SpStinet - vwpChiTiet

 

Chủ động vượt hàng rào kỹ thuật trong thương mại


 

Bối cảnh hội nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong đó, việc thực thi Hiệp định TBT còn nhiều vấn đề phải giải quyết để hỗ trợ DN nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 


Nhận thức về TBT còn bất cập
 

Hiệp định TBT, hiệp định về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade) là một trong những văn bản pháp lý của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, kỹ thuật đó. Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO đều phải thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu. Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, năm 2007 cam kết thực hiện Hiệp định TBT.
 

Tại hội thảo tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định TBT tại TP. HCM giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2016 – 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hà (Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM) cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, điểm TBT TP. HCM đã tiếp nhận 1.690 hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn 400 DN công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa để nhanh chóng lưu thông trên thị trường. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TBT cũng được thực hiện một cách nhanh chóng, minh bạch, giúp các DN chủ động hơn trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin và đối phó với các khó khăn, trở ngại tại thị trường xuất khẩu. Qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.



Đại diện Công ty CADIVI chia sẻ kinh nghiệm vượt TBT.
Ảnh: LV.


Tuy nhiên, theo ông Hà, hoạt động TBT còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như: sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt nên hiệu quả thực thi chưa cao; nhiều DN còn mơ hồ về TBT cùng những cơ hội và thách thức, đa số các DN nhỏ và vừa chưa xem trọng TBT ở các nước mà DN có hàng xuất khẩu nên đôi khi việc xuất khẩu của DN bị chính TBT gây cản trở, rủi ro, thiệt hại. Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường; thông tin cụ thể, chính xác về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các nước ở các nhóm, ngành hàng cụ thể còn thiếu, chưa được cập nhật và cung cấp cho DN đầy đủ.


Theo ThS. Phạm Bình An (Giám đốc Trung tâm WTO tại TP. HCM), Việt Nam hiện có 97% DN nhỏ và vừa, nếu tính cả các hộ sản xuất kinh doanh cá thể thì có đến 99,99% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng hàng hóa và thực thi Hiệp định TBT còn nhiều bất cập. Thời gian qua, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, hàng hóa nông sản không ổn định, thiếu đồng nhất về chất lượng và tiêu chuẩn. Có một tỷ lệ nhất định hàng hóa xuất khẩu bị trả về do không đảm bảo chất lượng (sản phẩm chè, một số mặt hàng thủy sản,…). Về sản xuất công nghiệp, tỷ lệ DN trên địa bàn TP. HCM áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến và cải tiến chất lượng còn thấp. Ví dụ, ngành giày da có rất ít DN áp dụng ISO (17%), 5S (7%), Kaizen (3%), LEAN (4%); 60,83% DN cơ khí không áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại; 60% DN cao su-nhựa chủ yếu quản lý theo kinh nghiệm,…


Việc tiếp cận thông tin về các quy định, tiêu chuẩn và TBT của các DN trong nước cũng còn hạn chế, dẫn tới việc DN lúng túng, nhất là với các thị trường khó tính, có hệ thống tiêu chuẩn khắt khe. Hơn thế, hệ thống các phòng xét nghiệm, thử nghiệm để kiểm định chất lượng còn khá phân tán và cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu.



Bà Lê Bích Ngọc (Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam) phân tích những thuận lợi khó khăn trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp vượt TBT.

Ảnh: LV.


Bà Lê Bích Ngọc (Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam) cũng cho biết, DN Việt hiện đang rất thờ ơ với những quy định TBT, trong khi DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định này. Trong một cuộc khảo sát nhu cầu DN do TBT Việt Nam thực hiện, chỉ có 5 phiếu phản hồi trên 100 phiếu khảo sát phát ra, nhưng chủ yếu là của các DN lớn. Thậm chí, có DN vượt TBT thành công, xuất khẩu được sản phẩm vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản nhưng chủ yếu cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm và nội lực, chứ chưa thực sự tiếp cận thông tin TBT hiệu quả. Mặt khác, phần lớn DN xuất khẩu sản phẩm thô hoặc gia công thuê cho các công ty nước ngoài, nên mức độ quan tâm TBT là chưa cao.

 


Tăng cường hỗ trợ DN vượt TBT thành công


Tại hội thảo, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) chia sẻ, từ năm 2006, CADIVI bắt đầu xuất khẩu thành công dây cáp điện sang thị trường Mỹ với doanh thu bình quân 5 triệu USD/năm. Tuy nhiên, CADIVI phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là rào cản kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Để xâm nhập thị trường Mỹ, sản phẩm CADIVI phải đạt chứng nhận UL (các chỉ tiêu an toàn điện, an toàn với sức khỏe con người, an toàn với môi trường…) rất gắt gao. Với yêu cầu này, CADIVI phải thay đổi công nghệ, máy móc, thiết bị thử nghiệm, phương pháp kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm, tuân thủ các quy trình kiểm soát, cấp mã UL, các yêu cầu về tem nhãn, bao bì đóng gói,… Như vậy, bên cạnh việc DN phải chủ động nắm bắt, tìm hiểu thông tin và sẵn sàng đối phó với các rào cản của các nước cũng như các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký kết, cũng cần phải chủ động nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng KH&CN vào sản xuất-kinh doanh, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước và các hiệp hội ngành nghề để vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.


Theo ông Trịnh Minh Tâm (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM), để hỗ trợ DN vượt TBT thành công, còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những giải pháp là phải cải tiến phương thức tuyên truyền, phổ biến thông tin sao cho “điểm đúng huyệt”, đúng trọng tâm vấn đề. Ví dụ, lồng ghép hoạt động TBT vào các chương trình tổng thể của TP. HCM; tạo môi trường lành mạnh, khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN gắn với ngăn chặn hàng gian, hàng giả; tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp và hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Bên cạnh đó, cần tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan đến thực thi Hiệp định TBT, trong đó TBT TP. HCM tăng cường phối hợp với Trung tâm WTO, các hiệp hội, DN để hỗ trợ.


ThS. Phạm Bình An đề xuất, các chương trình hỗ trợ DN trên địa bàn TP. HCM cần có sự gắn kết chặt chẽ theo định hướng kết quả đầu ra. Đối với các ngành ưu tiên trong chương trình kích cầu hoặc chương trình hỗ trợ đổi mới máy móc công nghệ của Thành phố, DN tham gia ngoài việc được hưởng lãi suất ưu đãi, còn được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao trình độ,... Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một mô hình sản xuất kinh doanh với chất lượng ổn định, có sự cạnh tranh bứt phá và có thể nhân rộng mô hình. Đồng thời tổ chức hệ thống các đơn vị hỗ trợ mạnh cho DN; liên kết hợp tác để tận dụng được kinh nghiệm về quản lý chất lượng của các chuyên gia Nhật Bản đã về hưu nhằm hỗ trợ DN; khai thác thế mạnh liên kết các nhà khoa học từ khối viện, trường và DN.


Còn theo ông Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Kinh tế và Quản lý TP. HCM), trong thời gian tới, cần có chương trình đào tạo nhằm thay đổi nhận thức của DN vừa và nhỏ về TBT cũng như đào tạo kỹ năng quản lý, sản xuất sao cho đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế. Đại diện Hội DN TP. HCM mong muốn trong thời gian tới, Văn phòng TBT Việt Nam cũng như các điểm TBT tại các tỉnh thành có thêm nhiều hoạt động gần gũi, phổ biến rộng rãi hơn nữa về TBT cho các DN. Qua đó, các cơ quan quản lý cũng nhận biết được DN cần gì và vướng mắc nằm ở đâu.


Về hỗ trợ thông tin TBT cho DN, bà Ngọc cho biết, hiện TBT Việt Nam đang xây dựng hệ thống tin nhắn tự động dưới sự giúp đỡ của Mỹ. Theo đó, các DN đăng ký sẽ nhận được những tin nhắn về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của các nước trong Hiệp định một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Bên cạnh đó, TBT Việt Nam cũng đang tham gia xây dựng phần mềm, các cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin Việt Nam nhằm cung các thông tin về TBT đầy đủ hơn cho DN.


Tại TP. HCM, giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, TBT TP. HCM sẽ có những hoạt động mới như: tổ chức các buổi tọa đàm trên truyền hình nhằm cung cấp thông tin tình hình xuất khẩu; tổ chức các buổi tập huấn về các biện pháp kỹ thuật của quốc tế do các chuyên gia về TBT đảm trách; tập trung tìm hiểu, khảo sát 25 DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Thành phố có xuất khẩu để cung cấp thông tin giúp các DN vượt qua hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm; tổ chức các lớp hướng dẫn DN khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông báo tự động và cổng thông tin về TBT từ Văn phòng TBT Việt Nam.


LAM VÂN, STINFO số 12/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả