SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện đo: cần các giải pháp đồng bộ


Hiện nay, những quy định pháp luật về đo lường - trong đó có hoạt động quản lý phương tiện đo - đã có những đổi mới về phương pháp và cách thức quản lý nhằm bảo đảm tính thống nhất và chính xác của hoạt động đo lường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
 

Quản lý phương tiện đo và những thách thức hiện nay
 

Các phương tiện đo được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nghiên cứu khoa học, kinh doanh thương mại, sản xuất hàng hóa, khám chữa bệnh trong y tế… Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng và được quan tâm đầu tư; các trang thiết bị, phương tiện đo ngày càng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong đo lường vẫn diễn biến phức tạp, và những khó khăn vướng mắc còn tồn tại hiện nay đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý nhà nước về đo lường và phương tiện đo.



Hội nghị Năng suất chất lượng TP. HCM lần 12

chủ đề quản lý phương tiện đo. Ảnh: YL.


Tại hội nghị Năng suất chất lượng TP. HCM lần 12 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. HCM tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM) cho biết, so với các ngành, lĩnh vực khác, ngành sản xuất phương tiện đo của nước ta vẫn chưa thực sự phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp còn nhập khẩu toàn bộ hoặc một phần các bộ phận đặc trưng kỹ thuật đo lường chủ yếu từ nước ngoài. TP. HCM hiện có 123 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 (phương tiện đo bắt buộc kiểm định). Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn những sai phạm như thiếu một hoặc một số nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc linh kiện chi tiết không đúng với mẫu đã phê duyệt; phương tiện đo có kiểm định nhưng đã hết hiệu lực kiểm định hoặc đã kiểm định nhưng chưa có giấy chứng nhận kiểm định.


Theo Thanh tra Sở KH&CN TP. HCM, đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, tình trạng sai phạm vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, giai đoạn 2012-2014, công tác thanh kiểm tra phát hiện 6 cột đo xăng dầu, 14 thiết bị cân khối lượng không đạt các quy định về đo lường; lĩnh vực y tế, có tới 162/238 huyết áp kế lò xo, 32/51 áp kế lò xo, 143/202 nhiệt kế y học, 30/49 phương tiện đo điện tim không đạt yêu cầu.


Công tác quản lý phương tiện đo gặp những khó khăn như: theo quy định của Bộ KH&CN về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, cân phân tích, cân kỹ thuật không phải thực hiện biện pháp kiểm soát đo lường về phê duyệt mẫu. Thực tế, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu cân điện tử có giá trị độ chia rất nhỏ và có tính năng cài đặt thay đổi mức cân lớn nhất. Khi áp dụng phân cấp cân để kiểm định thì các cân này rơi vào trường hợp cân phân tích và cân kỹ thuật nên các doanh nghiệp nhập khẩu có thể lách được quy định về cân phê duyệt mẫu. TP. HCM là nơi tập trung số lượng lớn các cơ sở y tế có sử dụng phương tiện đo nhóm 2 phục vụ mục đích khám chữa bệnh nhưng lực lượng thanh kiểm tra đối với lĩnh vực này còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; số lượng các tổ chức kiểm định được chỉ định kiểm định các phương tiện đo lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu kiểm định; một số cơ sở y tế chưa quan tâm, nhận thức và cập nhật kịp thời các quy định kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2.



Các trang thiết bị, phương tiện đo ngày càng hiện đại, độ chính xác cao

và đa dạng về chủng loại. Ảnh: YL.


Tình trạng gian lận về đo lường vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Các hành vi gian lận rất tinh vi như cưa rãnh đầu vít bộ điều chỉnh xung, vừa nhỏ đủ để tháo dây kẹp chì để điều chỉnh sai số, sau đó sử dụng chip điện tử điều chỉnh sai số qua bộ hiển thị ở cột đo. Hoặc trên IC điều khiển mạch điện tử của cột đo xăng dầu được sử dụng song song 2 chương trình, 1 chương trình đúng và 1 chương trình để gian lận. Việc chuyển đổi 2 chương trình này rất đơn giản và nhanh chóng nên cơ quan kiểm tra rất khó phát hiện.


Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Tháp, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đo lường trong kinh doanh xăng dầu còn chồng chéo (do hiện nay có 2 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh xử phạt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng và Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa). Tại tỉnh Bình Dương, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã áp dụng biện pháp khi kiểm định cột đo xăng dầu phải niêm phong các cơ cấu có thể gây ra sai số, nhưng đây chưa phải là biện pháp giải quyết triệt để tình trạng gian lận này.


Nhiều đơn vị hiện nay đã quan tâm đầu tư các thiết bị, phương tiện đo và thực hiện công tác quản lý phương tiện đo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Điển hình như hệ thống siêu thị Co.opMart (Saigon Co.op) từ năm 2004 đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và đã đầu tư thỏa đáng cho các trang thiết bị phục vụ hoạt động đo lường. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bên cạnh hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, các phương tiện đo lường (như nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não, máy đo tiêu cự mắt kính…) cũng được quan tâm đầu tư và chú trọng các giải pháp quản lý và sử dụng một cách khoa học; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu khám và điều trị. Năm 2008, Bệnh viện Nhi đồng 2 triển khai mô hình quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008; năm 2014 triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 15189:2007 cho Khoa Xét nghiệm. Việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng đã tạo điều kiện cho quá trình đầu tư và kiểm soát trang thiết bị đo lường ngày càng chặt chẽ.


Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng phương tiện đo trong nhiều đơn vị còn gặp những khó khăn như: kiến thức chuyên môn, trình độ năng lực của đội ngũ làm công tác này còn hạn chế; việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường chưa kịp thời; khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho trang thiết bị, phương tiện đo lường, kiểm định,…

 


Cần các giải pháp đồng bộ


Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý đo lường và phương tiện đo, hầu hết các ý kiến đề xuất cho rằng cần triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ từ việc tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ đến việc ban hành chính sách, cơ chế phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn; đầu tư trang bị các phương tiện kiểm định thiết bị đo đạt chuẩn.


Trước tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đo lường để các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về đo lường. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường thông tin, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra về phương tiện đo, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về đo lường. Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục là điểm nóng cần tập trung thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đối với lĩnh vực y tế, cần xây dựng những chính sách cụ thể để khuyến khích các cơ sở y tế tham gia quản lý phương tiện đo; xây dựng chương trình đào tạo liên tục về quản lý và đánh giá năng lực trang thiết bị, năng lực nhân viên; cung cấp thông tin rộng rãi về các yêu cầu kiểm định, danh mục kiểm định, chi phí kiểm định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, giám sát hiệu quả khai thác sử dụng trang thiết bị và phương tiện đo lường y tế tại các cơ sở… Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định kiểm định đối với các phương tiện đo huyết áp kế điện tử và nhiệt kế điện từ bức xạ hồng ngoại đo tai, đo trán…


Về công tác quản lý, Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản dưới luật để các cơ quan có cơ sở pháp lý vững chắc khi thực hiện nhiệm vụ; rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế; thống nhất nội dung và phương pháp thực hiện kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện đo; xem xét bổ sung vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 những phương tiện đo có ảnh hưởng lớn đến xã hội hiện nay như huyết áp kế điện tử, phương tiện đo cước viễn thông…


Cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường đang được hoàn thiện, thời gian qua, UBND TP. HCM đã có nhiều chỉ đạo về hoạt động đo lường nói chung và quản lý phương tiện đo nói riêng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như: ban hành quy định về cung cấp sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn TP. HCM; chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn quận – huyện; thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Mạnh Hà về quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn TP. HCM với mục tiêu tăng cường công tác phối hợp, đề xuất, tham mưu cho UBND Thành phố các biện pháp kiểm tra tính chính xác của cột đo xăng dầu, đồng hồ tính tiền taxi (taximet), cân tại các chợ… Ngoài ra, từ cuối 2010, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM đã được UBND Thành phố giao thực hiện dự án đầu tư thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án sẽ trang bị chuẩn đo lường và các thiết bị cho các nhóm áp suất, độ dài, khối lượng, dung tích, nhiệt, điện. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về phương tiện đo tại TP. HCM và các tỉnh lân cận. 

 

YÊN LƯƠNG, STINFO số 1&2/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả