SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyện ông Huỳnh và chuyện ở công ty tôi

Mới đây, tại hội trường Quốc hội, Bộ Trưởng Lê Hồng Anh khi trả lời báo chí về chuyện liên quan đến vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ cho biết là đã cho dịch xong các tài liệu phía Nhật trao cho ta về vụ án này ở Nhật và hy vọng vấn đề sẽ sớm được sáng tỏ. Câu truyện vỡ lở vài năm trước, khi báo chí đưa tin về lời khai của quan chức công ty tư vấn Nhật Bản PCI khai rằng ông PGĐ Huỳnh Ngọc Sỹ ở Sở GTCC TP HCM đã nhận “tiền lại quả ” của công ty tư vấn này khoản tiền 2,6 triệu USD, bằng 1/10 giá trị công trình mà PCI nhận làm cho Việt Nam. Thực hư câu chuyện ông Huỳnh đến đâu thì ta chờ xem.

Ta xem xét vấn đề từ khía cạnh khác. Đã “lại quả” đến vậy mà PCI vẫn lãi đến 20%. Nghĩa là công trình 26 triệu USD sau khi trừ kinh phí “bôi trơn” 2,6 triệu thì với 23,4 triệu USD còn lại PCI lãi 4,7 triệu USD. Vị chi để làm được công trình tư vấn cho Việt Nam với giá trị trong hợp đồng là 26 triệu USD thì thực chất PCI chỉ phải chi 18,7 triệu USD, tức khoảng 70% giá trị hợp đồng.

Nếu mỗi hợp đồng, bên A để cho bên B có thể chỉ phải chi 70% số tiền nhận được của khách hàng mà vẫn thực hiện trót lọt công trình thì việc “lại quả” 10% để giành được hợp đồng đó sẽ là chuyện … bình thường. Chắc là không ít bên B sẽ tìm cách làm điều đó. Hẳn là ông PGĐ Sỹ chẳng phải là người tạo ra cái hợp đồng 26 triệu USD mà chỉ với 18,7 triệu USD, công việc vẫn được thực hiện ngon lành (?)

Vậy thì cái gốc của vụ hối lộ này (nếu đúng như quan chức PCI thú nhận ở tòa án Nhật) là ở đâu? Có thể không khó để luận ra câu trả lời.

Vừa qua, công ty tôi có xử lý một trường hợp tương tự, dù chỉ như hạt cát so với quả tạ ngàn cân nếu đem so nó với chuyện ông Sỹ đang mắc phải. Số là công ty cần mua một số bộ bàn ghế văn phòng cho mấy nhân viên mới. Hai nhân viên được giao làm việc này. Tổng số tiền mua là gần 20 triệu đồng. Chủ tiệm cho lại 2 nhân viên này 500 ngàn đồng. Hai người chia nhau. Về công ty, một trong 2 người đem nộp lại 250 ngàn đồng, người kia thì không. Giám đốc công ty đã yêu cầu người thứ 2 tường trình sự việc và quyết định cho thôi việc ngay lập tức, với lý do nhân viên này vi phạm điều luật thứ nhất: phải trung thực trong mọi công việc (công ty yêu cầu các nhân viên phải tuân thủ 5 điều luật khi ký hợp đồng). Giám đốc công ty cũng chuyển nhân viên thứ nhất (người nộp lại tiền) sang công việc không bao giờ liên quan đến tiền bạc. Sau sự việc này, trong công ty có 3 luồng dư luận.


Một số cho rằng chuyện “lại quả” bây giờ đã là “văn hóa phổ cập”, ai chẳng vậy! Nếu xử phạt anh nhân viên nhận 250 ngàn không báo cáo lại thì có mà phạt cả dân ta. Luồng dư luận này ít nhiều lên án nhân viên thứ nhất và nhìn anh ta với con mắt không mấy thiện cảm, chê anh là dở hơi và còn “làm hại” chiến hữu!
Luồng dư luận thứ 2 ủng hộ việc nhân viên này làm và quyết định của giám đốc. Đã hứa trung thực thì phải tôn trọng lời hứa. Đó là danh dự của con người, duy chỉ trách rằng anh ta nên khuyên bạn cũng làm như mình thì hơn.

Luồng dư luận thứ 3 cơ bản giống luồng thứ 2 nhưng cho rằng giám đốc cũng có lỗi là đã cho mua sắm bàn ghế theo cách chắc chắn tạo ra khe hở trong văn hoá mua sắm hiện nay.

Bạn suy nghĩ và hành động thế nào, nếu bạn là nhân viên công ty tôi? Nếu bạn là giám đốc công ty tôi?

Nếu chuyện ông Sỹ là thật và nếu ông Sỹ trung thực với Đảng, với Nước, với Dân thì không hiểu phải đuổi những ai?
CHILAN