Nếu có cuộc bình chọn biểu tượng của cuộc sống hiện đại, danh mục bình chọn chắc chắn có chiếc điều khiển từ xa hay thường được gọi tắt là ‘remote’. Giờ có lẽ khó tìm thấy ngôi nhà nào mà không có ít nhất một cái remote (thường đi cùng với tivi). Những gia đình trẻ yêu thích công nghệ có thể có hàng tá chiếc remote, từ điều khiển tivi, đầu DVD, dàn nhạc, máy lạnh đến cửa ra vào, xe ôtô...
Khởi nguồn
Lịch sử ghi nhận hệ thống điều khiển không dây đầu tiên trên thế giới được Nikola Tesla giới thiệu vào năm 1898. Năm đó, tại quảng trường Madison, New York (Mỹ), nhà sáng chế nổi tiếng người Mỹ gốc Nam Tư (giờ là Serbia) đã làm kinh ngạc mọi người với màn trình diễn điều khiển một chiếc thuyền từ xa trên khán đài. Ông đã tạo ra hệ thống gọi là “teleautomaton”, gồm một chiếc hộp có các phím và cần gạt, truyền tín hiệu vô tuyến đến anten gắn trên chiếc thuyền, tín hiệu được chuyển thành điện vận hành mô-tơ điều khiển thuyền tới lui.
Không lâu sau đó, kỹ sư người Tây Ban Nha, Leonardo Torres-Quevedo đã sử dụng bộ phát tín hiệu điện báo để điều khiển xe, thuyền và cả ngư lôi. Những sáng chế này như điềm báo trước. Trong Thế chiến thứ I, hải quân Đức đã sử dụng những chiếc thuyền chứa đầy chất nổ được điều khiển từ xa để tấn công tàu thuyền của đối phương.
Trong những năm 1930 và 1940, một số thiết bị điện tử tiêu dùng đã sử dụng điều khiển từ xa, chẳng hạn như cửa nhà để xe và máy bay mô hình. Các thiết bị khác nhanh chóng tiếp bước, nhưng đây chỉ là khởi đầu của câu chuyện chiếc remote.
Thâm nhập cuộc sống
Tuy xuất hiện sau, nhưng chiếc remote điều khiển tivi lại có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Nó gần như là thành phần không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, và hầu hết mọi người sử dụng nó hàng ngày.
Trước khi có remote điều khiển tivi, mỗi khi muốn điều chỉnh âm lượng hay đổi kênh truyền hình người xem phải lê bước đến tivi để vặn hay nhấn các núm điều khiển. Nhằm đem đến “sự thoải mái và thư giãn cho người dùng”, năm 1950 hãng Zenith đưa ra bộ điều khiển Lazy Bones nối với tivi bằng một sợi cáp dài, cho phép người dùng điều chỉnh tivi tại chỗ ngồi. Đây là tiền thân của chiếc remote điều khiển tivi không dây đầu tiên – Flash-Matic được kỹ sư Eugene Polley chế tạo và giới thiệu năm năm sau (1955). Flash-Matic dùng tia sáng chiếu vào bộ cảm quang ở góc tivi để bật tắt tiếng và đổi kênh tuần tự theo chiều kim đồng hồ hay ngược lại.
Năm 1956, đồng nghiệp của Polley, Robert Adler tạo ra bộ điều khiển Space Command sử dụng sóng siêu âm. Remote này thậm chí không cần pin, nó dùng những cái búa nhỏ gõ lên những thanh nhôm tạo ra những âm thanh khác nhau truyền đến bộ thu ở tivi. Thời đó truyền hình chỉ có 3 kênh nhưng điều đó không ngăn người dùng “chộp” ngay thiết bị tiện lợi này dù giá khá cao – một phần ba giá tivi thời đó.
Remote sử dụng công nghệ siêu âm tồn tại qua thời của công nghệ bóng bán dẫn (transistor) những năm 1960 và 1970, và được thay thế bằng công nghệ hồng ngoại vào đầu những năm 1980, công nghệ này được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay.
Năm 1965 chỉ có 5% tivi tại Mỹ sử dụng remote. Đến năm 1985, 50% tivi (màu) dùng remote, và 3 năm sau con số này tăng lên 75%.
Remote phát triển ngày càng đa năng. Không chỉ đổi kênh, bật tắt tiếng, remote giờ còn có thể điều khiển đầu đĩa và những thiết bị khác.
Theo sử gia công nghệ Edward Tenner, remote đã làm thay đổi hẳn cách chúng ta tương tác với công nghệ. “Với những cái ‘bấm bấm’, chúng ta có thể giao tiếp với đủ loại thiết bị. Remote tivi là khởi nguồn của ý tưởng đó”.
Điều khiển cả “thế giới”
Giờ đây có rất nhiều sản phẩm sử dụng remote. Xe ô tô, máy bay đồ chơi, máy chơi game, quạt trần… hầu hết đều có loại được điều khiển bằng remote.
Remote cũng có đủ kiểu, từ cái to đùng đến cái nhỏ xíu có thể treo móc khóa. Thậm chí còn có remote có màn hình cảm ứng, cho phép bạn xem một chương trình truyền hình khác với chương trình trên màn hình lớn.
Sự phổ biến của điện thoại thông minh (smartphone) được remote “ăn theo” để kiểm soát đủ loại thiết bị số. Với ứng dụng thích hợp, bạn có thể sử dụng smartphone để mở khóa cửa ôtô từ cách xa cả cây số, lên lịch đầu đĩa để ghi lại chương trình truyền hình ưa thích, điều khiển YouTube trên máy tính xách tay, và tất nhiên, đổi kênh (và nhiều thứ khác) trên tivi.
Điều khiển từ xa còn có những ứng dụng quan trọng hơn. Hiện nay nó được dùng để “dẫn đường” cho tất cả các loại vũ khí chính xác như tên lửa hành trình, điều khiển máy bay do thám không người lái… Điều khiển từ xa được sử dụng trong nhiều dự án thăm dò đại dương hay khám phá vũ trụ. Khi tàu không gian Mars Pathfinder triển khai robot thăm dò bề mặt sao Hỏa vào năm 1997, nó nhận chỉ thị từ các nhà khoa học trên Trái đất cách xa hàng chục triệu km.
Song hành với công nghệ, remote ngày càng lan tỏa trong mọi mặt của cuộc sống, nó cũng sẽ phát triển những hình thái mới cùng với sự phát triển của công nghệ. Có thể đến lúc nào đó bạn sẽ không còn nhìn thấy một chiếc remote riêng biệt “có thể cầm nắm” được, nhưng nó sẽ vẫn “hiện diện” có thể là trong cái chớp mắt, cử chỉ tay chân hay giọng nói… Dù với hình thái nào, remote sẽ vẫn đem đến sự tiện ích và thoải mái cho cuộc sống chúng ta, như mục tiêu ban đầu của Lazy Bones, miễn là chúng ta “không mất kiểm soát”.
Phương Uyên, STINFO Số 9/2012
Tin liên quan: