SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực hiện khát vọng cơ giới hóa nông nghiệp

 

Với hàng chục sản phẩm sáng chế được ứng dụng trong nông nghiệp, nhà sáng chế Lê Thanh Trị ở tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện khả năng sáng tạo và tâm huyết với ngành cơ khí nông nghiệp. 
 

 

“Viện nghiên cứu dân gian” và khát vọng cơ giới hóa nông nghiệp
 

Câu chuyện về anh thợ cơ khí Lê Thanh Trị từ Bến Tre lên Lâm Đồng làm thuê rồi trở thành “vua sáng chế” đã không còn xa lạ với nhiều người, nhất là với nông dân, bởi nhờ những sáng chế này mà họ bớt cơ cực trên ruộng đồng. Từ thành công ban đầu là sáng chế máy gieo hạt giống vào khay xốp, chỉ trong vòng 4 năm, gần 30 loại máy nông nghiệp đã được ông Trị sáng chế thành công, trong đó hơn 20 loại máy đã được đưa vào sản xuất, thương mại. Năm 2012 ông đã thành lập Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thanh Trị (trụ sở tại Đức Trọng, Lâm Đồng) nhằm nghiên cứu, chế tạo và phát triển các loại máy móc ứng dụng cho nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, công ty đã cung cấp gần 30 dòng máy dùng trong nông nghiệp như máy gieo hạt vào giá thể tự động; máy vô bầu đất; máy trồng - thu hoạch khoai mì, ngô; máy rửa cà rốt - khoai lang - củ cải; máy tách vỏ cây; máy băm gỗ; máy ép cám viên…



Nhà sáng chế Lê Thanh Trị và các cộng sự trình diễn sản phẩm.

 

Ông Trị cho biết, Công ty Thanh Trị luôn hướng đến phục vụ nông dân, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp nên tất cả những sản phẩm sáng tạo đều có tính ứng dụng và phù hợp cao, giúp hạ giá thành nông sản. Do sản phẩm được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm trong nước nên phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam, đồng thời giá thành thấp hơn so với nước ngoài từ 3 đến 4 lần, giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận và thu hồi vốn nhanh.


Có thể nói, Thanh Trị giống như một “viện nghiên cứu dân gian”, nơi nắm bắt được những khó khăn trong thực tế sản xuất của nông dân để tìm giải pháp theo hướng cơ giới hóa. Từ đó tạo ra được nhiều sản phẩm, trước là đáp ứng nhu cầu tại chỗ của bà con nông dân, sau trở thành những sản phẩm sản xuất đại trà, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp.


Doanh thu hàng năm của Thanh Trị đạt trên 10 tỷ đồng, với năng lực cung cấp máy móc cơ giới hóa nông nghiệp khá rộng (từ trồng ngô, lúa, đầu phộng, rau màu đến chăn nuôi, lâm nghiệp). Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm của Thanh Trị không chỉ được ứng dụng rộng rãi mà còn mang đến cho công ty hàng chục danh hiệu, giải thưởng, chứng nhận chất lượng như: Cúp vàng, Huy chương vàng Hội chợ nông nghiệp quốc tế - Agroviet 2012; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng 2013; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2012 do Bộ Công thương trao tặng; Thương hiệu Đại Việt hội nhập Asean và Quốc tế 2013; Thương hiệu nổi tiếng Asean 2013,… Gần 40 sản phẩm máy móc các loại cũng đã được Thanh Trị xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia.

 


... Và thành công nhưng còn nhiều trăn trở


Nhìn vào lượng sản phẩm được sản xuất và đưa vào ứng dụng của Thanh Trị, có thể thấy sức sáng tạo đáng nể của nhà sáng chế Lê Thanh Trị và cũng chính là thế mạnh của công ty. Máy móc của Thanh Trị luôn được thiết kế theo hướng tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguyên liệu và mức giá thành thấp nhất.


Máy rửa cà rốt của Thanh Trị được các chủ vựa rau và nông dân ở Đức Trọng, Lâm Đồng sử dụng từ năm 2013 với tính năng nổi bật là vận hành tiện lợi, hiệu quả cao do rửa sạch cà rốt nhưng không làm gãy cuống như các máy khác trên thị trường. Máy có năng suất rửa 25-30 tấn cà rốt/ngày giúp thay thế được hàng chục lao động thủ công mỗi ngày. Máy có thể rửa được cả củ cải và khoai lang. Giá thành của máy khoảng 50 triệu đồng, thấp hơn sản phẩm của Trung Quốc (giá 60-70 triệu đồng). Hàng năm, Thanh Trị cung ứng cho thị trường 30 máy rửa cà rốt, với doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng.



Máy rửa cà rốt không gãy cuống.


Một trong những dòng máy chủ đạo của Thanh Trị hiện nay là máy gieo hạt thế hệ mới, thành quả của sự sáng tạo, cải tiến, nâng cấp không ngừng suốt 5 năm qua. Máy đáp ứng hầu hết các loại hạt với quy trình vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí và có nhiều tính năng vượt trội như: tự động thông kim, độ rung máng hạt ổn định, phễu định vị hạt đúng tâm lỗ khay. Toàn bộ hoạt động có thể điều chỉnh (điều chỉnh hơi tiết lưu cho lượng áp suất thường trực đúng mức sử dụng; điều chỉnh chân không theo nhu cầu hút hạt; điều chỉnh áp suất thông kim; điều chỉnh độ sâu kim hút; điều chỉnh chu kỳ rung của máng hạt,…). Máy gieo hạt vào giá thể tự động không chỉ được ứng dụng trong nông dân mà còn sử dụng tại các vườn ươm, công ty cây giống, các mô hình trồng rau an toàn, giúp tăng năng suất, thay thế hoàn toàn lao động thủ công từ khâu đóng đất vào bịch đến gieo hạt, tưới nước,… Giá thành của máy khoảng 45 - 60 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa so với giá máy ngoại nhập. Sản phẩm này rất thu hút sự quan tâm của khách hàng tại “Techmart Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức đầu tháng 7/2015. Hiện Thanh Trị đang sản xuất và đưa ra thị trường trong nước khoảng 25 máy/năm và dự kiến 2015 sẽ xuất khẩu 10 máy.


Máy gieo hạt tự động thế hệ mới.
Ảnh: YL.


Cùng với thị trường các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, máy móc của Thanh Trị đã được sử dụng ở một số tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty, thị trường cơ khí ứng dụng cho nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự được coi trọng, nông dân có phần bị bỏ rơi về mặt công nghệ. Đây chính là mảng còn nhiều khoảng trống, thị trường rất rộng cho các doanh nghiệp cơ khí. Trong khi Thanh Trị chỉ là doanh nghiệp nhỏ và đang trong quá trình phát triển nên còn gặp nhiều khó khăn, lớn nhất là nguồn lực con người và tài chính (đội ngũ cán bộ sáng tạo và kỹ thuật sản xuất chỉ vỏn vẹn 15 người). Vì Công ty đặt trụ sở tại Lâm Đồng nên khá khó khăn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, gắn bó lâu dài. Nguồn vốn hiện tại chủ yếu tích cóp từ mua bán sản phẩm chế tạo, nhưng phần lớn lợi nhuận được sử dụng để tái đầu tư phục vụ công tác chế tạo, nên không đủ lực để phát triển mạnh, nhiều dự án sáng tạo nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa có vốn để đầu tư. Do vậy, Thanh Trị mong có được những hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước để có điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao cho nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp.


YÊN LƯƠNG, STINFO số 9/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả