SpStinet - vwpChiTiet

 

Thế giới chim quê

Đất nước ta có gần 900 loài chim, chia thành 19 bộ, 81 họ, chiếm 9% tổng số loài chim của thế giới, trong đó có 33 loài chim cực kỳ quý hiếm. Nhiều người trong chúng ta hẳn đã thấy những đàn chim ríu rít trong những lùm cây, những công viên ở các thành phố như ở Bangkok, Paris, Tokyo,… và ngay cả ở những khu “ổ chuột” ở Ấn Độ. Không bao giờ ở những nơi đó ta có thể thấy những con chim tội nghiệp bị trói như thỉnh thoảng ta vẫn thấy trên các vỉa hè, dọc các con lộ ở ta.

Chim quê là sự thanh bình, là tình yêu, là lòng nhân hậu,… Ta cũng nên biết chút ít về chúng để yêu chúng hơn.

Trong các thứ chim quê, quen thuộc nhất là con cò. Ở ta có tới 10 loài cò, màu sắc khác nhau nhưng chúng đều như hiện thân của sự bình yên nơi làng quê, cần cù lặn lội kiếm ăn, nuôi mình và nuôi con.

Giống chim giống cò là cuốc, còn được gọi là chim quyên hoặc gà nước. Có 14 loài mà nổi bật là cuốc ngực trắng với lông lưng xám sẫm, cổ và bụng trắng, đuôi nâu vàng, chân vàng, sải chân rộng, bơi lội giỏi và chạy nhanh. Cuốc chuyên làm tổ trong hang hốc, lau sậy và ăn các loại tôm cá, sâu bọ và mầm rễ cây trong nước. Vào hè thu, chúng đẻ trứng, mỗi lứa dăm, bảy quả màu trắng đốm nâu. Sau hai tuần trứng nở, cả chim trống và mái đều lo kiếm mồi nuôi con. Cả ngày chúng đi lang thang, lục lọi trong các lùm cây, bụi rậm, ao bèo, sen và những đồng lúa vừa gặt xong. Tiếng cuốc kêu vang rất xa, thường vào tinh mơ và chập tối. Đôi khi ta thấy cả đàn vừa bay vừa kêu từng tràng cu ốc cu ốc. Cuốc kêu là gọi hè về.

Nhỏ bé hơn cuốc nhưng cũng không kém phần đông đảo là bói cá với 12 loài, được xem là những thợ săn cá siêu đẳng. Từ đầu, lưng tới đuôi màu xanh lam, hai má hồng, bụng hồng, mắt nâu, chân ngắn và đặc biệt là cái mỏ dài, nhọn. Chúng làm tổ trong hang hốc, mỗi lứa đẻ dăm trứng màu xanh đốm nâu. Con chim thường đậu một mình, khi phát hiện cá, nó liền khép chặt đôi cánh, chúc đầu và lao từ trên cao xuống sâu dưới nước như một mũi tên chộp lấy con mồi rồi phóng ngược lên, với tốc độ đến 30 kilômét/giờ.

Góp phần sinh động trên sóng nước còn phải kể tới vịt trời (chim vịt), có tên gọi này bởi hình thù giống vịt nuôi với cái mỏ tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ, chân có màng, dáng đi lạch bạch nhưng sống hoang dã. Vịt trời ngoài tài bơi lội còn biết bay cao và xa. Ở miền Bắc có đến 16 loài vịt trời trong đó nhiều loài cứ mùa đông là bay hàng đàn chắp hình chữ V từ miền bắc tới miền nam tránh rét. Đàn chim thường làm tổ trong cỏ sậy, lấy cỏ bao thành tổ rỗng sau đó tự vặt lông để lót ổ. Vịt trời sinh sản nhiều vào mùa nước. Mỗi lứa đẻ mươi trứng màu trắng. 

Hiền lành nhất trong các loài chim cạn, ăn ngũ cốc là cu. Đây còn là loài chim của mùa gặt gắn liền với thóc lúa. Có đến 22 loài cu, làm tổ trên cây, chủ yếu ăn hạt và sâu nhỏ. Tùy theo màu sắc của lông lưng (nâu, vàng, hung xám hay đỏ, cổ có đốm lấm tấm hoặc đốm chạy thành vòng như chuỗi hạt) mà dân gian gọi chúng là cu gáy, cu đất, cu cườm hay cu ngói. Mỗi loài đều bay khỏe dễ dàng vượt những đoạn đường xa và có đặc tính thoắt đậu thoắt bay. Vào những trưa nắng, tiếng hót mượt mà, trầm ấm của lòai chim này luôn làm ta cảm thấy man mác nhớ nhung.

Gần giống cu gáy, những con tu hú ranh mãnh lại thuộc về những vườn cây ăn quả. Có 17 loài tu hú, với đặc điểm dễ nhận là cái mỏ dài, lưng xám, bụng trắng nâu kẻ, đuôi xòe. Tu hú vụng về, không biết làm tổ nên phải đẻ nhờ vào tổ của những loài chim khác, nhờ chúng ấp và nuôi con luôn! Tu hú biết lừa phỉnh, bằng cách chọn những tổ chim chích hay họa mi rồi đẻ trứng và … ăn bớt một vài quả trứng trong tổ.
Một loài chim ít gặp nhưng đã gặp thường gây cảm giác lo lắng, đó là cú lợn. Chúng hơi bí hiểm bởi đặc tính ăn đêm, và chỉ xuất hiện vào đêm ở ngoài ruộng, đồng, bãi tha ma hay cây cổ thụ khi mọi người đã ngủ.

Nhiều loài cũng lộ diện vào chập tối ở các vùng hoang vắng. Có 16 loài trong đó nổi bật là ba loài cú lợn lưng xám, cú lợn rừng và cú lợn lưng nâu. Thường sống đơn độc ở hốc cây, kẽ đá và cành cao. Săn mồi vào đêm tất cả các loại gặm nhấm và bò sát. Đặc điểm là mình to, đầu to, mặt hình trái tim, mắt nâu, có lông quanh mắt và một túm lông dài dựng đứng như hai cái tai, mỏ trắng bợt hoặc nâu, chân có vuốt sắc, bộ lông xù màu xám tro hoặc nâu tím và khả năng bay nhẹ không phát ra tiếng. Cú lợn kêu eng éc giống hệt con lợn. Trông thì hơi sợ, nhưng cú rất hiền và rất có ích. Mỗi mùa hè, một con cú bắt được hàng ngàn con chuột, cứu cho ta ít nhất một tấn lúa.

Rất yên ắng là những chú chim sâu, loài chim nhỏ, nhí nhảnh nhất trong thế giới chim quê, gồm 8 loài chim sâu, cân trọng chỉ chừng 10 gam. Như tên gọi, chúng chuyên ăn sâu bọ. Lưng màu lam hoặc dương xám, bụng hồng nhạt hay nâu vàng. Do nhỏ bé con chim dễ dàng lách vào kẽ lá, nhành hoa để bắt sâu và dành phần lớn thời gian bên những luống rau. Chúng làm tổ luôn trên ngọn cây, dùng mỏ cuốn lá khâu thành những chiếc rành xinh xinh. Chim sâu hót khá hay, tiếng hót trong veo. Con chim có thể hót tới 300 bài và hót 500 nghìn lần trong mùa sinh sản.

Bị cho là xấu xí và luộm thuộm nhất trong muôn loài chim có lẽ là con quạ. Ta có đến 15 loài quạ. Chúng sống trong những hang hốc, gốc cây, mái nhà, cột điện… và khi xây tổ luôn tha về rất nhiều rác rưởi. Vì thế mà nhiều người không ưa chúng, hơn thế còn ghét chúng do tiếng kêu khàn đục khó chịu “quà quạ” và tập tính hay … nhại lẫn nhau làm cho chuỗi tiếng kêu kéo thật dài! Quạ thuộc loài chim khá … thọ! Có khi tới ba chục tuổi. Bà nội của tôi kể rằng: Quạ là loài chim duy nhất biết “hiếu nghĩa”. Chúng biết cha mẹ, biết tha mồi cho cha mẹ già khi cha mẹ đã không còn bay lượn và săn mồi được nữa.
Làm sao để làng quê ta và cả các thành phố của ta ngày đêm vẫn vang lên những tiếng chim bình yên, an lạc?
CHU MẠNH CƯỜNG