Nghiên cứu nồng độ tự kháng thể kháng receptor tsh và các hormon trục yên – giáp trong basedow sau điều trị nội và ngoại khoa
05/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Trần Xuân Trường (ĐH Y Hà Nội), Hoàng Trung Vinh, Phan Thanh Sơn (Học viện Quân y 103) thực hiện nhằm nghiên cứu nồng độ TRAB và các hormon trục yên giáp trong Basedow sau điều trị nội, ngoại khoa và mối tương quan của chúng.
Nghiên cứu tiến hành với 2 nhóm bệnh nhân (BN) gồm 30 BN Basedow bình giáp sau dùng thuốc (SDT), tuổi từ 18-50; 26 BN sau phẫu thuật tuyến giáp (SPT) tuổi từ 18-50. Các phương pháp nghiên cứu gồm định lượng hormon (đối tượng xét nghiệm định lượng nồng độ hormon bao gồm T3, T4 hoặc FT3, FT4, TSH), định lượng kháng thể của thụ thể TSH (định lượng TRAB trong huyết thanh bằng TRAB-KIT, càng có nhiều TRAB trong mẫu định lượng thì càng có ít TSH...)
Kết quả, nồng độ TRAB giảm dần theo thời gian điều trị. Thời gian dùng thuốc càng dài, sau phẫu thuật càng lâu thì TRAB giảm càng nhiều. Sau phẫu thuật, nồng độ TRAB trung bình giảm nhiều hơn so với sau dùng thuốc. Số lượng BN được điều trị bằng phẫu thuật có TRAB về bình thường nhiều hơn so với sau dùng thuốc (69,23% so với 50%). Ở BN bình giáp do dùng thuốc, TRAB có mối tương quan thuận mức độ khá chặt với T3 (r = 0,59), mức độ vừa với T4 (r = 0,36) và tương quan nghịch mức độ rất ít với TSH (r = - 0,23). Ở BN sau phẫu thuật, TRAB có mối tương quan thuận mức độ vừa với T3 (r = 0,4) và T4 (r = 0,6); tương quan nghịch rất ít với TSH (r = - 0,27).
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 2/2008)