SpStinet - vwpChiTiet

 

Nói và viết: cần lịch sự?

“Lịch sự” là một khái niệm quá quen thuộc, nhưng cũng lại khá phức tạp. Lằn ranh giữa lịch sự - bất lịch sự có khi là cả một khoảng cách văn hóa không dễ vượt qua, có khi lại rất mong manh. 

Cuộc sống của mỗi cá nhân diễn ra trong các mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Vì thế lịch sự cũng thật muôn màu muôn vẻ: lịch sự trong nói năng, lịch sự trong viết lách, lịch sự trong trang phục, lịch sự trong ăn uống, lịch sự nơi công cộng, lịch sự trong công sở, lịch sự trong giao tiếp, có cả phép lịch sự trên giuờng! v.v.. và v.v...

Xin được đưa ra vài quan niệm sơ lược về “lịch sự”.
Theo từ điển tiếng Việt, Lịch sự là biết cách giao thiệp xử thế theo những phép tắc được xã hội công nhận, khiến người có quan hệ với mình được vừa lòng vì ngôn ngữ cử chỉ của mình.
Tác giả Hoàng Liên - trong cuốn “Học ăn, học nói, học gói, học mở” nói rõ thêm, phép lịch sự là một vật quý luân chuyển trong dòng đời, mỗi thời đại có một cách riêng, nhằm giúp cho người ta làm việc, sinh hoạt, giao tiếp phù hợp với thời đại và có hiệu quả.
Nhìn chung trên thế giới, người ta đều xem “lịch sự” như một loại thước đo chất  văn hóa (chứ không phải học thức) của con người.

Trong các mối quan hệ giao tiếp giữa người với người thì ngữ ngôn là một trong những phương tiện để trao đổi thông tin, biểu lộ suy nghĩ, ý định hoặc trạng thái của mỗi người và là phương tiện quan trọng bậc nhất đo lường tính “lịch sự”, tính “bất lịch sự” của mỗi người.

Bạn chắc cũng đã không ít lần phải đến cửa công, nơi cần “lịch sự” nhất nhưng lại có vẻ thiếu nó nhất! Vài năm trước, tôi đã từng được ngồi đợi đến lượt được tiếp để xin (lẽ ra nên viết là để làm chứ không phải để xin) hộ chiếu. Bạn có thể được nghe gọi: Nguyễn Văn X, Lê Thị Y, … Một bác đứng tuổi khi được kêu tên đã thốt lên: “Cứ như gọi ra vành móng ngựa! Thôi thì mình cần mà”!
Chắc hẳn bạn cũng từng được các em đánh giày sau khi nâng niu đôi dày của bạn, hỳ hục cọ lau bóng loáng thì cảm ơn bạn rối rít!

Lịch sự hay bất lịch sự là thế đấy. 
Tính lịch sự được thể hiện qua cấu trúc câu nói, lời văn, âm điệu, âm lượng, giọng điệu của mỗi người khi giao tiếp. Nói đúng nói đủ là cần thiết nhưng nói sao cho hợp lẽ, khéo léo, đúng mực lại là cả một nghi thức mang tính văn hóa. Lời nói có sức mạnh lạ lùng. Nói đúng một cách lịch sự có thể giúp một mối quan hệ tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Không bàn chuyện nói sai mà nói đúng thiếu lịch sự có thể tạo ra ác cảm thậm chí sự xung đột, mâu thuẫn khó gỡ giải. Cũng là nói mà cách thì có thể mang đến cho người nghe hạnh phúc niềm vui còn cách thì làm đau lòng, tổn thương. Như vậy, lịch sự trong  phát ngôn còn thể hiện qua việc tỏ ra tôn trọng, quan tâm tinh tế đến cảm xúc, suy nghĩ và tâm lý đón nhận của người nghe.

Ngôn ngữ nói gắn với giọng điệu thì ngôn ngữ viết cũng có…“giọng điệu” của nó! Viết đúng, viết đủ chưa hẳn là lịch sự. Nói sao cho “nghe được êm tai” không dễ, thì viết sao cho “đọc êm mắt” là điều có lẽ còn khó hơn chút đỉnh? Ở đây có quá nhiều chuyện, ta chỉ nói một chuyện nhỏ mà hầu như ai cũng đụng chạm. Máy tính từ lâu đã rất quen thuộc trong các văn phòng, công sở, việc soạn thảo văn bản bằng máy tính đã trở nên … “biết rồi! có chi mà nói?” Chắc hẳn bạn cũng có lần gặp những văn bản giông giống như băn bản này:
“…Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc,phòng Quản lý-Tổng hợp thông báo đến các phòng , bộ phận Dự thảo phương án tổ chức nhân sự .Đề nghị các bộ phận góp ý  ( bằng văn bản  )và gửi về phòng Quản lý-Tổng hợp trước ngày 04/6/2008…”.

Chữ nghĩa gì chưa biết mà chỉ thấy chỗ thì “xúm xít”, chỗ lại “toác ra”. Khó mà “êm mắt”! Chẳng khác gì nghe cái anh cán bộ làm hộ chiếu gọi… ra vành móng ngựa! Soạn thảo văn bản trên máy tính thường được hiểu là một việc đơn giản, ai cũng làm được nhưng không phải ai cũng nắm vững các nguyên tắc gõ đúng cơ bản nhất để tỏ ra “lịch sự” mà không phần mềm hay hệ điều hành nào có thể dạy được.

Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ ban hành các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong đó quy định cụ thể khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trong văn bản, vị trí các thành phần thể thức, phông chữ.v.v... Điều này không chỉ đảm bảo tính trang trọng, nghiêm túc của văn bản mà còn là phương pháp tỏ ra lịch sự giữa các phòng ban trong cùng cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với người dân. Cơ quan tôi cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà vẫn chẳng thiếu những văn bản loại “bất lịch sự” như kiểu trên!

Thế mới thấy, nói và viết là cả một nghi thức văn hóa và nghệ thuật. Vấn đề này quá rộng, chỉ xin đơn cử vài chi tiết mong được quý vị tiếp tục khai thông, để chúng ta cùng “lịch sự” khi giao tiếp bằng ngôn ngữ!
Xin gửi đến quý vị vài mẩu chuyện vui để kết thúc bài này!

Lịch sự tới phút cuối cùng
“Cơ trưởng Sinclair thay mặt cho phi hành đoàn xin chào mừng quí vị đi trên chuyến bay số 602 từ London tới New York của hàng không vương quốc Anh. Chúng ta đang bay ngang qua Đại Tây Dương trên độ cao khoảng 35.000 bộ. Nếu quí vị nhìn ra cửa sổ bên phải của máy bay, quí vị sẽ thấy cánh của máy bay đang cháy. Nếu quí vị nhìn sang bên trái thì sẽ thấy một cánh của máy bay đang rơi xuống. Nếu quí vị nhìn xuống Đại Tây Dương, quí vị sẽ thấy 3 người đang vẫy tay chào từ biệt. Một là tôi, cơ trưởng, một người nữa là anh bạn phi công phụ lái của tôi và người còn lại là cô tiếp viên hàng không… Đây là băng thu âm. Chúc quý vị có một chuyến đi vui vẻ!”.

Phép lịch sự
Trong lớp học, thầy giáo nói với cả lớp:
Các em phải cư xử lễ phép với mọi người, nhất là đối với thầy cô giáo. Khi gặp thầy cô, các em phải chào và bỏ mũ của mình xuống. Hôm sau, học sinh đều làm theo lời thầy. Riêng cu Trường chỉ chào thầy mà không bỏ mũ.
Thấy thế, thầy giáo hỏi: - Trường, sao em không bỏ mũ của mình khỏi đầu?
Trường: Thưa thầy, em không có mũ ạ.
Thầy giáo: Thế cái gì trên đầu em vậy?
Trường: Dạ! Mũ của anh em ạ!

Trẻ con cũng lịch sự
Các bé trong lớp mẫu giáo không chỉ được học hát, học múa mà còn được học cách cư xử lịch sự nữa. Cô dạy lớp mẫu giáo, thỉnh thoảng có khách đến thăm lớp. Sợ các học trò nhỏ vô tư nói năng “mất lịch sự”, cô bèn dặn các cháu: Hễ khi nào cô đang nói chuyện với người lớn, con nào muốn tè hay ị thì nhớ nói: “Thưa cô, cho con đi hát” nghe không?.
Học trò nhí tuân theo lời cô dạy. Mãi dần thành thói quen, muốn toilet là các cháu nói: “Con muốn đi …hát!”.
Nửa đêm bé An lay bố:
- Bố ơi, con muốn hát!
- Khuya rồi, để mai hát nha con!
- Con muốn hát lắm rồi, bố cho con đi hát...
- Vậy thôi, hát nhỏ nhỏ vào lỗ tai của bố thôi nha, để cho mẹ ngủ.
 

Hoài Tuấn