Placebo: từ giả đến thật Năm 1994, bác sĩ giải phẫu J. B. Moseley thuộc Trung tâm Y khoa Cựu chiến binh (Houston, Mỹ) được phép làm một cuộc thí nghiệm với sự tình nguyện của 10 bệnh nhân bị đau khớp xương đầu gối. Theo chương trình cuộc thử nghiệm, 5 bệnh nhân được điều trị thật với các thuật giải phẫu thật như cạo, rửa xương đầu gối; đối với 5 bệnh nhân còn lại, bác sĩ chỉ nhấn dao mổ vào đầu gối bệnh nhân ba lần để cho họ cảm thấy và nhìn thấy như mình vừa được mổ. Sau phẫu thuật, 10 bệnh nhân này được chuyển vào phòng hồi sức và cho xuất viện vào ngày hôm sau, với nạng và thuốc giảm đau.
Vài tuần sau, cả 10 bệnh nhân đều bình phục như nhau! Năm bệnh nhân được phẫu thuật giả không cảm thấy đau như xưa nữa!
Đây là một trong những thí nghiệm điều trị mà người ta gọi là placebo. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều bệnh viện và cơ sở điều trị dã chiến thiếu thuốc giảm đau trầm trọng, không biết làm thế nào trước những đòi hỏi của người bệnh, người ta đã có sáng kiến dùng các thuốc placebo (thuốc rỗng) để thay thế. Trong nhiều trường hợp chúng tỏ ra khá hiệu quả, nhiều thương binh và bệnh nhân cảm thấy mình thực sự đỡ đau hơn.
Rõ ràng liệu pháp placebo có tác dụng so với trường hợp không chữa trị gì cả. Có placebo, các bệnh nhân thấy có tác dụng khả quan trong điều trị bệnh.
Như vậy, placebo có thể hiểu là một cách điều trị giả mà như thật, mang lại tác dụng chữa bệnh cho bệnh nhân. Thuật ngữ placebo chính thức xuất hiện lần đầu vào năm 1894, ban đầu là những viên thuốc placebo không có dược chất trị bệnh. Các bác sĩ kê đơn thuốc placebo cho những bệnh nhân ít có biểu hiện bệnh, hoặc với bệnh nhân mắc bệnh tưởng nhưng trên thực tế hoàn toàn khỏe mạnh.
Các hình thức của placebo trong y học Thuốc placebo. Ban đầu, placebo xuất hiện trong chữa trị dưới dạng thuốc viên để uống, thuốc tiêm hay truyền tĩnh mạch. Thuốc placebo được bào chế sao cho hoàn toàn không có một tác dụng sinh lý gì đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân. Thông thường, viên placebo có thành phần chủ yếu là đường hoặc là canxi gluconat. Thuốc placebo có hình dạng và mùi vị giống y như thuốc thật, với ý định không cho người dùng phân biệt được thuốc thật hay giả.
Như vậy có thể hiểu placebo là “giả dược”. Giả dược hoàn toàn khác với dược giả. Vì dược giả là thuốc giả, là hàng giả.
Phẫu thuật placebo. Hiểu theo nghĩa rộng, placebo còn có thể là một phẫu thuật giả, như tình huống đã nêu ở trên. Ví dụ, khi ta nói với người bệnh rằng đã thực hiện xong phẫu thuật nào đó (như với khối u ác tính trong ổ bụng), trong khi trên thực tế chỉ rạch một đường sau đó khâu lại, thì trong nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn cảm thấy tình hình bệnh tật có tiến triển khá hơn. Như vậy, placebo còn có nghĩa là phẫu thuật hình thức hay cung cấp thông tin giả nhưng có lợi cho bệnh nhân.
Liệu pháp placebo. Khoảng 40 năm trước đây, một bác sĩ người Anh, Kenneth B. Thomas, đã làm một thí nghiệm nho nhỏ trong 200 “bệnh nhân” của ông. Những người này chỉ cảm thấy không khỏe trong người và buồn chán, những người này hoàn toàn không có dấu hiệu bất bình thường gì về các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Ông chia người bệnh thành hai nhóm. Đối với nhóm A, ông cho họ một chẩn đoán và nói là họ sẽ bình phục trong vài ngày; với nhóm B, ông nói với họ rằng ông không biết họ bị bệnh gì, và cũng không biết chắc chắn bao giờ thì họ sẽ hết “bệnh”. Hai tuần sau, 64% nhóm A (điều trị theo liệu pháp placebo) bình phục; nhưng trong nhóm B, chỉ có 39% trở lại trạng thái bình thường.
Đối chứng placebo. Ngày nay, placebo còn được dùng trong nghiên cứu tác dụng của thuốc mới. Trong nghiên cứu tìm thuốc mới, đầu tiên thuốc mới sẽ được thử nghiệm trên động vật, sau đó trên người tình nguyện. Để tránh sai số do tâm lý của người dùng thuốc và bác sĩ, nên chia những người sử dụng thuốc thành hai nhóm. Một nhóm sử dụng thuốc thật và nhóm đối chứng dùng thuốc placebo. Để bảo đảm tính khách quan khi thẩm định quá trình tiến triển của bệnh nhân, bác sĩ không biết bệnh nhân đang nhận thuốc thật hay giả. Bệnh nhân cũng không biết mình dùng thuốc thật hay giả. Đây là cách nghiên cứu “double-blind”, tức cả hai thành phần trong cuộc thử nghiệm đều “mù”. Trong nhóm nghiên cứu, chỉ có một nhà nghiên cứu độc lập có danh sách bệnh nhân nhận thuốc nào, và chính nhà nghiên cứu này sẽ phân tích dữ liệu khả năng hồi phục từ bác sĩ và đánh giá sự hữu hiệu của thuốc. Dĩ nhiên, theo lý thuyết, thuốc placebo sẽ không có tác dụng trị bệnh, hoặc có thì cũng không đáng kể. Do vậy, nếu nhóm sử dụng thuốc thật có tác dụng cao hơn nhóm đối chứng dùng placebo, các nhà nghiên cứu có bằng chứng để có thể kết luận rằng thuốc đang được thử nghiệm là có hiệu quả. Còn ngược lại, nếu tác dụng của nhóm thuốc thật và nhóm đối chứng placebo giống nhau, thì có thể kết luận loại thuốc mới đang thử nghiệm không có hiệu quả chữa bệnh.
Tác dụng placebo: thật hay giả? Placebo thường tỏ ra hữu ích khi điều trị các bệnh về thần kinh và tâm lý như các triệu chứng đau, trầm cảm, suy nhược, mất ngủ, dị ứng hay một số bệnh về tim mạch như rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, ngoại tâm thu… Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy placebo còn có thể giảm nôn ói, giảm ho, giảm độ mỡ trong máu, v.v... Đối với những tổn thương nặng bên ngoài cơ thể hay bệnh truyền nhiễm, placebo ít có tác dụng. Điều này cho thấy tác dụng trị liệu của placebo có hiệu quả với các bệnh lý liên quan tới hoạt động của hệ thống thần kinh, hoặc do tâm lý của bệnh nhân nghĩ hay kỳ vọng rằng họ đang được điều trị bằng thuốc và những liệu pháp tốt để có một sức khỏe tốt hơn.
Như vậy có thể nói rằng các tác dụng của các liệu pháp placebo là thật. Bệnh nhân với các cảm giác đau, từ nhức đầu đến đau tim, ung thư… có thể cảm nhận được lợi ích từ liệu pháp placebo.
Một số thuyết đã ra đời để giải thích cho hiệu ứng placebo. Thuyết cổ điển nhất cho rằng một khi bệnh nhân đã có kinh nghiệm hết đau và giảm bớt bệnh với thuốc men và sự quan tâm của người thầy thuốc này, thì với lần trị liệu sau, cũng với sự khuyên bảo và trị liệu như thế, họ cũng sẽ cảm thấy bớt đau. Có thể xem thuyết này như “thuyết mớm cung”.
Thuyết thứ hai dựa vào các nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân dùng placebo, cơ thể sẽ tiết một hormon có tên là endorphin. Endorphin là một hóa chất ở trong não có khả năng làm giảm cảm giác đau đớn.
Thuyết thứ ba dựa vào các dữ liệu nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ở trong một tình huống căng thẳng và nhạy cảm như suyễn và cao huyết áp thường phản ứng rất tích cực khi dùng placebo. Và trong tình huống nguy kịch như thế, một viên thuốc, dù giả, có thể đem lại cho bệnh nhân một sự yên tâm, giảm căng thẳng và tăng niềm hy vọng, như người đang đuối trên biển vớ được một mảnh gỗ để làm phao. Thuyết này cũng tương tự như trong một khái niệm về placebo trong từ điển Y học là make-believe-medicine (placebo-thuốc gây niềm tin).
Cả ba thuyết trên đây có một mẫu số chung: yếu tố kỳ vọng, sự hứa hẹn được giúp đỡ từ một người khác, nhất là các bác sĩ, người mà bệnh nhân thường đặt tất cả niềm tin và hy vọng có thể chữa trị hết bệnh của mình. Như vậy, placebo là một công cụ quan trọng mà bác sĩ có trong tay, nhưng thường hay bị bỏ quên trong cuộc sống vội vã hôm nay. Những năm qua, y học đã trải qua một thời kỳ tiến bộ quá nhanh, đến nỗi người thầy thuốc quên đi một giai đoạn của việc chữa trị rất ít dính dáng đến khoa học: bày tỏ niềm cảm thông đến bệnh nhân. Chỉ một cái sờ tay, một lời nói khích lệ… đã có thể là một liều kháng sinh mạnh mẽ giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Có thể thấy rằng placebo thực sự có tác dụng tích cực với những ai có niềm vui sống, thực sự lạc quan và tự tin vào sức mạnh tinh thần của chính bản thân mình. Giả sử có những loại thuốc hay phẫu thuật mà thực sự đánh trực tiếp vào nguồn gốc gây bệnh thì có lẽ chúng ta không còn cần những liệu pháp như placebo nữa. Nhưng với giới hạn của y học, vẫn còn đó những bệnh chúng ta không thể điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật thì trị liệu bằng placebo vẫn cần thiết, miễn là nó mang lại niềm hy vọng vui sống cho chính bản thân người bệnh.
Tại sao placebo lại có tác dụng đáng kể, trong khi theo lý luận logic và khoa học thì “đáng lẽ” không có tác dụng? Có lẽ cần phải có nhiều cuộc thử nghiệm trên quy mô rộng với số lượng tham gia đối chứng lớn để có hướng nghiên cứu chính xác. Điều đó chúng ta còn phải chờ các nhà khoa học. Nhưng cũng có một gợi ý rằng sức mạnh tinh thần của con người là không có giới hạn. Những khi đối mặt với những lo lắng bệnh tật và cả những thứ khác trong cuộc sống, mỗi người hãy tự trang bị cho mình một liều “placebo” khi cần và tận hưởng cái sự “
Quẳng gánh lo đi mà vui sống”.