SpStinet - vwpChiTiet

 

Tản mạn lưu thông trên đường phố Thượng Hải

Những con đường ở Thượng Hải

Đến Thượng Hải vào một buổi trưa tháng tư, trời xám xanh u ám và lất phất mưa bay. Đường từ sân bay quốc tế vào đến quận Xu Hui Qu như thêm vắng, hai bên đường nhiều tòa nhà cao tầng mọc san sát bên nhau.

 

Sáng dậy, hàng cây ngô đồng thẳng tắp, mạnh mẻ vươn cành trắng mốc như bừng dậy sau cơn ngủ mê, bung xanh cành lá vừa mới trơ trụi trưa qua, làm đẹp thêm đường phố Thượng Hải tháng tư mát lạnh. Các tòa nhà cao tầng phố Qinzhou hầu như đều có những công viên nhỏ. Thú vị hơn, ven đường dành cho người đi bộ, cỏ và các loài hoa khoe sắc như loài cây dại nhưng lại không dấu vẻ được chăm sóc, tỉa tót cẩn thận.
 

Đường Thượng Hải rộng thênh thang, nhiều tầng và chia ra nhiều làn. Trong nội ô, ngoài làn dành cho ô tô, có làn dành cho xe hai bánh, làn dành cho người đi bộ và dưới lòng đường có các hàng rào ngăn cách để các phương tiện lưu thông không lấn tuyến. Vỉa hè được lát đá, gạch rộng chừng sáu mét dành cho người đi bộ. Thường bắt gặp xe đạp đi ở làn đường riêng trên các tuyến phố nhỏ, các ngõ hẻm. Tại các nút giao thông, có đường ngầm và cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng chưa nhiều.
 

Phương tiện giao thông công cộng phong phú: xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, tàu hỏa đi trong khu vực Thượng Hải hay đến các địa phương khác của Trung Quốc thật thuận lợi. Hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải đã trở thành một trong những hệ thống vận chuyển phát triển nhanh nhất, là mạng tàu điện ngầm vận tải hành khách dài nhất thế giới: có mười hai đường tàu, 273 nhà ga và hơn 420 km chiều dài đang hoạt động, hàng ngày trung bình có khoảng tám triệu lượt khách. Hệ thống vẫn đang phát triển, nhiều dòng mới và mở rộng đang được xây dựng, kế hoạch đến năm 2020 hệ thống sẽ có 22 đường tàu và dài 877 km.

Hệ thống đường xá ở Thượng Hải (Tháng 4/2012)

 

Thượng Hải nhiều ô tô, xe hai bánh ít, chỉ có xe đạp và xe đạp điện, đa số nhìn cũ kỹ và ít khi nhìn thấy xe gắn máy. Có lẽ người Thượng Hải xem xe chỉ là phương tiện di chuyển chứ không “thể hiện đẳng cấp” của chủ nhân như ở xứ mình!. Vào thăm Trường Đại học Phúc Đán, càng ngạc nhiên hơn, giống như đi lạc vào một khu rừng. Khoảng hơn chín giờ sáng, người vắng, các tòa nhà ẩn trong các tán cổ thụ, chim chóc ríu rít, la liệt hai bên đường nội bộ trong trường toàn là xe đạp thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc xe điện. Xe được để khắp nơi, hoàn toàn không có bãi giữ xe. Được biết rất ít khi xe bị mất cắp, sinh viên của họ hầu hết đi bằng xe đạp hay phương tiện công cộng. 


 

Khách tham quan trong khuôn viên Đại học Phúc Đán,
xe đạp la liệt trong trường (Tháng 4/2012)


Theo lời kể của cô phiên dịch, dân Thượng Hải thường phải mất từ ba mươi phút đến một giờ để di chuyển đến nơi làm việc. Những ngày làm việc trong tuần hầu hết người tham gia giao thông là những người đi làm. Còn học sinh/sinh viên thường học các trường gần nhà hay ở trọ gần hoặc trong ký túc xá của trường. Phương tiện lưu thông được sử dụng thông dụng ở Thượng Hải là tàu điện ngầm, xe buýt, xe ô tô. Người Việt làm việc và học tập tại Thượng Hải không nhiều, hầu hết là lưu học sinh. Phương tiện chính sinh viên Việt Nam thường sử dụng là các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, taxi. Thành phần doanh nhân Việt, nhân viên lãnh sự quán, một số người định cư hoặc lấy chồng người nước ngoài hay người Trung Quốc sống ở Thượng Hải thường đi xe ô tô, nhưng số này không nhiều.

Giữ gìn trật tự đường phố


Tại mỗi ngã tư của đường phố Thượng Hải đều đặt camera theo dõi các phương tiện tham gia giao thông (còn gọi là cảnh sát điện tử). Các camera này quay ở nhiều góc độ và gửi thông tin hình ảnh về phòng quản lý giao thông của từng khu vực. Tại đây, qua thông tin nhận được, cảnh sát giám sát được tình hình giao thông mà không cần phải “xuống đường” như cảnh sát giao thông ở ta. Thông tin về vị trí đặt các camera này được công bố trên website thông tin an toàn giao thông của TP. Thượng Hải.
 

Những lúc tan tầm, trên đường quá đông nhưng chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ có người điều tiết lưu thông, họ là những nhân viên giữ an ninh và điều tiết giao thông thường trực ở từng khu vực (những người này mặc quần áo màu xanh bên ngoài khoác áo phản quang giống như công nhân vệ sinh và cầm cờ đứng ở các ngã tư) chứ không phải là cảnh sát giao thông, họ không có quyền xử lý các vi phạm giao thông. Khi có vi phạm như đỗ xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường v.v…, thông qua “theo dõi” từ camera phòng quản lý giao thông sẽ phát hiện những vi phạm và phái cảnh sát giao thông đến tận nơi ngay lập tức để giải quyết nhanh chóng, và người vi phạm phải nhận biên bản nộp phạt, hoặc đơn giản hơn là kẹp vào xe của họ nếu người vi phạm không có mặt tại đó (ví dụ đậu xe sai vị trí).
 

 

Xe dạp trên phố về đêm ở Thượng Hải (Tháng 4/2012)

 

Tất cả các thông tin vi phạm giao thông của mỗi một biển số xe đều được cập nhật thường xuyên vào tài khoản (account) biển số, chủ nhân của các biển số xe có thể tra cứu thông tin vi phạm để nộp phạt đúng lịch. Nếu như đến hạn chót mà người vi phạm không nộp đủ tất cả các khoản tiền phạt, phòng quản lý giao thông sẽ thông báo cho cảnh sát giao thông phụ trách khu vực cấm chiếc xe đó tham gia giao thông.
 

Tổ chức giám sát giao thông như vậy nên cảnh sát giao thông của họ không “có cửa” để “làm luật”.
 

Sắm xe ở Thượng Hải
 

Thượng Hải có lượng xe con vào hàng “khủng”, hơn bảy triệu chiếc, bình quân cứ ba người có một xe. Ở Trung Quốc, xe biển màu xanh là của tư nhân, biển trắng là của Nhà nước, biển vàng là xe du lịch… Xe tỉnh nào thì tên tỉnh đó ghi bên trái biển. Xe của Thượng Hải hưởng nhiều ưu tiên hơn.
 

Khi muốn sử dụng các phương tiện giao thông (trừ xe đạp) như xe đạp điện, xe máy, ô tô, người sử dụng đều phải đăng ký để có biển số. Thông tin của mỗi biển xe đều được nhập vào kho dữ liệu của cảnh sát giao thông và được sử dụng như một account để quản lý và xử lý các vi phạm giao thông của chủ sở hữu.
 

Có tiền mua xe đã là vấn đề, với người dân Thượng Hải, số tiền bỏ ra để có được biển số xe là vấn đề cũng không nhỏ tí nào, thậm chí còn đắt hơn giá thành của một chiếc ôtô con. Biển số xe được mua bán, đấu giá. Giá của một biển số xe có thể gấp đôi thu nhập hàng năm trên đầu người tại Thượng Hải và đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2002 khi chính quyền Thượng Hải quyết định tổ chức bán đấu giá biển số xe ôtô hàng tháng, nhằm giảm thiểu lưu lượng xe tham gia giao thông trên đường phố đông đúc của Thượng Hải. Chủ xe có khi phải phải bỏ ra trên 45 ngàn nhân dân tệ để sở hữu một biển số xe trong các cuộc bán đấu giá.
 

Ngày 22/9 hàng năm "Ngày thế giới không sử dụng ôtô", Thượng Hải là thành phố đã hưởng ứng ngày này hàng năm, bắt đầu từ năm 2007. Trong ngày này, người dân thành phố sẽ không sử dụng ôtô cá nhân mà đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng. Đây là một trong các hoạt động nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông và tham gia bảo vệ môi trường. Riêng các quan chức ngành giao thông của Thượng Hải đã thể hiện quyết tâm cải thiện tình trạng giao thông bằng vihưởng ứng phong trào này một cách sâu rộng là sẽ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vào ngày 22 của mỗi tháng.
 


Góc phố Thượng Hải (Tháng 4/2012)
 

Phương Lan, STINFO Số 1&2/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả