SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyện cây bút

Nếu chữ viết là một trong những bước khởi đầu đáng nhớ của nền văn minh loài người thì cây bút chính là công cụ ghi dấu những thành tựu sáng tạo rực rỡ của nền văn minh ấy. 
 

Thuở chưa có máy vi tính với bàn phím, màn hình và các chữ số ảo, chữ viết sẽ vô nghĩa nếu không có… cái dùng để viết. Cây bút xuất hiện như một lẽ tất yếu, từ những vật liệu thô sơ như sậy, tre, lông vũ… dần đến các công nghệ mới ra đời để có bút bi, bút máy rồi “bút thông minh”…Mỗi thời đại, cây bút mang dáng vẻ khác nhau và ngày càng tiện dụng hơn, nhưng những kiểu bút xưa vẫn không hề mất đi sự hấp dẫn vốn có của một công cụ ghi chép mang cá tính và tâm hồn của người sử dụng.

 

Bút sậy (Reed pen)
 

Hơn 3.500 trước, người Sumer, những cư dân cổ xưa nhất tại Lưỡng Hà (thuộc Iraq) đã dùng que khắc hình lên mẩu đất sét dẻo nho nhỏ. Từ ký tự vạch trên đất sét cho đến chiếc bút đầu tiên làm từ cây sậy có thể xem là bước tiến vượt bậc của người Ai Cập. Bút sậy được cắt và vót nhọn từ cây sậy (hoặc cây tre) rỗng ruột, đường kính 1cm, dài 20 - 30 cm. Loại bút sậy tốt nhất do các nghệ nhân Ba Tư khéo léo chế tác, có lõi làm từ ngà voi hoặc kim loại quý. Bút sậy thường viết trên giấy cói hoặc da động vật, riêng loại có lõi kim loại viết được trên bảng gỗ phủ một lớp sáp hoặc sơn.
 

Bút lông (Quill pen)
 

Một thời gian sau, kiểu bút sậy quá cứng nhanh chóng bị thay thế bởi loại bút mới của người Trung Quốc. Đó là bút làm từ lông động vật (hươu, nai, heo…) vót nhọn, chấm vào mực làm từ hỗn hợp bồ hóng và dầu. Người phương Tây thế kỷ thứ VI đến XIX lại chuộng kiểu bút lông vũ hơn, đặc biệt là lông ngỗng bởi cho nét chữ nhỏ, mềm mại và sắc nét. Lông dùng làm bút là của các loài chim lớn (thiên nga, đại bàng, diều hâu, ngỗng…) thay lông mỗi năm, thường lấy lông từ cánh bên trái bởi độ cong phù hợp với đa số người viết thuận tay phải. Lông được vùi vào tro nóng, nước và phèn cho mềm dễ tạo hình. Trục rỗng của lông đóng vai trò ống dẫn mực.
 

Thế kỷ XVII, mỗi năm, hàng triệu lông ngỗng được sử dụng làm bút tại Nga và Ba Lan. Một người đàn ông tên Joseph Brahman đã chế tạo cỗ máy cắt lông ngỗng thành ngòi bút, làm được đến 20 ngòi chỉ với mỗi chiếc lông. Ngòi bút sau đó gắn vào cán gỗ, tiền thân của loại bút chấm mực sau này. Bút lông ngày nay có gắn thêm ngòi để viết được nét thanh, đậm trong thư pháp. 
 

Bút chấm mực (Dip pen)
 

Viết bằng bút lông có vẻ rất thanh thoát, lãng mạn, nhưng lại khó mang đi khắp nơi bởi quá mềm. Vì vậy, người ta cần đến sự kết hợp giữa bút lông mềm mại và bút sậy cứng chắc: một cây bút chấm mực ra đời. Bút chấm mực là tiền thân của bút máy hiện đại với ngòi bằng kim loại có khe dẫn mực, gắn trên cán (bằng gỗ, xương, kim loại, nhựa…). Ngòi thường làm bằng vàng hoặc thép, tháo lắp vào cán dễ dàng.
 

Cây bút chấm mực đầu tiên được làm bởi một người Anh năm 1780, nhưng ngòi bút còn nhiều vấn đề. Mãi đến năm 1831, sau nhiều cải tiến trong thiết kế, bút chấm mực đã trở thành đối thủ đáng gờm của bút lông ngỗng với khoảng 180 triệu ngòi được sản xuất mỗi năm và hơn 400 biến thể của ngòi bút, đa dạng về góc độ và kích cỡ.
 

Nhược điểm của loại bút này là phải chấm mực nhiều lần, mực dễ rơi vãi và đi đâu cũng phải mang lọ mực theo. Nhưng ưu điểm là dùng được các loại: mực tàu, mực vẽ, sơn acrylic,… vốn không sử dụng được trong bút máy vì bị nghẽn mực. Bút chấm mực ngày nay vẫn được dùng trong vẽ truyện tranh, thư pháp.
 

Bút máy (Fountain pen)
 

Năm 1890, phát chán với việc cứ phải kè kè lọ mực bên mình, anh nhân viên môi giới bảo hiểm Lewis Edson Waterman đã tự chế tạo cây bút máy nổi tiếng dựa trên ý tưởng của nhà thư pháp Ai Cập Al Muizz Lideenillah. Ruột bút máy có bầu chứa mực lỏng bằng cao su dẫn mực tới ngòi bút qua ống nhỏ. Bí quyết nằm ở các rãnh không khí trong ống mực. Nhờ hiện tượng mao dẫn, khi viết, không khí thế vào chỗ mực chảy xuống, còn khi không viết, áp suất khí cân bằng với trọng lực giúp mực không chảy xuống.
 

Thép không rỉ là vật liệu chủ đạo làm ngòi bút. Với những cây bút “đẳng cấp” hơn, ngòi được mạ vàng 14k hoặc 18k cho nét chữ mềm mại và tinh tế, hay được làm bằng kim loại platium (Iridium hoặc Rhodium) để chống mòn, có gắn viên bi tròn nhỏ, quyết định hình dạng nét bút (mịn, trung bình, đậm...).
 

Bút bi (Ballpoint pen)
 

Bút máy, dẫu được xem là phát kiến “cách mạng”, vẫn chưa phải hoàn hảo. Nỗi thất vọng vì bút hay hỏng, giấy tờ lem luốc, phải thường xuyên bơm mực… đã trở thành động lực để nhà báo người Hungary Laszlo Biro sáng chế bút bi năm 1938. Bút bi có ống mực đặc, đầu gắn viên bi nhỏ đường kính từ 0,7 – 1mm. Chuyển động lăn tròn của viên bi in mực trên giấy và mực khô rất nhanh. Tính đến nay, bút bi đã có rất nhiều cải tiến về hình dạng, chất lượng và thông dụng trên toàn thế giới. Bút bi còn được gọi là “bút nguyên tử” vì có ý kiến cho rằng, loại bút này phổ biến trong thế chiến thứ hai (1940 – 1945), khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật, ý kiến khác lại cho rằng vì bút này viết nhanh như “nguyên tử”.
 

Bút chì (Pencil)
 

Bút chì lại là một câu chuyện khác. Năm 1564, một người phát hiện ra graphite ở thung lũng Seathwaite gần Kesweak (Anh). Chẳng bao lâu, cây bút chì đầu tiên ra đời ở nơi này. Những cây bút ban đầu làm từ hợp chất chì với thiếc cho nét bút rất nhạt. Công nghệ đột phá năm 1795: nung bột graphite với đất sét ở nhiệt độ cao, bọc bên ngoài bằng lớp vỏ gỗ hình trụ, đã mang về cho nhà hóa học người Pháp Nicolas Conte bằng sáng chế đầu tiên về bút chì. Phương pháp của Conte cho phép gia giảm lượng graphite, tạo ra bút chì có độ cứng, mềm đa dạng, một điều cực kỳ quan trọng với các họa sĩ. Nhiều năm sau, 1879, bằng sáng chế US 594114 của John Lee Love đã tạo ra “người bạn đồng hành” luôn sát cánh với bút chì: cái chuốt bút chì. Ngày nay, bút chì vẫn là một công cụ viết, vẽ hết sức tiện dụng.
 

Bút “thông minh” (Smartpen)
 

Thế kỷ XXI mở ra nhiều tiến bộ trong mọi lĩnh vực đời sống, và cây bút cũng không ngoại lệ. Những cây bút thông minh thế hệ mới còn gọi là “smartpen” không chỉ tiện lợi, linh hoạt mà còn rất đa dụng. Ngoài ghi chép, các “smartpen” còn tích hợp chức năng ghi âm, nghe nhạc, USB, đèn pin, cảm ứng, thậm chí là… dịch thuật.
 

Hiện đại là thế, nhưng vẫn không thiếu người say đắm với những kiểu bút cũ xưa. Bút máy không thể bằng bút tre, bút lông khi cần những trang thư pháp mang thần thái của người viết, cũng không thay được bút chấm mực khi “đi nét” trên truyện tranh. Với những “dân chơi” chuyên sưu tầm bút thì mỗi cây bút là một câu chuyện. Chính những chi tiết rất tỉ mỉ như: đầu bút tròn hay tày, nét bút thô mộc hay bay bướm, mực đen thẫm hay xanh lơ, những rung động tinh tế của từng loại ngòi chạy trên giấy… lại mang đến cho cây bút cái hồn mà những gì quá tân kỳ không dễ có.
 

Vậy mới thấy, cuộc sống cho ta nhiều lựa chọn thú vị, và không nhất thiết, cái hiện đại nhất luôn là cái phù hợp nhất. Đôi khi một buổi chiều cuối tuần nhàn nhã, về nhà tự tay chuẩn bị bữa tối lại ngon miệng hơn so với gọi món ăn thịnh soạn làm sẵn tại nhà hàng. Thư thái, rong ruổi đạp xe dạo quanh thành phố buổi sáng trong nắng ấm hơn ngồi xe hơi tiện lợi nhưng bít bùng. Được gò tay nhấn bút trên trang giấy thơm thơm cũng là một cái thú, bởi email rất nhanh chóng và tiện lợi nhưng sẽ không bao giờ thay thế được nét chữ đong đầy tình cảm trên cánh thiệp viết tay.
 

Đăng Hưng, STINFO Số 12/2012

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả