả chẩn bệnh tốt và đáng tin cậy. Ngoài ra, các bác sĩ cũng không cần phải thường xuyên túc trực tại bệnh viện nữa, mà hoàn toàn có thể xem các kết quả xét nghiệm tại nhà. Phấn khởi trước kết quả này, bác sĩ Phan Thanh Hải nhận xét: “Đây là ước mơ từ lâu nhưng bây giờ mới có thể thực hiện được”. Tuy nhiên, ông cho biết, cũng có những lo lắng như khung pháp lý của chẩn đoán từ xa chưa rõ ràng, vấn đề trách nhiệm của các bác sĩ khó minh bạch. Để giải quyết vấn đề này, ông đã yêu cầu một kết quả chẩn đoán bệnh phải có hai chữ ký, một của bác sĩ tại BV Bình An và một của bác sĩ tại Medic Hòa Hảo. Mặt khác, bác sĩ Hải cũng cho rằng, cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa để xác định độ ổn định và độ an toàn của hệ thống này. Sắp tới, Medic Hòa Hảo có thể sẽ sử dụng hệ thống này để hợp tác với các bác sĩ tại Mỹ cùng chẩn đoán bệnh.
HOÀNG MI, STINFO số 1&2/2015
Tải bài này về tại đây.