SpStinet - vwpChiTiet

 

May mắn

 

Một số người dường như xuất hiện đúng nơi, đúng lúc hơn những người khác. Họ có “gen” may mắn hay đó chỉ là tình cờ?


Mọi việc trên thế gian này xảy ra một cách ngẫu nhiên, tình cờ hay có sự sắp đặt nào đó? Câu hỏi này thường liên quan đến một câu hỏi khác: có cái gọi là may mắn? Mọi người đều muốn may mắn nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó. Trong nhiều năm bạn mơ ước làm một cái gì đó thật đặc biệt nhưng do tài chính eo hẹp hay vấn đề gì đó nên không thực hiện được, rồi tình cờ lại có được cơ hội thực hiện. Bạn cần thông tin quan trọng nào đó, nhưng không biết tìm cách nào và ở đâu, sau đó đột nhiên thông tin tự đến. Một cuộc gặp gỡ tình cờ mở ra cơ hội nghề nghiệp hoặc làm ăn, … Cuộc sống đầy những sự tình cờ không thể lý giải như vậy, đó có phải trùng hợp ngẫu nhiên? Mọi người vui mừng khi vận may đến và nhiều người bí mật cầu nguyện cho gặp may nhiều hơn.


May mắn trong khoa học


Bạn có biết điểm chung của Teflon (chất chống dính), Velcro (khóa dán), nylon, x quang, penicillin (kháng sinh), polyethylene, World Wide Web và…danh sách này còn dài? Tất cả đều liên quan đến những phát hiện tình cờ được thực hiện bởi các nhà khoa học tò mò tìm kiếm những “thứ khác”. Thay vì bỏ qua những phát hiện, các nhà khoa học “cởi mở” đã chộp lấy vận may của mình. Và cũng nhờ sự tình cờ, chúng ta có được những kiến thức khoa học như định luật hấp dẫn của Newton, thuyết Big Bang của vũ trụ và khám phá ra cấu trúc ADN. Ngay phiến đá Rosetta (tấm bia khắc sắc lệnh ban hành năm 196 TCN nhân danh nhà vua Ai Cập cổ đại Ptolemy V), bản viết tay Do thái cổ xưa nhất (Dead Sea Scrolls, 250-68 TCN) và những tàn tích của Pompeii (một thành phố La Mã) cũng được đưa ra ánh sáng nhờ… tình cờ.


Thuyết tiến hóa hay chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin có thể xem là ví dụ điển hình của sự tình cờ may mắn. Nếu ông không bỏ trường y, tình cờ được giới thiệu tham gia chuyến thám hiểm trên con tàu MHS Beagle, có cơ hội tham khảo ý kiến John Gould, nhà nghiên cứu chim hàng đầu tại Bảo tàng Anh, và tình cờ đọc khảo luận về nguyên tắc Dân số  của  Thomas  Malthus  

để giải trí (theo lời Darwin) thì có lẽ sẽ không có tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc của muôn loài.

Không ít giải Nobel khoa học có được nhờ… may mắn. Ví dụ, một nhà khoa học người Hàn Quốc thực tập tại phòng thí nghiệm của TS. Hideki Shirakawa (Nhật Bản) hiểu nhầm ý ông, thêm chất xúc tác quá mức đến 1.000 lần cho phản ứng hóa học liên kết các phân tử axetylen. Kết quả tạo nên hợp chất có độ siêu dẫn cao hơn cả triệu lần (Shirakawa sau đó có bổ sung thêm i-ốt hình thành nên hợp chất). Hideki Shirakawa và nhóm nghiên cứu của mình đã giành giải thưởng Nobel cao quý năm 1976, nhiều câu chuyện thành công tương tự mang ơn… sự may mắn.


Tại một hội thảo do NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) tổ chức mới đây, các nhà khoa học cho rằng con người cần có những công cụ để phát hiện sự sống ngoài Trái đất, tuy nhiên việc có tìm thấy hay không phụ thuộc rất nhiều vào may mắn (theo space.com).

 


Khoa học về may mắn


Cái mà chúng ta gọi là may mắn, các nhà khoa học gọi là sự tình cờ (hay cơ hội?). Một trong những lý do nhiều người nghi ngờ khả năng của vận may là vì niềm tin của họ về một thế giới chi phối bởi sự tình cờ. Có phải khoa học dạy chúng ta rằng thế giới bị chi phối bởi các định luật và những việc xảy ra tình cờ không thể đoán trước hoặc các trạng thái có vẻ như hỗn loạn (có sự ngẫu nhiên trong các hệ thống hỗn loạn)? Khoa học nghiên cứu các yếu tố hoặc các nguyên nhân cho mỗi sự kiện. Mỗi khi không thể tìm thấy nguyên nhân hay dự đoán được kết quả từ những nguyên nhân đã xác định, người ta gán cho kết quả đó sự tình cờ hoặc chấp nhận "mọi thứ đều có liên quan với nhau" (lý thuyết hỗn loạn). Triết gia khoa học Karl Popper cho rằng không thể chứng minh sự tồn tại của sự tình cờ một cách khoa học. Khi đề cập đến sự tình cờ, điều mà các nhà khoa học thực sự muốn nói là họ không biết những quy luật chi phối hoặc các điều kiện hoạt động của các quy luật đó. Vì vậy, thực ra nhận thức của chúng ta về sự tình cờ phản ánh sự thiếu tri thức.


Giống như các nhà khoa học, nhiều người tin rằng sự tình cờ đóng vai trò lớn trong kết quả của cuộc sống cá nhân. Một cơ hội gặp gỡ với người quen cũ hoặc hoàn toàn xa lạ, một bài báo thú vị đọc được, một thông tin quý giá nghe được, và vô số các sự kiện khác tình cờ xuất hiện không có nguyên do rõ ràng. Nếu kết quả thuận lợi, chúng ta cho rằng gặp may. Ngược lại, chúng ta cho rằng bị vận rủi. Ở đây, liệu có mối quan hệ nhân - quả?

Bí quyết tăng vận may
 


Chúng ta thường nói may mắn khi một cái gì đó tốt đột nhiên được hiện thực hóa, mà quên rằng đã từng khao khát mãnh liệt cho kết quả này. Kết luận này được củng cố bởi công trình nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học người Anh Richard Wiseman. Nghiên cứu hiện tượng may mắn trong hơn tám năm, Wiseman phát hiện ra rằng người ta thực sự có thể làm tăng vận may của mình bằng nỗ lực có ý thức. Không có gì ngạc nhiên, yếu tố quan trọng nhất mà ông xác định đó là cái nhìn tích cực đối với cuộc sống.


Trong cuốn sách “The Luck Factor: The Scientific Study of the Lucky Mind”, TS. Wiseman mô tả thí nghiệm với một nhóm những người tự coi mình là may mắn hay không may. Một phần của cuộc thử nghiệm, từng người tham gia được mời đến gặp Wiseman tại một quán rượu, cạnh cửa vào có đặt tờ năm đô la, luôn ở cùng một chỗ. Kết quả thật ấn tượng, những người khẳng định ‘số mình may’, nhặt được tờ tiền, còn những người cho rằng mình không may thậm chí còn không nhận thấy tờ tiền.

Thí nghiệm này cùng với nhiều thí nghiệm khác, đưa Wiseman đến kết luận rằng cách chúng ta nhìn đời ảnh hưởng đến những gì chúng ta nhận được. Nói cách khác, nếu chúng ta tin rằng sẽ gặp gỡ những người thú vị, thì có nhiều cơ hội tìm gặp được. Điều tương tự xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng thế giới đầy những người không trung thực.


Từ công trình nghiên cứu của mình, TS. Wiseman tin rằng chúng ta có thể học cách để cải thiện vận may của mình, dựa trên bốn bí quyết.


Quan trọng nhất, bí quyết đầu tiên là luôn để ý đến cơ hội may mắn, tạo ra cơ hội và hành động hướng đến nó.


Bí quyết thứ hai là quyết định dựa trên trực giác và linh cảm. Người may mắn biết lắng nghe trực giác và luôn tìm cách cải thiện nó.


Bí quyết thứ ba: kỳ vọng về tương lai tốt đẹp, điều này giúp những người may mắn đạt được ước mơ và tham vọng của mình. Nghĩ rằng vận may của mình sẽ được duy trì trong tương lai, họ kiên trì theo đuổi mục tiêu ngay cả khi thất bại.


Bí quyết thứ tư: thấy cái may trong cái rủi, biến nó thành cơ hội và thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình huống như vậy xảy ra trong tương lai.


Bạn sẽ luôn gặp may nếu luôn tự thấy mình may mắn!

PHƯƠNG UYÊN, STINFO Số 10/2014

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả