Một sáng chế không động cơ, không cần điện, nhưng có thể cứu sống hàng chục triệu sinh mạng mỗi năm.
Nếu làm chết người nhiều nhất ở các nước phát triển chính là ô tô, kế đến là bệnh tật do lối sống buông thả, thì ở các nước thuộc thế giới thứ ba, hàng triệu người chết mỗi năm chỉ vì không đủ nước sạch để uống.
Khan hiếm nước là vấn nạn phức tạp, nhưng thật ngạc nhiên, công nghệ khắc phục nó có thể rất đơn giản! Dài khoảng 30 cm, đường kính 3 mm, nặng chưa đến 50 gram; ống lọc nước cầm tay LifeStraw đang mang đến sự sống cho hơn một tỷ người hàng ngày mỏi mòn chờ nước sạch. Với họ, “LifeStraw” cũng đồng nghĩa với khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Lifestraw: lọc nước đơn giản, tiện dụng, hiệu quả
Nhận giải thưởng “Sáng chế của năm” do tạp chí Time bình chọn năm 2005 và giải thưởng danh dự cho “ý tưởng thay đổi thế giới” của Saatchi & Saatchi năm 2008, LifeStraw được đánh giá là sản phẩm mang tính cách mạng bởi thiết kế đơn giản nhưng cực kỳ hữu dụng. Dẫn lời Bob Isherwood, giám đốc sáng tạo toàn cẩu của Saatchi & Saatchi: “để giành giải thưởng này, LifeStraw đã phải vượt qua hàng loạt ý tưởng độc đáo và không kém phần hữu ích như: máy in 3D in da và xương, giao diện não-máy tính, máy tính xách tay cho trẻ em…”.
LifeStraw là ống hút lọc nước hình trụ tương tự một điếu xì gà, một đầu có nắp đậy, có dây đeo để tiện mang theo người, sử dụng nguyên tắc lọc nước vật lý đơn thuần, hoàn toàn không dùng hóa chất. Bên trong ống trụ có 7 lớp lọc bao gồm các màng lọc có khe hở từ lớn đến nhỏ, làm từ loại nhựa halogen đặc biệt; lớp than hoạt tính và lớp i ốt hoạt tính:
• Màng lọc loại bỏ dần các hạt có kích thước đến 2 micron (kích thước hạt bụi thông thường từ 2,5-70 micron).
• Nhựa halogen có tính năng sát khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn và virus khi tiếp xúc với chúng.
• Than hoạt tính và I ốt hấp phụ các chất cặn bã còn lại, cải thiện mùi vị nước.
Theo đánh giá hiệu quả kháng khuẩn của EPA (Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ), LifeStraw loại bỏ 99,999% vi khuẩn và 98,2% lượng ký sinh trùng trong nước, bao gồm những ký sinh trùng phổ biến gây đau bụng, tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột như trùng roi Giardia, trùng Cryptosporidium… Độ đục nước giảm đến 99,6%.
Cần lưu ý, mặc dù LifeStraw có thể lọc được phù sa, vi khuẩn và ký sinh trùng từ nước uống nhưng không thể loại bỏ các hóa chất nặng. Do đó không nên dùng LifeStraw để uống nước có nguy cơ nhiễm độc, chẳng hạn thạch tín. Chỉ cần nhúng ống Lifestraw vào nước và hút nước tinh khiết lên. Muốn làm sạch thì thổi vào ống để đẩy cặn vướng trên màng lọc ra ngoài. Tất cả mọi người (kể cả trẻ em từ 3 tuổi trở lên) có khả năng hút đều dễ dàng sử dụng. Tuy gọn nhẹ nhưng ống LifeStraw cầm tay có thể lọc từ 700 – 1.000 lít, đủ cho một ngư. Dễ sử dụng và phân phối cho một lượng lớn người sử dụng ngay lập tức, LifeStraw đang được Tổ chức Y tế Thế giới phát miễn phí hàng loạt tại các khu vực ô nhiễm nặng. Không dùng điện và | |
không cần phụ tùng thay thế nên thiết bị này đặc biệt thích hợp với khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. ời dùng cả năm.
Hiện nay, LifeStraw có thêm phiên bản thứ hai kích thước lớn hơn (Lifestraw family) với tính năng tương tự dùng trong gia đình. Lifestraw family gồm ống lọc đi kèm với một bình chứa nước màu xanh lớn, tốc độ dòng chảy cao hơn (mỗi lít chưa đến 8 phút), lọc được khoảng 18.000 lít nước trong vòng đời, đủ cho một gia đình 5 người sử dụng trong 3 năm.
Những con người “hàm ơn” Lifestraw
Ý tưởng ban đầu về LifeStraw ra đời năm 1997 là của một người Thụy Sĩ, ông Torben Vestergaard Frandsen, với mong muốn giảm bớt phần nào dịch bệnh đang bùng phát tại Ai Cập do người dân phải uống nước bẩn.
Sau nhiều cải tiến trong hình thức và cấu trúc, công ty Vestergaard Frandsen của Torben hợp tác với trung tâm Carter Rob Fleuren (Hà Lan) và Moshe Fommer (Israel) để sản xuất LifeStraw. Những nguyên mẫu đầu tiên của thiết bị lọc được tung ra năm 2005, sau trận động đất kinh hoàng tàn phá Kashmir khiến hơn 3 triệu người dân bỗng chốc vô gia cư. LifeStraw giúp hàng ngàn người sống sót cầm cự qua cơn hoảng loạn và đói khát. Theo lời một nhân viên cứu trợ, nếu không có LifeStraw, hẳn người dân đã “lao vào đấm đá lẫn nhau vì nước ngọt”.
Từ đó như một tiền lệ, phiên bản cá nhân của bộ lọc được các Hội chữ thập đỏ cung cấp miễn phí trong hầu hết các thảm họa tự nhiên: động đất năm 2010 ở Haiti, lũ lụt tại Pakistan năm 2010, trận lụt tại Thái Lan năm 2011…
Bên cạnh bộ lọc cá nhân, phiên bản LifeStraw Family trở thành “xương sống” trong chương trình ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tại các quốc gia Châu Phi. Huyện Mutomo (Kenya) trước đây phải đối mặt với vấn nạn thiếu nước liên tục nhiều năm. Hạn hán kéo dài, nguồn nước chính từ đập và dòng sông lại không ổn định. Người dân địa phương thường xuyên phải uống thứ nước đã chuyển sang màu xanh của tảo gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ngày nay, cư dân Mutomo có thể thở phào nhẹ nhõm với bộ lọc nước di động LifeStraw được Hội Chữ thập đỏ Kenya cung cấp. Hơn 3.750 trẻ em được phát bộ lọc cá nhân và 6.750 hộ gia đình đang sử dụng loại lớn hơn.
Trong khi các tổ chức từ thiện được nhà sản xuất phân phối LifeStraw với giá “hữu nghị” 6 USD thì trên thị trường, LifeStraw cá nhân cũng rất được dân du lịch bụi ưa chuộng, 24 USD cho một sản phẩm gọn, nhẹ và hữu ích để giải quyết vấn đề nước uống khẩn cấp trên đường đi không phải là quá đắt. Tại Việt Nam, có thể đặt mua LifeStraw qua mạng với giá chừng 500 ngàn.
Từ thiện hay tiếp thị?
Trong khi một số người ca ngợi LifeStraw như câu trả lời cho tình trạng khủng hoảng nước thì những người khác lại cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời:
Thứ nhất, tuy nghiên cứu của UNICEF cho thấy lọc nước là cách hiệu quả nhất ngừa bệnh tiêu chảy nhưng thông tin này khiến nhiều tổ chức cứu trợ quá tập trung vào các công nghệ xử lý nước “tại chỗ” như LifeStraw mà bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ, người dùng LifeStraw phiên bản cá nhân có khuynh hướng không đun sôi nước trước khi uống, về lâu dài hình thành thói quen không có lợi cho sức khỏe.
Thứ hai là ý kiến nêu ra bởi Paul Hetherington của tờ Daily Star Sunday: “vấn đề là có rất nhiều người sống xa nguồn nước”. Họ sẽ phải băng qua 20 km hoặc hơn những con đường dài mênh mông toàn cát và đá. Trong trường hợp này, có LifeStraw cũng không cải thiện được gì.
Cuối cùng, nhiều người nhận định, thực tế nhà sản xuất thu lợi một cách rất khôn khéo trên danh nghĩa từ thiện. Chẳng hạn quảng bá LifeStraw như một công nghệ xanh ít tiêu hao năng lượng (không cần đun sôi, không dùng điện), từ đó bán “tín chỉ carbon” của LifeStraw cho những người muốn chuyển tiền vào các dự án làm giảm khí thải. Việc cung cấp LifeStraw giá rẻ cho các tổ chức y tế cũng là một động thái tiếp thị thông minh của Vestergaard Frandsen. Bằng cách đặt LifeStraws miễn phí ở từng hộ gia đình Kenya, một ngày nào đó (có thể sau 3 năm, khi hết hạn sử dụng), thiết bị này chắc chắn cần được mua mới.
Xét cho cùng, cần thêm nhiều thời gian nếu muốn làm sáng tỏ những định kiến xung quanh LifeStraw. Nhưng chúng ta phải thừa nhận, LifeStraw không chỉ như một sáng chế lọc nước hữu dụng mà còn là thông điệp gởi đến những con người đang thiếu nước sạch: “bạn không đơn độc”!
Đăng Hưng, STINFO Số 8/2013