SpStinet - vwpChiTiet

 

Nếu có sự sống trên sao Hỏa... Nhớ Sagan

Đầu tháng 8 năm nay, robot tự hành Curiosity đổ bộ lên sao Hỏa với một nhiệm vụ quan trọng: tìm kiếm sự sống trên hành tinh này. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó tìm thấy? 

 

Khi gọi điện chúc mừng các nhà khoa học của NASA, Tổng thống Obama có một yêu cầu: báo ngay cho ông khi liên lạc được với người trên sao Hỏa! Đó chỉ là câu đùa. Theo các nhà khoa học NASA, rất khó có khả năng Curiosity tìm thấy sự sống thực sự trên sao Hỏa vì camera của nó không đủ mạnh để phát hiện được vi khuẩn. Tuy nhiên, Cutiosity có thể phát hiện thành phần cơ bản của sự sống - các hợp chất hóa học chứng tỏ sự sống tồn tại hoặc đã từng tồn tại trên sao Hỏa. Khi đó, các nhà khoa học sẽ phải quyết định làm gì tiếp theo.
 

Từ sau khi Curiosity đổ bộ thành công trên sao Hỏa, nhiều trang web đã trích dẫn thông điệp của Carl Sagan: “Nếu có sự sống trên sao Hỏa, chúng ta nên ... không làm gì cả. Sao Hỏa thuộc về ‘cư dân’ của nó, ngay cả khi đó chỉ là vi khuẩn. Sự tồn tại của một hệ sinh vật độc lập trên hành tinh láng giềng là kho tàng vô giá, và việc bảo tồn sự sống trên đó phải đặt cao hơn bất kỳ việc nào khác” .
 

Theo đuổi các vì sao

 
Bức ảnh nổi tiếng với hình người trên sao Hỏa.


Năm 1947, cậu bé Carl Sagan mười hai tuổi đứng bên ngoài một căn nhà nhỏ ở phía đông thành phố Brooklyn, New York (Mỹ), nhìn lên bầu trời đêm tìm kiếm một điểm màu đỏ. Carl muốn tìm sao Hỏa!. Carl vừa đọc xong cuốn sách “The Princess of Mars” (Công chúa Hỏa tinh), một trong nhiều tác phẩm viết về sao Hỏa của nhà văn Edgar Rice Burroughs, trong đó kể câu chuyện của một người từ Trái đất du hành đến sao Hỏa, gặp nhiều sinh vật kỳ thú.
 

Carl Sagan trông lên hành tinh đỏ, ước gì có thể đi vượt qua khoảng không gian xa xăm để đến sao Hỏa và tự nhủ: “Một ngày nào đó sẽ có thể du hành đến sao Hỏa”.
 

Lớn lên vào đại học, Sagan chọn ngành thiên văn và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago. Sau đó ông dạy thiên văn tại Đại học Harvad rồi Cornell, tại đây ông đảm nhiệm vị trí giám đốc phòng nghiên cứu hành tinh.

 


Carl Sagan tham gia nhiều dự án thám hiểm các hành tinh trong hệ mặt trời, như: Marine Nine - phi thuyền đầu tiên bay vào quỹ đạo sao Hỏa, Viking One và Viking Two - hai phi thuyền đáp thành công xuống sao Hỏa, Pioneer Two - phi thuyền đầu tiên thám hiểm sao mộc, Ploneer Eleven - phi thuyền đầu tiên bay qua sao mộc và sao thổ, Voyager One và Voyager Two - các phi thuyền đầu tiên bay ra khỏi hệ mặt trời.

Tuy nhiên, Carl Sagan có lẽ được biết đến nhiều nhất như là người phổ biến khoa học một cách thú vị và hấp dẫn. Tạp chí Times của Mỹ tháng 10/1980 đăng hình ông trên trang bìa với dòng chữ “Showman of Science” (tạm dịch: người trình diễn khoa học). Ông đã viết hơn 600 bài báo và 12 cuốn sách về khoa học. The Dragons of Eden: Speculations on the Evolution of Human intetllgence - một trong những cuốn sách của ông được trao giải Pulitzer năm 1976.
 

Cosmos (vũ trụ) gồm 13 tập do Carl Sagan cùng với Ann Druyan và Steven Soter viết kịch bản, Sagan là người dẫn chương trình, là bộ phim truyền hình được xem nhiều nhất tại Mỹ trong thập niên 1980, tính đến nay đã có hơn 600 triệu người trên khắp thế giới xem bộ phim khoa học này. Cuốn sách cùng tên được phát hành hơn 5 triệu bản, dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới - một hiện tượng xuất bản hiếm có với sách chuyên ngành thiên văn. 

... và sự sống trong vũ trụ

 

Có thực chúng ta đơn độc trong vũ trụ? Liệu vật lý và toán học có thể dùng làm thông điệp để giao tiếp với những sinh vật khác ngoài Trái đất?
 

Sagan luôn đau đáu với những câu hỏi như vậy. Ông là người ủng hộ nhiệt tình cho việc tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất. Về mặt nào đó, nỗi khao khát tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất làm cho Sagan gần với công chúng hơn. Thời đó, ít có nhà khoa học nào lên tiếng về vấn đề này.

 

Cuốn tiểu thuyết “Contact” xuất bản năm 1985 của Sagan (sau này đã được dựng thành phim) mô tả một nhà khoa học truyền tín hiệu vào không gian với hy vọng tìm thấy sự sống khác ngoài Trái đất. Cuốn tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ công việc của Sagan trong dự án SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence – dự án tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất). Sagan còn tìm hiểu các thành phần hóa học cần thiết cho sự sống cơ bản bên ngoài Trái đất và đề xuất dò tìm sự sống bằng sử dụng sinh, hóa và vật lý.
 

Trong vũ trụ bao la có “hàng tỷ tỷ hành tinh” (“billions upon billions of stars” - câu nói gần như được gắn liền với Carl Sagan), sao lại chẳng có hành tinh nào có sự sống?
 

Ông đưa ra ý tưởng và chịu trách nhiệm chính soạn thảo nội dung thông điệp từ Trái đất được đặt trên phi thuyền không gian Voyager với hy vọng gặp được các nền văn minh khác trong vũ trụ.
 

Carl Sagan đã đóng góp nhiều công sức cho việc đáp xuống sao Hỏa đầu tiên của phi thuyền Pathfinder, nhưng ông không có cơ hội viếng thăm hành tinh này. Ông mất vào tháng 12 năm 1996, tàu bộ hành của Pathfinder được đặt theo tên Sagan đáp xuống sao Hỏa ngày 04/7/1997.
 

“Có thể chúng ta lên sao Hỏa nhờ thành tựu khoa học vĩ đại mở ra cánh cửa thế giới diệu kỳ. Có thể chúng ta lên sao Hỏa bởi sự thôi thúc du cư ngấm vào máu trong quá trình tiến hóa – chúng ta chẳng qua xuất thân từ săn bắn hái lượm, và vì 99,9% thời gian trên trái đất, chúng ta đã rày đây mai đó, địa điểm tiếp theo để ngao du là sao Hỏa. Dù với bất kỳ lý do gì, thật tuyệt khi bạn ở trên sao Hỏa. Ước gì tôi cũng ở đó” (Thông điệp của Sagan gửi người thám hiểm sao Hỏa tương lai).
 

Phương Uyên, STINFO Số 11/2012

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả