"Văn minh là cuộc đối thoại muôn đời giữa loài người với nước" (Civilization has been a permanent dialogue between human beings and water.) - Paolo Lugari.
Không có nước sẽ không có sự sống trên Trái đất!
Con người có thể nhịn ăn suốt nhiều tuần nhưng chỉ sống sót vài ngày nếu không được bổ sung nước; các loại cây đều không tránh khỏi “chết đứng” khi khô hạn hay không được tưới nước,…. Nước làm cho Trái đất xanh tươi với hệ sinh thái đa dạng và từng được xem là nguồn tài nguyên vô tận. Nhưng hiện nay, thiếu nước ngọt đang là vấn nạn toàn cầu. | | |
Tài nguyên nước đang bị xâm hại nghiêm trọng trên toàn thế giới do việc gia tăng sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp và nhu cầu của con người; sử dụng không hiệu quả, làm ô nhiễm nguồn nước, khai thác cạn kiệt nước ngầm,…
Tình trạng dân số thế giới tiếp tục gia tăng làm cho nhu cầu nước càng tăng cao, trong khi nguồn cung giảm nhanh đã buộc các nhà quản lý và các nhà khoa học lên tiếng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước. Các chương trình hành động để giữ gìn tài nguyên nước đã được cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia phát động triển khai.
Ecuador, đất nước trải dài hai bên đường xích đạo, với những hoạt động phát triển kinh tế như khai thác dầu, thủy điện, du lịch, các hệ thống tưới và ngay cả các dự án nước,…đều tác động đến hệ sinh thái, khiến đất nước này phải đối mặt với vấn nạn khủng hoảng nước. Tại đây có một điển hình rất thành công trong việc ứng phó với tình trạng khủng hoảng nước ngọt bằng việc gìn giữ nước đầu nguồn là thành phố Quito.
Nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế Quito và khu vực lân cận bắt nguồn từ vùng đất hoang dã phía Tây và Đông rặng núi Andean, mà hầu hết là vùng dự trữ thiên nhiên của Ecuador. Tuy nhiên, khu vực này đang bị đe dọa bởi việc khai thác rừng, phát triển nông nghiệp và chăn nuôi. Làm thế nào để khu vực sinh thái và dự trữ nước đầu nguồn này không bị xâm hại? Chìa khóa là quỹ bảo vệ nước FONAG (Fondo para la Protección del Agua).
Chính quyền Quito, đại diện là Công ty Cấp thoát nước đô thị Quito (EMMAPQ - Metropolitan Enterprise of Water and Sewer Systems in Quito nay là EPMAPS - Public Company Metropolitan Water and Sanitation) và Ủy ban Bảo tồn thiên nhiên (TNC- The Nature Conservancy, một tổ chức phi chính phủ), dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID- United States Agency for International Development) cùng sáng tạo ra quỹ FONAG vào năm 2000 dành cho các dự án bảo tồn và cải thiện quản lý khu vực dự trữ nước đầu nguồn từ phí sử dụng nước. Hoạt động của FONAG đã kết nối và thu hút các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều như Công ty Điện lực Quito (EEQ - The Electric Power Company of Quito) tham gia tháng 5/2001, công ty bia tư nhân Cervecería Andina S.A. (hiện là Cervecería Nacional S.A.) (tháng 3/2003); Swiss Development Cooperation (SDC/COSUDE) (tháng 1/2005); Tesalia Springs Co. (tháng 4/2007),…
Mục tiêu chính của FONAG là quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo tồn và duy trì khu dự trữ nguồn nước để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ và chất lượng tốt thông qua việc đầu tư, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ nguồn nước dựa trên nguyên tắc tự nhiên bền vững lâu dài. FONAG tập trung vào các hoạt động giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học; giải quyết các mối đe dọa; và hành động vì lợi ích xã hội và cộng đồng.
Hoạt động của FONAG bao phủ khu vực rộng 5.025 km2, có 1,96 triệu cư dân (năm 2001) ở lưu vực các sông Upper Guayallabamba, Antisan, Oyacachi và Papallacta, là vùng nước đầu nguồn cấp cho Quito và những vùng lân cận. Cụ thể, FONAG đầu tư cho các chương trình, dự án bảo vệ nguồn nước, cải tiến ngành chăn nuôi và nông nghiệp, quản lý nguồn lực địa phương vững mạnh và thực hiện các dịch vụ tài chính. Ví dụ như ngăn chặn việc đang bị thu hẹp của lưu vực sông Oyacachi và Papallacta; hỗ trợ những hoạt động giúp dân địa phương có cuộc sống và sản xuất bền vững và hiệu quả; bảo vệ chất lượng nước để cung cấp nước có thể uống được. Hay như ở khu dự trữ sinh thái Antisana, vấn đề chính để bảo tồn tự nhiên cần giải quyết là phải quản lý những hộ chăn nuôi, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, xói mòn đất và tác động bất lợi đến hệ sinh thái…
Các chương trình và dự án từ FONAG thường là dài hạn, được sự góp sức của nhiều thành phần từ chính quyền, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các đơn vị giáo dục, doanh nghiệp…Nội dung các chương trình/dự án gồm:
Chương trình truyền thông: về bảo vệ nguồn nước tới cộng đồng và xác định FONAG đứng đầu trong việc kết nối để quản lý và bảo tồn nguồn nước.
Chương trình hồi phục thảm thực vật: tiến hành các chương trình trồng và hồi phục rừng để bảo vệ nguồn nước. Các hoạt động gồm nghiên cứu và giám sát vùng cao nguyên Andea và những vùng rừng để bảo vệ nguồn nước nhằm duy trì những con suối đổ về các lưu vực sông cung cấp nước cho Quito.
Chương trình giáo dục môi trường: tổ chức các chuyến du khảo và hội thảo cho thiếu nhi, thanh thiếu niên để nâng cao nhận thức và có cái nhìn mới về nước, có kiến thức cũng như đối xử công bằng với môi trường và nguồn nước.
Chương trình quản lý nguồn nước: quản lý tổng hợp nước đầu nguồn lưu vực sông và những vùng có ảnh hưởng trực tiếp. Hỗ trợ các nhà quản lý để ra các quyết định quan trọng và những người sống trong lưu vực. Đồng thời góp phần vào việc tổng hợp lập kế hoạch, vào một số nghiên cứu và cơ chế kỹ thuật đòi hỏi phải dựa trên dữ liệu thu thập, xử lý thông tin, mô phỏng và phân tích kỹ thuật.
Chương trình theo dõi và giám sát những vùng ưu tiên: bằng các hệ thống kiểm soát, giám sát, hỗ trợ quản lý và củng cố năng lực cộng đồng để quản lý bền vững những vùng đệm trong khu bảo tồn sinh thái Antisana, công viên quốc gia Cayambe-Coca và công viên quốc gia Cotopaxi.
Về cơ chế tài chính, FONAG là quỹ thuộc trách nhiệm tư nhân và chịu chi phối bởi Luật Thị trường chứng khoán Ecuador. Vốn của FONAG được đóng góp từ các doanh nghiệp, người sử dụng nước và các cơ quan trong nước và quốc tế quan tâm đến bảo vệ nguồn nước và tìm giải pháp cho những vấn đề bất cập trong quá trình quản lý nguồn nước. Ban đầu, vốn của FONAG chỉ có 20.000 USD từ EMAAPQ và 1.000 USD từ TNC và một hợp đồng thông qua EMAAPQ trích vào quỹ 1% từ tiền bán nước uống hàng tháng. Một năm sau, mỗi năm có thêm 45.000 USD từ việc tiêu dùng điện của thành phố. Hai năm sau, năm 2003, công ty bia tư nhân Cerveceria Andina bắt đầu góp hàng năm 6.000 USD,…
Đến cuối năm 2003, FONAG có 1,5 triệu USD, năm 2005 có 3 triệu USD và cuối 2009 có 7 triệu USD. Thu chi quỹ FONAG trên cơ sở rõ ràng minh bạch, phí quản lý được chi trả giới hạn từ 10-20% tổng chi tiêu.
FONAG đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp nước cho Quito hiện tại và cả trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Thông qua FONAG, hơn 65 ngàn ha vùng dự trữ nước được quản lý ngày càng tốt hơn, nông dân vùng đầu nguồn được hỗ trợ cải thiện đời sống thông qua việc tham gia các chương trình bảo tồn, lưu trữ nước vùng đầu nguồn thay vì nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Hơn 1.800 người được hưởng các lợi ích kinh tế gia tăng từ sự liên kết với việc bảo tồn và quản lý nước đầu nguồn.
FONAG ngày càng lớn mạnh, hiện nay cũng chỉ đầu tư vào những chương trình, dự án cho các khu dự trữ nước đầu nguồn và luôn thu hút được sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức trong và ngoài nước.
Tín nhiệm tạo bền vững, cơ chế tài chính dài hạn, sử dụng quỹ cho những hợp tác tài chính một cách hợp lý và không vụ lợi nhằm vào việc bảo tồn khu vực dự trữ nước cấp cho Quito và những vùng lân cận hiệu quả đã tạo nên FONAG, một hình mẫu của việc thu phí từ sử dụng nước để chi trả cho các dịch vụ liên quan môi trường nhằm bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn vùng nước cấp đầu nguồn.
FONAG đã thúc đẩy phát triển các kế hoạch tương tự ở châu Mỹ La-tinh và nhiều nơi khác. Như ở Nam Phi, nơi mà phát triển nguồn nước là vấn đề cấp bách.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, những năm gần đây, tình trạng khan hiếm nước ngọt diễn ra thường xuyên hơn trên phạm vi rộng và ngày càng nghiêm trọng, cho dù nước ta được thiên nhiên ưu đãi một mạng lưới lưới sông ngòi dày đặc, với 2.360 con sông có chiều dài hơn 10 km, tổng lượng nước mặt của các lưu vực sông khoảng 840 tỷ m3 /năm. Các chương trình dài hơi để giữ gìn và bảo tồn khu vực cấp nước đầu nguồn và kinh phí để thực hiện rất cần sự góp sức từ nhiều nguồn lực trong xã hội. FONAG là một trong những mô hình đáng quan tâm.
PHƯƠNG LAN, STINFO số 9/2015
Tải bài này về tại đây.