Tháng 3 năm 1999, nhà khoa học hạt nhân người Mỹ gốc Hoa Wen Ho Lee bị bắt về tội tiết lộ bí mật chế tạo bom nguyên tử. Theo thông tin bị rò rỉ cho báo chí, Lee đã không vượt qua cuộc sát hạch với thiết bị phát hiện nói dối (PHND).
Khoảng một năm sau Lee được thả, các cáo buộc chống lại ông không chứng minh được. Hóa ra thiết bị không phát hiện Lee nói dối mà chính những người có trách nhiệm đã “suy diễn” kết quả. Đây không hẳn là một sự sai sót mà là tình huống thường xảy ra trong việc sử dụng thiết bị PHND.
Sự việc trên không làm cho thiết bị PHND bị mất tín nhiệm, và chính phủ Mỹ vẫn mở rộng sử dụng để kiểm tra hàng ngàn nhà khoa học tại các phòng thí nghiệm vũ khí trên cả nước. Đây là chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Mỗi năm có hàng triệu người Mỹ phải trải qua cuộc kiểm tra như vậy, không chỉ đối tượng điều tra của cơ quan an ninh mà còn có cả nhân viên của các công ty.
Hơn 90 năm qua, dù việc sử dụng thiết bị PHND không hề được chấp nhận ở các phiên tòa tại Mỹ, không một quốc gia nào khác xem trọng nó, và nhiều nhà khoa học nổi tiếng cho rằng nó không đáng tin cậy. Thế nhưng thiết bị PHND vẫn tồn tại và được xem là công cụ điều tra lý tưởng tại Mỹ.
Thật sự, thiết bị PHND không phân biệt được dối với thật. Nó chẳng qua chỉ là công cụ ghi nhận những biến đổi sinh lý như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt… (các thiết bị được chế tạo gần đây còn có thể ghi nhận biến đổi của cơ mặt, não). Theo thời gian, tuy có nhiều thay đổi cùng với sự tiến bộ công nghệ nhưng các thiết bị PHND đều dựa trên cùng nền tảng. Xuất phát điểm có lẽ là học thuyết “ngược đời” của nhà tâm lý học William James (người Mỹ) vào cuối thế kỷ 19. Thuyết này cho rằng, cảm xúc là tri giác của trí tuệ về những điều kiện sinh lý học xuất phát từ những kích thích. Ví dụ, khi nhìn thấy con gấu, chúng ta không chạy vì sợ, mà chính hành động chạy làm cho chúng ta sợ. Lập luận này có ưu điểm là liên hệ cảm xúc với hiện tượng sinh lý “có thể quan sát”.
Phát triển học thuyết của James, Hugo Münsterberg (người Đức) đi xa hơn, đề xuất kiểm tra tâm lý để xác định sự trung thực của nhân chứng khi xử án. Công trình của ông tạo cảm hứng cho tờ New York Times dự báo: “Chẳng bao lâu nữa sẽ không còn bồi thẩm đoàn, không cần thám tử và nhân chứng, không có buộc tội và kháng án, và cũng không cần luật sư”. Người ta chỉ cần dùng thiết bị để kiểm tra nghi phạm, vì máy móc “không biết nói dối” nên có thể dùng “làm bằng chứng để luận tội” (năm 1911).
Không có gì ngạc nhiên khi các thẩm phán phản đối đề xuất này. Năm 1922, bằng phương pháp kiểm tra huyết áp, tiến sĩ tâm lý William Marston, học trò của Münsterberg tại Harvard, đã minh oan cho James Frye về tội giết người. Tuy nhiên tòa từ chối không cho Martson làm chứng vì sợ mất quyền luận tội. Bất chấp những cản trở, việc sử dụng thiết bị để phát hiện nói dối nhanh chóng được triển khai cho các bước điều tra trước khi xử, nhờ công của cảnh sát trưởng Berkeley (California) thời đó là August Vollmer cùng 2 cộng sự là John Larson và Leonard Keeler. Cả ba cùng chia sẻ ý tưởng sử dụng thiết bị PHND để thay thế biện pháp tra tấn tàn bạo và hạn chế sự tham nhũng của cảnh sát.
Chính Vollmer đã khuyến khích John Larson (cảnh sát đầu tiên của Mỹ có học vị tiến sĩ, lĩnh vực sinh lý) chế tạo thiết bị PHND để điều tra tội phạm. Trong các báo cáo sau đó, Larson chỉ gọi công việc của mình là “phát triển phương pháp” của Martson, tuy nhiên lịch sử ghi nhận ông là người chế tạo ra chiếc máy PHND đầu tiên.
Ngay vụ điều tra đầu tiên, chiếc máy PHND của Larson (ông gọi là Cardio-Pneumo Psychograph) đã phát hiện được thủ phạm của các vụ trộm cắp trong khuôn viên đại học California. Larson đã sớm nhận ra chính cảm giác có tội đã làm thủ phạm lộ diện. Mặt khác, người thẩm vấn và các câu hỏi có thể gây căng thẳng tạo nên phản ứng sinh lý ngay cả với người vô tội.
Larson từng bày tỏ lo ngại máy PHND sử dụng sai mục đích sẽ biến thành một công cụ nguy hiểm. Ông cho rằng người điều tra có trình độ tốt hơn là máy móc tinh vi, và máy PHND nên được sử dụng bởi một nhóm các chuyên gia gồm giám định y khoa, pháp y tâm lý và cảnh sát có trình độ. Ông không tán đồng việc thương mại hóa thiết bị này.
Khác với Larson, Leonard Keeler theo đuổi việc mở rộng sử dụng máy PHND. Ông đã phát triển những kỹ thuật thẩm vấn để củng cố niềm tin của công chúng vào sự “chính xác” của máy. Các kỹ thuật này không chỉ nhằm xác định đối tượng nói dối mà còn làm cho đối tượng tin rằng có thể bị phát hiện nói dối, làm tăng sự sợ hãi và dẫn đến tăng khả năng phát hiện.
Phương pháp của Keeler có hiệu quả. Trong một cuộc khảo sát năm 1939, trong 9.000 đối tượng bị điều tra, chỉ có 1% từ chối kiểm tra PHND. Một phần ba trong số đó có hành vi phạm tội, và hơn phân nửa đã thú nhận.
Trong thập niên 1930, Keeler thuyết phục được các công ty sử dụng thiết bị PHND để kiểm tra nhân viên. Ông đã thành công trong việc buộc một phần ba nhân viên ngân hàng thú nhận “biển thủ”. Lúc kinh tế suy thoái, các công ty cần củng cố hoạt động, Keeler đã “mách nước” các nhà quản lý nên thực hiện việc kiểm tra mỗi năm để đảm bảo có được những nhân viên tin cậy.
Năm 1949, Cục Tình báo Mỹ (CIA) bắt đầu yêu cầu tất cả nhân viên mới phải thực hiện kiểm tra nói dối. Đến đầu những năm 1950, 18.000 nhà khoa học, kỹ sư, quản lý và nhân viên phòng thí nghiệm tại Oak Ridge, Tennessee (thành phố hạt nhân đầu tiên của Mỹ) đều phải kiểm tra lòng trung thành chính trị với kỹ thuật của Keeler. Không có ai bị bắt giữ, nhưng bộ phận an ninh xem đây là biện pháp ngăn chặn.
Keeler đã thành công. Máy PHND đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi chứ không chỉ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Mục đích nhằm thay thế hình thức tra tấn, máy PHND thực ra là công cụ tra tấn tâm lý. Khi Abdallah Higazy, một công dân Ai Cập ngụ ở một khách sạn đối diện Trung tâm Thương mại Thế giới, đã bị bắt vào ngày 09/11. Nhân viên an ninh cho biết đã tìm thấy một chiếc radio dành cho phi công trong phòng của Higazy. Sau cuộc thẩm vấn suốt bốn giờ với máy PHND, Higazy không qua được cuộc kiểm tra, nhưng vẫn nhất quyết không nhận chiếc radio là của mình. Tuy nhiên, sau đó ông phải chấp nhận khi bị đe dọa tra tấn người thân. Vài ngày sau, một viên phi công đến nhận chiếc radio của mình. Người vô tội thì bị tóm còn tội phạm thật sự thì vẫn thong dong!.
Gần đây có nhiều kỹ thuật mới được áp dụng, như nhận dạng giọng nói, nét mặt hay “đọc não” trực tiếp, nhưng vẫn dựa trên cùng nền tảng như chiếc máy PHND trước đây. Dù kỹ thuật có hiện đại đến đâu đi nữa, sẽ không bao giờ có chiếc máy PHND chính xác tuyệt đối. Montaigne từng nói “ngược với sự thật là sự vô tận”. Có muôn vàn kiểu nói dối, từ tự phát đến được huấn luyện, không thể nào suy ra chính xác tâm lý từ phản ứng của cơ thể.
Dù thế nào đi nữa, máy PHND sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng, khi mà người ta vẫn hy vọng vào sự công minh tuyệt đối.
Phương Uyên, STINFO Số 8/2012.