SpStinet - vwpChiTiet

 

Cứ khóc đi rồi biết

Ai chẳng khỏi vài đôi lần rơi lệ! Cứ thấy nước mắt chúng ta lại có thói quen nhìn theo chiều hướng…hơi tiêu cực một tí: là buồn đau, là thất bại… Thật ra, nước mắt có tầm quan trọng rất to lớn đối với mắt và sức khỏe của con người, thế mà chẳng mấy ai hiểu ngọn ngành của những giọt lệ gần gũi này để thấy rằng nên “vui vẻ với nó”!

Khoang mắt của chúng ta có “hai nhà máy nước mi ni” gọi là tuyến lệ, chúng nhỏ chỉ bằng hạt gạo, hình dẹt tròn, vậy mà sản xuất nước mắt với tốc độ phi thường. Ban ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra khoảng 0,5- 0,6 g nước mắt. Cả đời người, tuyến lệ sản sinh chừng 20kg nước mắt. Mỗi khi ta chớp mắt, nước từ “hai nhà máy” phun một lớp nước mỏng tráng giác mạc bao phủ toàn bộ bề mặt của mắt để duy trì độ ẩm cho mắt, tránh cho mắt không bị khô. Ai chẳng may thiếu nước mắt (thường gọi là khô mắt) thì bác sỹ thường kê đơn nhỏ thuốc gọi là “nước mắt nhân tạo”, với giá cỡ 100.000 đồng, dùng được 1 tháng. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu y khoa, nước mắt có một số chất như Immunoglobin A, Albumin, đáng kể nhất là chất Lysozyme, Lactoferrin có khả năng sát khuẩn, phòng chống nhiễm trùng, rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt cho nên nó được coi là một “vệ sĩ” bảo vệ cho mắt luôn long lanh, sáng rõ. Không có các“vệ sĩ’ này hay không đủ các “vệ sĩ”, mắt chúng ta xem như…tiêu! Thế nên, khóc là đắc lợi, giúp cho giác mạc được phun nước rửa tới rửa lui làm sạch con mắt.

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, còn khóc thì sao? Các nhà khoa học đã chứng minh, cười và khóc cũng xuất phát từ một phần giống nhau của bộ não. Do đó, nụ cười mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm huyết áp, tăng cường miễn dịch... thì khóc cũng vậy. Về hiệu quả sinh lý, khóc làm giảm nhịp tim, giảm mức độ tiêu hao oxy và giảm sự căng thẳng của cơ bắp.

Theo các nghiên cứu lâm sàng, những người không khóc có nguy cơ bị những bệnh như loét dạ dày, viêm kết tràng, nhức đầu và những bệnh tâm thần cao hơn những người hay khóc. Khóc còn hỗ trợ giảm căng thẳng vì thế rất tốt cho sức khỏe tinh thần. Như vậy, khóc có hiệu quả đem lại sự cân bằng về cả tâm sinh lý nên nếu ai đó có chuyện gì cần khóc thì hãy cấp phép cho “hai nhà máy nước mắt” tuôn chảy… Tuy nhiên, cái gì thái quá cũng không tốt, nếu ngày nào bạn cũng khóc thì nên thăm khám bác sĩ vì có thể đây là dấu hiệu của bệnh trầm uất!

Nước mắt được coi là liều thuốc an thần kỳ diệu. Vậy thì chúng ta đừng ngần ngại rơi lệ khi trong lòng có gì đó căng thẳng: vui, buồn, sung sướng hay khổ đau,….
Cứ khóc đi rồi biết! mọi cái sẽ trôi qua! 
Vài con số

Trên những kinh tuyến và vĩ tuyến khác nhau, người ta khóc theo những cách khác nhau. Phụ nữ châu Âu tính trung bình nức nở 3 lần trong một tháng. Ở Trung Quốc đại lục, đàn bà nhỏ lệ tính trung bình một lần trong một tháng, còn đàn ông thì 4 lần trong một năm.
Theo thống kê thì trong cuộc đời mình, cứ một năm, trung bình các chàng trai khóc khoảng 3,7 lần, một con số bất ngờ chăng? Đấy là chưa kể, khối người được mệnh danh là “mít ướt” và một số kha khá những quý ông thuộc loại “lệ tửu”, có tí men vào là… lệ tuôn.
Theo một điều tra rất nghiêm túc của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Oxford Anh gần đây, 77% đàn ông xứ sương mù thú nhận rằng họ đã rơi nước mắt trước mọi người và 30% thú nhận mình khóc ít nhất một lần trong tháng. 

Tuy nhiên, nam giới Anh còn lâu mới đuổi kịp thành tích “mít ướt” của đàn ông Mỹ: tháng nào trung bình cũng khóc 1,5 lần. Nhưng sẽ bất ngờ hơn khi biết lý do khiến họ rơi lệ. Xếp đầu tiên trong Top 10 tình huống khiến các chàng rơi lệ là sự xúc động khi có người thân qua đời. Kế đến là họ khóc khi xem các cảnh buồn trên phim. Thứ ba mới khóc vì thất tình. Khóc do xung đột, cãi cọ giữa vợ chồng xếp tận hàng thứ 5.

Người ta thường hay nghĩ rằng phái nữ khóc nhiều hơn phái nam, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Theo một nghiên cứu năm 1972, ở độ tuổi còn bú sữa, trẻ em nam khóc nhiều hơn trẻ em nữ. Nhưng khi ở độ tuổi trung và đại học thì các cô gái khóc nhiều hơn, lâu hơn và cường độ mạnh hơn các chàng tới 3 lần.

Thanh Tùng