SpStinet - vwpChiTiet

 

Ethiopia - Hoa hồng tung cánh bay


 

Đời sống ngày càng được nâng cao, nông nghiệp không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm cho con người mà còn phát triển theo xu hướng làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn với cây - hoa - cá cảnh, khiến “nông nghiệp giải trí” đã trở thành mũi nhọn kinh tế của nhiều quốc gia.

Ethiopia, đất nước ở phía đông châu Phi với diện tích 1.127 ngàn km2, hơn một nửa lãnh thổ là cao nguyên Ethiop (cao trung bình 1.600 – 2.000 m so với mực nước biển), phía Bắc và phía Đông khí hậu rất nóng, vùng cao nguyên khí hậu ôn hòa. Mặc dầu đất rộng và có nhiều tiềm năng nhưng Ethiopia là một trong những nước nghèo và kém phát triển, với 3/4 dân số sinh sống nhờ trồng cây lương thực như ngô, lúa mạch, lúa miến.


Sự phát triển diệu kỳ của nghề trồng hoa ở đất nước này bắt đầu khi những người trồng hoa châu Âu hướng địa điểm sản xuất đến những quốc gia đang phát triển, có khí hậu phù hợp và giá lao động rẻ. Các nước như Kenya, Zimbabwe, Ecuador và Colombia lúc đó đã quan tâm và cố gắng thu hút nguồn đầu tư này, nhưng chính phủ Ethiopia lại chưa quan tâm đến cơ hội phát triển sản xuất hoa đang đến. Tuy nhiên, nhờ tầm nhìn của một số công ty trồng hoa ở Ethiopia khi ấy, vốn hiểu rõ cơ hội và những hạn chế của nghề trồng hoa xứ này, họ đã hành động. Vào năm 2002, Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu sản phẩm nhà vườn Ethiopia (EHPEA - Ethiopian Horticulture Producer Exporters Association) được thành lập, trở thành tiên phong mở đường phát triển nghề làm vườn ở Ethiopia.


EHPEA đã thành công trong việc vận động để có những hỗ trợ tích cực từ Chính phủ nhằm tạo nền tảng phát triển nghề làm vườn, đặc biệt là nghề trồng hoa ở Ethiopia. Kết quả, cùng với EHPEA, chính phủ Ethiopia đã hoạch định kế hoạch 5 năm để đạt được 1.000 ha sản xuất hoa vào cuối năm 2007, và xác định những việc ưu tiên cần làm ngay để khắc phục các yếu kém từ các nguồn đầu vào, giao nhận và tài chính. Chính phủ đã quyết định tập trung đầu tư mạnh vào ba lĩnh vực: sắp xếp lại vận tải, chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng hàng không với giá rẻ, đường dẫn vào đất trồng và cung cấp tín dụng dài hạn; đồng thời xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Luật đầu tư được sửa đổi để thu hút các nhà đầu tư, gồm: miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu và nguyên liệu thô, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và miễn thuế lợi tức theo các thời kỳ khác nhau tùy vào gói đầu tư. Cộng với các lợi thế về khí hậu, giá lao động và phí vận tải rẻ, “công nghiệp làm vườn”- đặc biệt là sản xuất hoa cắt cành của Ethiopia đã cất cánh.


Phát triển nông trại trồng hoa ở Ethiopia
 

Nguồn: Census, 2008.


Bắt đầu năm 1997 với 2 nông trại, đến năm 2002 nghề trồng hoa của Ethiopia mới tăng lên 3 nông trại. Kể từ khi có chính sách của Chính phủ và các hoạt động hỗ trợ của EHPEA, đến nay Ethiopia đã có hơn 100 nông trại với diện tích khoảng 1.700 ha, bình quân mỗi đơn vị sở hữu 17 ha đất trồng hoa, một quy mô không hề nhỏ! Những nông trại hoa trong nhà kính nhìn giống như những nhà máy nối nhau chạy dọc theo xa lộ dài tít tắp, tập trung ở vùng cao nguyên (64%) có độ cao trên 2.000 m so mực nước biển, trong vòng 50 km bán kính của thủ đô Addis Ababa, nơi có cảng hàng không chính, thuận tiện để vận chuyển nhanh hàng hóa.


Đầu tư nước ngoài đổ vào nghề trồng hoa ở Ethiopia chủ yếu từ Hà Lan, Ấn Độ, Israel và một số nước như Kenya, Tanzania, Uganda, Ecuador,… Hà Lan, xứ sở ngàn hoa, cũng là trung tâm giao dịch hoa thế giới, là nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu hoa ở Ethiopia. Hầu hết hoa sản xuất ra được xuất khẩu tới Hà Lan, còn lại xuất sang Đức, Vương quốc Anh, Nga, Nhật, các nước Bắc Âu, Trung Đông và một ít sang Mỹ. Thu từ xuất khẩu hoa của Ethiopia chỉ có 660 ngàn USD năm 2001, năm 2010/2011 là 178,3 triệu USD và con số này được kỳ vọng tăng lên 550 triệu USD vào cuối năm 2016.


Ethiopia nổi tiếng với các loại hoa hồng, đồng thời cũng trồng nhiều loại khác như cẩm chướng, cúc, lyly, lan, chuỗi ngọc hay thảo mộc (Hypericum), Salem (Limonium), rum hay hồng hoa (Carhamus), phong lữ hay thiên trúc quỳ (Geranium).


Công nghiệp hoa cắt cành Ethiopia tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật từ các nhà đầu tư Hà Lan, Vương quốc Anh, Ấn Độ… đã tác động mạnh đến kinh tế và xã hội Ethiopia; cải thiện đời sống, giảm đói nghèo, tăng cường thể chất và tinh thần cho người dân; có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra hơn 100 ngàn việc làm (chủ yếu cho phụ nữ) trong 5 năm qua; nông dân được tiếp cận công nghệ canh tác tiên tiến, được huấn luyện kỹ năng sản xuất, kinh doanh và quản lý. Khởi điểm gần như là số không, nay công nghiệp hoa cắt cành là một trong top 5 lĩnh vực cho thu nhập ngoại hối của Ethiopia.


Công nghiệp hóa việc trồng hoa với quy mô không hề nhỏ đã biến Ethiopia trỗi dậy và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới, trở thành nước xuất khẩu hoa đứng thứ hai châu Phi, sau Kenya, và thứ tư trên thế giới chính là nhờ tầm nhìn và sự hợp tác ăn ý giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Họ hy vọng chẳng bao lâu sẽ vượt lên dẫn đầu.



Một số hình ảnh các nông trại hoa hồng ở Ethiopia


Nông trại Roshanara.
 
Đo kiểm hoa hồng tại nông trại Roshanara.





Nông trại Hansa Horticulture với nhà kính khoảng 100 ha.


Thu hoạch hoa ở nông trại Minaye Flowers Plc, ở đây có 15 ha trồng hoa hồng.

 
Nông trại Afriflora - Sher Farms, rộng 300 ha.


PHƯƠNG LAN, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả