SpStinet - vwpChiTiet

 

Chỉ số Hành tinh hạnh phúc

Thước đo nào cho hạnh phúc
 

Hạnh phúc là giấc mơ đẹp nhất của con người, nhưng đo lường hạnh phúc quả khó khăn, bởi chẳng ai biết, hạnh phúc đích thực là gì.
 

Địa vị, quyền lực, sắc đẹp,…, có phải là hạnh phúc khi đó là những thứ “nay còn mai mất”.
 

Được kính nể, tôn vinh, thậm chí được nịnh bợ…, có phải là hạnh phúc khi phải tự nuôi mình trong cảm giác hay ảo tưởng hưng phấn do người khác mang lại.
 

Thưởng thức món ăn ngon, xem bộ phim hay, đắm mình trong cảnh đẹp…, có phải là hạnh phúc khi đó chỉ là cảm xúc trong khoảnh khắc.
 

Còn tiền bạc, thứ mà ai, dù ít hay nhiều đều phải tìm kiếm có là hạnh phúc? Rất nhiều người cho rằng, có tiền là có hạnh phúc: “cái gì không mua được bởi tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng kết quả nghiên cứu do nhà kinh tế học Richard Easterlin đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences trong năm 2012 khẳng định: “Không có bằng chứng nào cho thấy có sự gia tăng mức độ thỏa mãn đối với cuộc sống như chúng ta thường kỳ vọng ở một nền kinh tế có mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng tới 4 lần”. Rõ ràng, tiền không mua được hạnh phúc.
 

Vậy, còn thước đo nào khác cho hạnh phúc?
 

Chỉ số hành tinh hạnh phúc - HPI (Happy Planet Index) do Quỹ Kinh tế Mới (NEF - New Economic Foundation) đưa ra để xếp hạng cuộc sống hạnh phúc ở các nước. Đây là cách đánh giá hạnh phúc độc lập, không hiện diện các tiêu chí kinh tế mà dựa trên tiêu chí “môi trường”. Dù xung quanh chỉ số này còn nhiều tranh cãi, bị đánh giá là “thiếu cái nhìn thực tế”, “chưa chính xác”…, nhưng, hãy thử nghe những người đề xuất chỉ số HPI lý giải về nó.

Môi trường tốt mang lại hạnh phúc bền vững
 

Tại chương trình TEDTalks 2010, bài diễn thuyết của Nick Marks - người đặt ra chỉ số HPI - mở đầu bằng một cảnh trong phim “The Road” (2009), bộ phim về những ngày “hậu tận thế”, khi trái đất bị tàn phá nặng nề. The Road là câu chuyện về hành trình của hai cha con trong cuộc chiến sinh tồn tìm đường đến bờ biển. Nick Marks đã dùng thước phim đặc tả “miền đất chết” hoang vắng, lạnh lẽo, với những thân cây trơ trụi để lý giải nguyên nhân vì sao HPI đưa môi trường vào thước đo hạnh phúc. Bởi không chỉ đo lường hạnh phúc hiện tại, HPI còn hướng đến tương lai. Môi trường tốt sẽ đảm bảo cho cuộc sống bền vững mai sau.
 

Nick nói: “Đã quá lâu, chúng ta chỉ tập trung vào cơn ác mộng những gì đang xảy ra. Chỉ quan tâm đến vấn đề mà không suy nghĩ đủ về giải pháp”. Vấn đề phải đối mặt đó là, chúng ta thường “gắn” hạnh phúc với những con số kinh tế hay tài chính. Chẳng hạn: GDP tăng hay giá chứng khoán tăng đồng nghĩa với cuộc sống tốt hơn. Theo một cách nào đó, kiểu “hiểu” này thu hút ham muốn vật chất của mọi người và khiến họ quên đi những mối đe dọa khác như vấn đề môi trường. Trong khi đó, chỉ có một trái đất với lượng tài nguyên hữu hạn để mọi người có thể chia sẻ, nên khan hiếm tài nguyên không chỉ dẫn đến khó khăn kinh tế mà còn là sự sống còn.
 

Do đó, để đánh giá hạnh phúc, NEF sử dụng 3 tham số: chỉ số hài lòng với cuộc sống (EW - Experienced Well-being); tuổi thọ trung bình ước tính (LE - Life Expectancy) và chỉ số dấu chân sinh thái (EF - Ecological Footprint). EF quan trọng nhất, là chỉ số đo lường tỷ lệ khai thác và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, hiệu suất hấp thụ CO2 và xử lý chất thải.
 

HPI là chỉ số đánh giá hạnh phúc của con người trong tương quan với hiệu suất sử dụng tài nguyên sinh thái. Dựa trên HPI, quốc gia hạnh phúc nhất là quốc gia có thể tạo dựng cho người dân cuộc sống lành mạnh mà không xâm phạm đến môi trường chung, mọi người có cuộc sống bền vững, lâu dài, khỏe mạnh.
 

- Top 10 HPI cao hầu hết là các quốc gia Mỹ La Tinh, tiêu biểu là Costa Rica với tuổi thọ trung bình 78,5 và chỉ sử dụng ¼ lượng tài nguyên so với các nước phương Tây. Thành quả đạt được nhờ 99% năng lượng tái tạo, giảm quân đội, đầu tư cho các chương trình xã hội, y tế, giáo dục. Costa Rica có tỷ lệ biết chữ cao nhất ở Mỹ La tinh và thế giới.
 

- HPI thấp nhất thuộc về khu vực châu Phi hạ Sahara, do tuổi thọ trung bình thấp (40 tuổi) vì dịch bệnh, sốt rét, HIV/AIDS,… hoành hành.
 

- Gây tranh cãi nhiều nhất là các quốc gia phương Tây thịnh vượng với nền công nghiệp phát triển lại chỉ nằm ở mức trung bình do khai thác quá nhiều tài nguyên phục vụ sản xuất.


Năm 2012, theo chỉ số HPI, Việt Nam hạnh phúc thứ 2 trong 151 nước được khảo sát, được lý giải là nhờ chỉ số sinh thái EF = 1,4 ở mẫu số thấp, dù EW (tức sự hài lòng với cuộc sống) không cao, chỉ có 5,8.

 
Thực ra, thứ hạng dựa trên HPI không nói lên được nước ta hạnh phúc hơn nước khác, bởi theo Nick Marks: “Những quốc gia có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng không nhất thiết là những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, mà nó chỉ có ý nghĩa rằng người dân ở đây có thể đạt được hạnh phúc trong cuộc sống mà không cần phải khai thác và sử dụng tràn lan các nguồn tài nguyên sinh thái”.


Bảng xếp hạng HPI năm 2012
.
 

Tuy nhiên, điều quan trọng là HPI nhắc nhở mọi người, thay vì tỷ giá ngoại tệ, chỉ số chứng khoán, hãy quan tâm đến việc bao nhiêu năng lượng đã được sử dụng trong ngày hôm qua, bao nhiêu khí thải carbon có thể cắt giảm? Con người chưa hạnh phúc bởi lẽ họ khao khát quá nhiều và chỉ bận tâm làm mọi cách để đạt được những gì mình không có bất chấp hệ quả, như Kabir, nhà thơ cổ của Ấn Độ từng viết trong một bài thơ: “Tôi cười khi nghe người ta nói rằng, con cá ở trong nước mà khát”.
 

Một trong những bí quyết để hạnh phúc là hãy mong muốn “bớt đi” chứ không phải “thêm vào”. Bạn có thể hạnh phúc ngay bây giờ, đơn giản chỉ cần cảm nếm hương vị ngọt ngào của từng phút giây hiện tại, và nhất là - như Nick Marks nói: “Trân trọng những gì mình đang có”.
 

Đăng Hưng, STINFO Số 10/2012


Xem thêm:

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả