SpStinet - vwpChiTiet

 

Tư duy và định kiến

 

 

Với mỗi quyết định bạn đưa ra, mỗi phán đoán bạn thực hiện, luôn có một cuộc chiến trong bộ não của bạn.


Hãy thử thí nghiệm sau: tính nhẩm 17 nhân 24 ngay khi đi vào giao lộ đông đúc. Đùa thôi, đừng làm vậy, nguy hiểm. Có thể bạn sẽ làm hỏng bài toán hoặc chiếc xe của mình! Nhưng với phép tính 2 cộng 2 thì bạn có thể làm mà không có bất kỳ vấn đề gì.



Sự khác biệt giữa hai nhiệm vụ này là gì?


Hầu hết mọi người sẽ cho rằng phép tính 2 cộng 2 thì quá dễ còn phép tính kia khó hơn. Nhưng giáo sư Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel năm 2002 về công trình nghiên cứu liên quan đến tư duy (trong lĩnh vực kinh tế), cho rằng sự khác biệt không đơn thuần về độ khó.
 


Cùng với Amos Tversky làm việc tại Đại học Hebrew (Jerusalem) và Đại học Stanford, Kahneman (giảng dạy tại Đại học Princeton, Mỹ) đã đưa ra nhận định có tính cách mạng về việc tồn tại đồng thời hai hệ thống tư duy trong tâm trí con người. Hệ thống 1: tư duy trực giác nhanh nhạy và tự động. Hệ thống 2: tư duy logic, có khả năng phân tích vấn đề và đi đến đáp án hợp lý, nhưng chậm chạp và đòi hỏi nhiều năng lượng.


Theo Kahneman, việc cộng 2 với 2 được thực hiện bằng hệ thống 1, hoàn toàn tự động; còn 17 x 24 được tính toán bằng hệ thống 2 liên quan đến tiến trình sinh lý gây trở ngại cho việc lái xe. Khi dùng đến hệ thống 2 sẽ có điều gì đó xảy ra với cơ thể của bạn. Đồng tử giãn ra, nhịp tim tăng lên, lượng đường huyết tụt xuống. Bạn sẽ dễ cáu kỉnh nếu ai đó hoặc cái gì đó làm gián đoạn sự tập trung của mình. Bạn có thể trở nên tạm thời mất phản ứng với các tín hiệu kich thích như hình ảnh, âm thanh.


Thường thì hệ thống 1 nắm quyền chi phối, đảm đương hiệu quả hàng ngàn quyết định chúng ta thực hiện mỗi ngày. Nó giống như hệ thống dẫn đường tự động ẩn náu bên trong chúng ta, rất nhạy bén, cho phép chúng ta ứng phó ngay lập tức, ví dụ khi thấy nét mặt thù địch thì cơ thể tự động chuyển sang cơ chế phòng vệ. Đó là nhờ những ‘kịch bản’ lưu giữ trong tiềm thức được hoàn thiện qua quá trình tiến hóa. Đây chính là hệ thống mà huyền thoại cờ vua Bobby Fischer sử dụng khi thi đấu hàng chục ván cờ cùng lúc, đi tới lui dọc dãy bàn cờ và nhìn ra ngay bước đi tiếp theo. Ông đã lưu trữ hàng ngàn tổ hợp bước đi trong tâm trí và chỉ việc lấy ra.


Tuy nhiên hệ thống 1 dễ bị đánh lừa, và vấn đề xảy ra khi chúng ta để cho trực giác nhanh nhạy thực hiện những quyết định cần đến lý trí xử lý chậm chạp hơn. Hãy trả lời ngay tức thời câu hỏi sau:


Một con gà và một quả trứng có giá 1,1 đồng, con gà có giá đắt hơn quả trứng 1 đồng, vậy quả trứng giá bao nhiêu?


Bạn đã có câu trả lời? Hãy kiểm tra lại câu hỏi có vẻ dễ dàng trên một lần nữa. Động não một chút. Bạn đã có câu trả lời khác? Hơn phân nửa số sinh viên tại Đại học Harvard, Princeton và MIT tham gia thử nghiệm cho câu trả lời sai (10 xu), ngay cả khi không bị hối thúc. Tại các trường đại học ít danh tiếng hơn, tỷ lệ sai lên đến 80%. Để có câu trả lời đúng (5 xu), cần động não một chút, nhưng hầu hết mọi người không thích ‘mệt đầu’. Yếu tố sinh lý cũng có tác động: nếu trước đó bạn được tâng bốc hay làm việc gì đó vui vẻ thì bạn càng có khả năng đưa ra quyết định sai bởi những hành động có vẻ chẳng liên quan này làm cho bạn cảm thấy tự tin và có xu hướng nghe theo trực giác.


Nói chung, hệ thống 1 phác thảo nhanh hiện thực, dựa trên phác thảo này hệ thống 2 đưa ra những lựa chọn cho là hợp lý. Tuy nhiên hệ thống 2 khá lười. Thay vì phân tích kỹ càng sự việc, hệ thống 2 thường dễ chấp nhận câu chuyện dễ dàng nhưng không đáng tin cậy mà hệ thống 1 cung cấp cho nó. Đặc biệt khi tâm trạng của bạn vui vẻ, hệ thống 2 dường như tê liệt.


WYSIATI – Câu chuyện không đủ


Tversky và Kahneman có một thí nghiệm rất nổi tiếng, gọi là ‘bài toán Linda’:


Lina 31 tuổi, độc thân, thẳng tính và rất thông minh. Cô tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý. Thời sinh viên cô rất quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội và có tham gia các cuộc biểu tình chống hạt nhân. Lựa chọn nào dưới đây có nhiều khả năng đúng với Linda?


(1) Cô là giao dịch viên ngân hàng;


(2) Cô là giao dịch viên ngân hàng và hoạt động tích cực trong phong trào nữ quyền.


85% những người tham gia chọn câu (2), nhưng đáp án lại là câu (1). Xác suất cho 2 sự kiện xảy ra đồng thời luôn nhỏ hơn hoặc bằng xác suất xảy ra của 1 trong 2 sự kiện. Nghĩa là việc Linda là giao dịch viên có nhiều khả năng hơn là việc cô vừa là giao dịch viên vừa tham gia phong trào nữ quyền.

Đây là ví dụ điển hình của “sai lầm liên kết”. Tversky và Kahneman cho rằng người ta chọn câu (2) vì nó có vẻ "đại diện" hoặc “đặc trưng” hơn cho tuýp người giống với mô tả về Linda. Phán đoán dựa trên đại diện này có thể dẫn đến những sai lầm như rập khuôn hay ấn tượng bất di bất dịch và có cái nhìn không chính xác về người khác. Sai lầm này giống như “đường tắt”, đơn giản hóa việc ra quyết định, đỡ tốn công suy nghĩ.


Hai ông đưa ra thuật ngữ WYSIATI viết tắt của "What You See Is All There Is” (gợi nhớ đến thuật ngữ "What You See Is What You Get” trong lĩnh vực máy tính) để chỉ khuynh hướng người ta thường cho rằng những thông tin mà mình hiện có đủ để ra quyết định, tuy nhiên nó chỉ “đủ cho một câu chuyện mà họ tin chứ không phải một câu chuyện đầy đủ”. Khi đã tin vào điều gì đó chúng ta sẽ tin vào các lý lẽ củng cố điều đó, ngay cả khi những lý lẽ đó không có căn cứ.

Chợt nhớ đoạn tản văn sau của Nguyễn Ngọc Tư: “Có lần đi xem mắt một người giúp việc giùm bạn, lúc về mình chỉ nhận xét cụt ngủn, ‘có sơn móng tay’. Bốn chữ đó làm cơ hội làm việc của chị kia vụt tắt. Một người sơn móng tay thì có chịu được lam lũ không, và lam lũ nghèo túng sao lại sơn móng tay, là ý nghĩ bọn mình gặp nhau ở chỗ: sơn móng tay là đặc ân của người nhàn hạ, sao chị ta có thể... Và đôi khi cảm thấy khó khăn khi đối thoại với người có màu son chói, hoặc cổ áo trễ tràng, hoặc giọng nói lanh lảnh cao, hoặc cái cười the thé… mình tự hỏi, cái gì đang ngăn cản, đang che mắt, đang trì níu? …” (Những hạt mầm định kiến).
 

 



PHƯƠNG UYÊN, STINFO Số 12/2014

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả