Theo số liệu công bố hồi tháng 10/2012 của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh chuyên nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, Việt Nam có hơn 30,8 triệu người dùng Internet, tức trên 34% tổng dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%), trong đó hơn 8,5 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, tăng 146% so với đầu năm - Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thành viên nhanh nhất trên Facebook.
Sử dụng phương tiện truyền thông ở Việt Nam, 2012
Nguồn: WeAreSocial
Facebook thật hấp dẫn và tiện lợi, trên đó bạn có thể chia sẻ tâm tư tình cảm, trao đổi liên lạc với bạn bè, người thân dù ở bất kỳ nơi đâu. Nó đã đánh bạt blog, thậm chí còn lấn sân email. Sự kết nối chính là điều làm nên sức sống và tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng của mạng xã hội. Và để dễ "kết bạn", người dùng thường cung cấp khá đầy đủ thông tin cá nhân. Nhu cầu để cộng đồng "biết mình là ai" làm nhiều người bỏ qua một những quy tắc sống còn trên thế giới ảo đó là "bảo mật thông tin cá nhân". Không khó để truy ra ai đó trên Facebook và đã có người gặp rắc rối do những lời nhạy cảm "nói" trên mạng xã hội này.
Số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam tăng nhanh có thể là cơ hội cho các cho các thương hiệu như WeAreSocial đánh giá, nhưng cũng đặt ra vấn đề về an ninh. Khi việc an toàn thông tin liên quan đến hàng chục triệu người thì vấn đề không còn là của cá nhân.
Từ sự an toàn thông tin của người dùng mạng xã hội nghĩ đến sự an toàn thông tin của người dùng di động. Cũng theo số liệu của WeAreSocial, Việt Nam hiện có trên 127 triệu thuê bao di động (số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến cuối tháng 6/2012 là 120,7 triệu), nếu tính trung bình một người đăng ký 2 số thuê bao thì khoảng 2/3 dân số sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Sự tiện lợi của ĐTDĐ đôi khi làm người ta quên các điện thoại này vẫn "gắn" với hạ tầng mạng viễn thông, việc rò rì thông tin hay lần vết có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các thiết bị mạng viễn thông từ thiết bị người dùng đầu cuối đến thiết bị hạ tầng mạng của nhà cung cấp dịch vụ đều có thể bị cài đặt để thu thập thông tin về hoạt động liên lạc và giao dịch qua mạng di động. Chưa kể đến khả năng hạ tầng mạng có thể bị can thiệp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trong khi đó việc kiểm tra phát hiện và ngăn chặn rất khó khăn, do trong quá trình sử dụng, thiết bị có thể bị gài phần mềm gián điệp đồng thời với những cập nhật phần mềm.
Việc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cuối năm vừa qua cảnh báo hoạt động của hai hãng viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE đe dọa đến an ninh của nước này khiến nhiều người "chột dạ" khi biết rất nhiều thiết bị của hai hãng này đang phục vụ hoạt động của đa số các mạng viễn thông di động tại Việt Nam.
Xâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm, ZTE và Huawei cung cấp gần như toàn bộ các thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông, là đối tác chính của hàng loạt các công ty lớn trong ngành viễn thông Việt. Ba nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone đã lắp đặt trên dưới 30.000 trạm BTS khắp toàn quốc (trên tổng số hơn 71.000 trạm BTS tính đến tháng 6/2012), cũng được cung cấp bởi Huawei và ZTE, theo thông tin từ Infonet và VNReview.
Gần 50% trạm BTS trên cả nước sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Trước khi Huawei hay ZTE ồ ạt vào Việt Nam, các nhà mạng viễn thông trong nước trước đây chủ yếu sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng của các tập đoàn thuộc các nước phát triển trong nhóm G7 như Motorola, Siemens, Ericsson… nhưng sau đó, phần lớn thiết bị hạ tầng mạng của các tập đoàn trên nhanh chóng được thay thế bởi thiết bị của Huawei và ZTE do không thể cạnh tranh về giá. Trên trang Infonet, đại diện một nhà mạng lớn tiết lộ, trong "trận chiến" cung cấp thiết bị tại một mạng di động lớn cách đây vài năm, Huawei đã khiến cho giá bán trạm BTS giảm tới hơn 50% so với mức thấp nhất trước đó, và giảm tới gần 10 lần so với mức cao nhất, tạo ra một mức đáy kỷ lục trên thế giới về giá. Với mật độ phủ đủ lớn, trạm BTS có thể dùng để định vị người dùng ĐTDĐ bất kể điện thoại có tính năng GPS (định vị toàn cầu) hay không. Người dùng ĐTDĐ hẳn sẽ không thoải mái khi biết rằng mình nói gì, ở đâu có thể bị “bắt đài”.
Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm USB 3G do các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile bán ra thị trường là của ZTE và Huawei (Theo bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 9/10). Thiết bị viễn thông ZTE và Huawei - với ưu thế vượt trội về giá - đã được các nhà mạng sử dụng nhiều, từ hạ tầng mạng đến thiết bị đầu cuối.
Dù các trang thiết bị viễn thông trước khi nhập về sử dụng đều phải qua kiểm tra chặt chẽ phù hợp với tiêu chuẩn ngành, quy định an ninh quốc gia. Ngoài ra mỗi nhà mạng đều có những cách riêng nhằm "đảm bảo an ninh tuyệt đối". Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng nguy cơ mất an toàn thông tin từ kết nối viễn thông là rất lớn. Dù chưa có những bằng chứng về việc sử dụng thiết bị của Huawei, ZTE ảnh hưởng đến sự an toàn thông tin của khách hàng và an ninh nói chung nhưng việc cảnh giác là không thừa.
Nguyễn Lê, STINFO Số 1&2/2013