Lần theo con đường pháp lý ngoằn ngoèo của sáng chế để quan sát cuộc chiến trên thương trường.
Ý tưởng thông báo cho người dùng điện thoại di động tin nhắn gửi đến bằng cách hiển thị một biểu tượng trên màn hình là của kỹ sư Takeshi Tomimori làm việc tại Mitsubishi Electric trụ sở ở Tokyo (Nhật). Trong hồ sơ sáng chế đăng ký năm 1999, ông đã mô tả các chi tiết cái mà các luật sư của Mitsubishi gọi là "công cụ truyền thông di động báo cho người dùng biết sự hiện diện thông tin đang chờ một cách hiệu quả". Ba năm ba tháng sau đó, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), trao cho Tomimori và hãng Mitsubishi bằng sáng chế số 6.456.841 về công cụ truyền thông di động nêu trên, dưới đây gọi ngắn gọn là Icon (biểu tượng).
Icon đã có một cuộc sống rất bình lặng trong 9 năm, cũng dễ hiểu vì điện thoại di động (ĐTDĐ) thời đó chưa phổ biến như hiện nay.
Đến năm 2011 các công ty liên quan trong các ngành công nghiệp công nghệ di động đột nhiên quan tâm đến sáng chế này.
Năm đó, cuộc chiến bằng sáng chế điện thoại thông minh (smartphone) đã trở nên nóng hầm hập, Apple đã kiện Samsung Electronics vi phạm sáng chế và nhãn hiệu liên quan đến smartphone, rồi Samsung kiện ngược lại. Apple và Motorola Mobility xảy ra cuộc chiến pháp lý tương tự; sau khi Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, cuộc chiến trở thành trận đấu giữa Apple và Google. Và khi Google nhăm nhe mua lại hơn 6.000 sáng chế viễn thông di động của Nortel Networks, một liên minh gồm Apple, EMC, Ericsson, Microsoft, Research In Motion (RIM) và Sony buộc phải chi ra 4,5 tỷ USD để giữ cho tài sản trí tuệ này không rơi vào tay Google.
Trong bối cảnh đầy kiện tụng, ngày 4/3/2011 Apple đã lặng lẽ mua lại Icon và 11 bằng sáng chế khác của Mitsubishi. Chỉ năm tháng sau, Apple chuyển cả chục bằng sáng chế đó cho CliffIsland, một công ty vỏ bọc của Digitude Innovations. Trụ sở chính đặt tại Alexandria, bang Virginia (Mỹ), Digitude tự giới thiệu là công ty chuyên mua lại và cấp phép sử dụng sáng chế. Tuy nhiên, một số chuyên gia sở hữu trí tuệ gọi công ty này là "ma cô sáng chế", cụm từ này có vẻ hợp với hoạt động của nó. Digitude được thành lập vào đầu năm 2010 chủ yếu từ khoản đầu tư 50 triệu đô la của Altitude Capital Partners, một công ty sở hữu trí tuệ tư nhân trụ sở đặt tại thành phố New York (Mỹ). Tháng 11/2011, Icon và một sáng chế khác của Mitsubishi (số hiệu 6.208.879) chính thức được chuyển từ CliffIsland sang Digitude.
Cuối cùng, vào tháng 12/2011, mục tiêu mua sáng chế của Digitude lộ diện: công ty này đã nộp đơn kiện 9 công ty tại Tòa án quận Delaware về việc xâm phạm bốn sáng chế: liên quan đến ĐTDĐ (gồm Icon và 6.208.879) từ Mitsubishi và hai sáng chế khác từ Adaptec không có liên quan rõ ràng đến ĐTDĐ (số 5.929.655 và 5.926.636). | |
Các sản phẩm mà Digitude tuyên bố đã xâm phạm sở hữu trí tuệ gồm Kindle Fire của Amazon, EVO Design 4G của HTC, Revolution VS910 và Optimus V của LG Electronics; Droid Razr và Droid 3 của Motorola Mobility, Nokia Lumia 710; Breakout của Pantech Wireless; BlackBerry Bold 9930 và Curve 8530 của Research in Motion; Galaxy SII Epic 4G Touch và Focus của Samsung; và Xperia Play, Xperia Play 3G và X8 Black 3G của Sony Ericsson. Một danh sách khá dài nhưng đáng chú ý là vắng mặt Apple.
Đồng thời Digitude còn nộp đơn khiếu nại vi phạm bốn sáng chế trên đến Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Các chuyên gia về sáng chế nói ITC đang ngày càng bị lợi dụng theo kiểu này: bên nộp hồ sơ kiện vi phạm cố gắng làm rùm beng bằng cách đồng thời nộp đơn khiếu nại. "Khẩu súng hai nòng" này gây áp lực để các công ty bị kiện đàm phán chứ không phải để đấu đá trên hai mặt trận - tòa án và ITC.
Các công ty có tên trong đơn khiếu nại của Digitude cũng chính là các công ty trong vụ kiện: Amazon, HTC, LG, Motorola Mobility, Nokia, Research in Motion, Samsung và Sony Ericsson. Trong danh sách không có Pantech và Apple (Digitude sau đó sửa đơn khiếu nại bổ sung thêm Pantech). Trong đơn khiếu nại gửi ITC, Digitude yêu cầu lệnh cấm nhập khẩu các thiết bị vi phạm vào Mỹ. ITC thường ra quyết định nhanh hơn tòa án.
Tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường kéo dài nhiều năm, nhưng trường hợp này lại được giải quyết một cách nhanh chóng. Digitude rút đơn kiện vào tháng 5/2012 và đơn khiếu nại ITC tháng sau. Nguyên do, họ đã bán được 4 bằng sáng chế trên cùng với hơn 500 bằng sáng chế khác cho công ty RPX với giá 45,8 triệu USD. RPX chuyên thu thập sáng chế để phòng thủ, nghĩa là mua các bằng sáng chế để khỏi rơi vào tay của các tổ chức "ma cô sáng chế" và bảo vệ khách hàng của mình, bao gồm HTC, LG, Pantech, Samsung, Sony và các công ty điện tử tên tuổi khác. RPX không tiết lộ tên tất cả khách hàng của mình.
Theo hồ sơ RPX nộp Ủy ban chứng khoán và Hối đoái Mỹ vào tháng 8/2012, công ty này và 11 của khách hàng đã đạt được thỏa thuận vào tháng 3 năm đó với Digitude. Trong một tuyên bố bằng văn bản, RPX ghi: "Thỏa thuận này đem lại tiết kiệm ngay lập tức cho mạng lưới khách hàng của chúng tôi bằng cách loại bỏ một danh mục đầu tư bằng sáng chế quan trọng và hạn chế hoạt động trong tương lai của thực thể không sử dụng (NBE). NPE (non-practicing entity) là thuật ngữ trong ngành dùng để chỉ các tổ chức "ma cô sáng chế".
Nói cách khác, RPX đã tước vũ khí của đối thủ và bây giờ tha hồ sử dụng đạn dược. Đó là một cuộc mua bán tốt đẹp, đáng giá. Phương pháp của RPX tỏ ra hiệu quả. Nhiều công ty thành viên của RPX mỗi năm dành cả tỷ USD hoặc nhiều hơn cho R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) và cả trăm triệu USD hoặc hơn cho chi phí pháp lý và kiện tụng. Với phí 5 triệu USD tham gia RPX, các thành viên có được vị thế tốt hơn để giảm thiểu những rủi ro từ NPE, và điều tốt hơn hết đó là có thể chia sẻ chi phí cho cuộc chiến này.
Và thế là giờ đây Icon - bằng sáng chế số 6.456.841 - cư trú tại RPX, nhưng đến lúc nào đó có thể nó lại "lên đường". Nhiều khả năng thương vụ trên yêu cầu RPX phải giữ bằng sáng chế một thời gian nhất định, sau đó 11 công ty có tên trong thỏa thuận có thể có quyền mua bất cứ bằng sáng chế nào mà họ muốn. Rất có thể các bằng sáng chế sẽ kết thúc trong tay của một thành viên RPX.
Dù sao đây cũng là câu chuyện "có hậu". Rất ít bằng sáng chế trải qua hành trình gian nan nhưng thú vị như vậy. Sáng chế được sinh ra, đơn được nộp, bằng được trao, và không ai trừ nhà sáng chế biết. Rồi 20 năm sau bằng sáng chế "chết" lặng lẽ. Có đến 97 phần trăm bằng sáng chế không được đoái hoài, và cuộc đời của hầu hết các bằng sáng chế là vô vị.
Nguyễn Lê (Theo IEEE Spectrum), STINFO số 7/2013