Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới cho thị trường và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, mà cơ chế tài chính và các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ (ĐMCN) vẫn là trọng tâm cần tháo gỡ và triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn.
Cơ chế tổ chức, đầu tư, tài chính và chính sách hỗ trợ ĐMCN phục vụ phát triển KH&CN là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi trong khuôn khổ Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần thứ 13, diễn ra tại Đồng Nai mới đây. Theo đó, thời gian qua đã có nhiều cơ chế chính sách đầu tư, tài chính, chương trình hỗ trợ ĐMCN như hình thành các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Bên cạnh việc triển khai thực hiện Luật KH&CN sửa đổi (2013), Chính phủ cũng ban hành các nghị định nhằm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, ví dụ như Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Nghị định 23/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển KH&CN quốc gia; Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Song song đó là các chương trình quốc gia về phát triển KH&CN như Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ (CGCN) nước ngoài đến năm 2020; Chương trình Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020; Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình ĐMCN quốc gia đến năm 2020…
Các chương trình, nhiệm vụ KH&CN hướng đến mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; đặc biệt tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tác động của cơ chế, chính sách bước đầu đã thúc đẩy hoạt động KH&CN có bước chuyển biến; nhận thức của doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ mới, hiện đại để đem lại những giá trị chuyên biệt được nâng lên; cơ chế liên kết ba nhà (khoa học – quản lý – doanh nghiệp) đã có tác động gắn kết và đưa NCKH vào sản xuất và đời sống.
Tại TP. HCM, hoạt động KH&CN luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm. Thực tế cho thấy, khi được Nhà nước hỗ trợ một phần, doanh nghiệp tăng khả năng đầu tư ĐMCN, thiết bị, đồng thời tạo sức hút cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ của TP. HCM cho doanh nghiệp gồm nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn khi đầu tư ĐMCN, thiết bị, CGCN và nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ.
Cụ thể, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã trở thành dấu ấn, khi năm 2014, chương trình này đã giải ngân cho hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 40 ngàn tỷ đồng (vượt kế hoạch của UBND TP. HCM giao là 20 ngàn tỷ). Chương trình giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động. Qua năm 2015, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. HCM tiếp tục thực hiện chương trình, với kinh phí 60 ngàn tỷ đồng. Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp (lập và hoạt động theo quy định của Luật KH&CN), tính đến tháng 10/2014 đã có 78 doanh nghiệp thực hiện lập quỹ và báo cáo với Sở KH&CN TP. HCM, trong đó 30 doanh nghiệp đã trích lập với tổng số tiền 414 tỷ đồng (chi cho đầu tư ĐMCN, thiết bị tổng cộng 139 tỷ đồng). Chương trình kích cầu thông qua đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư ĐMCN, mở rộng sản xuất và phát triển sản phẩm mới, đến nay 209 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17,7 ngàn tỷ đồng. Kết quả cho thấy, ngân sách hỗ trợ 1 đồng vốn thì thu hút được 14 đồng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội. Chương trình chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu đã giúp các doanh nghiệp thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TP. HCM từng bước ĐMCN. Các sản phẩm CN&TB của chương trình đã chuyển giao cho doanh nghiệp với giá bán trung bình rẻ hơn 20%-60% giá nhập khẩu. Giai đoạn 2011-2015, ước tính trung bình 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế thu hút 1,4 đồng vốn đầu tư của xã hội và tiết kiệm 7,8 đồng chi phí mua thiết bị ngoại nhập. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2011-2015 đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm 3-4% tổng năng lượng tiêu thụ trong năm. Các giải pháp mang tính đầu tư thay đổi CN&TB luôn mang lại tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cao (từ 10-50% năng lượng tiêu thụ). Chương trình phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, một kênh phát triển doanh nghiệp KH&CN của TP. HCM, đã triển khai tại Đại học Nông Lâm, Đại học Bách khoa, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao theo hình thức hợp tác công - tư với tổng đầu tư từ ngân sách tính đến tháng 9/2014 gần 7,6 tỷ đồng. Đến nay, tổng số doanh nghiệp đã và đang được ươm tạo là 31, với 3 doanh nghiệp đã tốt nghiệp và 3 doanh nghiệp sẵn sàng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ như trên trong thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về KH&CN tại các địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương thiếu chặt chẽ, chưa có cơ chế thực thi đồng bộ trong việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, hỗ trợ ĐMCN… Đặc biệt, quá trình ĐMCN trong các doanh nghiệp còn rất chậm. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, phải vay vốn với lãi suất cao nên khó có điều kiện đầu tư ĐMCN, thực hiện nghiên cứu phát triển hoặc nhận CGCN tiên tiến từ nước ngoài. Do đó, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.
Theo ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai), mặc dù nhận thức được lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư cho KH&CN mà chủ yếu vẫn tận dụng các trang thiết bị công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.
TP. HCM tuy đạt được những thành quả nhất định nhưng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMCN cũng còn nhiều bất cập như công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động KH&CN nói chung và các chương trình hỗ trợ nói riêng chưa đi vào chiều sâu, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả lâu dài của việc ĐMCN; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chưa có lộ trình phát triển công nghệ về lâu dài… Mặt khác, thị trường công nghệ mặc dù đã hình thành nhưng còn sơ khai, chủ yếu là hoạt động nhỏ lẻ giữa các doanh nghiệp, sự tác động hỗ trợ từ phía Nhà nước chưa tạo sự đột phá; chưa thực sự tạo ra động lực gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Cơ chế, chính sách phát triển KH&CN nói chung, hỗ trợ ĐMCN nói riêng đã tương đối đầy đủ theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các nhà khoa học. Song, vẫn cần có những giải pháp vận dụng phù hợp với thực tiễn, để chủ trương, chính sách về KH&CN thực sự đi vào cuộc sống.
LAM VÂN, STINFO số 5/2015
Tải bài này về tại đây.