SpStinet - vwpChiTiet

 

Việc làm xanh cho cuộc sống yên lành

 

Rời thành phố về các vùng quê yên ả, đắm mình giữa dòng nước trong xanh, hay đi trên bờ đê lộng gió trong lành; hoặc ngược lên miền cao, thích thú với cái lạnh nhẹ nhàng mơn man trong không gian trong trẻo vùng cao nguyên; rồi xuôi về những cánh rừng Miền Đông Nam Bộ với đa dạng sắc màu,…Đến ước ao có phép mầu mang tất cả những không gian tinh khôi ấy về phố... Và mấy ai chợt nghĩ Thành phố mình ngày xa xưa cũng đã từng vô cùng trong lành như thế?

Người ngày càng đông, cuộc sống phát triển với quá nhiều nhu cầu nên phải gia tăng sản xuất, cộng với sự tiến triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã làm các loại tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, toàn cầu đối mặt những thảm họa môi trường. Đó là biến đổi khí hậu, bão lụt, sóng thần, hạn hán; là ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất dẫn đến thiếu nước, thiếu lương thực; là di cư do biến đổi khí hậu, không nơi ở do lũ lụt, mất đa dạng sinh thái,...Các sự kiện động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukusima ở Nhật năm 2011 làm chết và mất tích hơn 20.000 người; lạnh giá ở châu Âu đầu năm 2012 làm chết hàng trăm người; nắng nóng đến gần 50oC làm hơn 2.000 người chết ở Ấn Độ hè2015! Và, mưa lũ những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay đã làm chết 34 người tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta… Lời cảnh báo mạnh mẽ của thiên nhiên buộc chúng ta phải có những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững là hướng đi để có thể giảm thiểu thiên tai. Xây dựng được một nền kinh tế xanh và sạch bền vững để tạo nhiều việc làm đồng thời với tăng năng suất, tăng thu nhập, giảm nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội, tiến đến cuộc sống đầy đủ, yên bình đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược của mọi quốc gia. Một trong những việc góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược này đang được nhiều nước quan tâm là phát triển việc làm xanh.


Thuật ngữ việc làm xanh còn khá mới mẻ. Theo tài liệu “Green Jobs: Towards decent work in a sustainable, low-carbon world”, của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Giới chủ Quốc tế (IOE), Liên minh Công đoàn Quốc tế (ITUC), thì việc làm xanh là những việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý đóng góp vào bảo vệ và gìn giữ chất lượng môi trường…đảm bảo xã hội phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và bình đẳng cho mọi người. Với ý nghĩa đó, phạm vi của việc làm xanh rất rộng, từ việc giảm tiêu hao năng lượng và nguyên nhiên vật liệu, giảm rác thải, giảm ô nhiễm không khí-đất và nguồn nước trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến những việc làm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, những việc làm trong các ngành góp phần bảo vệ sự đa dạng của sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.



Việc làm xanh được chia thành bốn nhóm cơ bản, gồm: xanh hóa việc làm hiện tại; việc làm trong các ngành chế tạo thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; phát triển những ngành nghề mới xanh hóa (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ rừng…); những việc làm để giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.


Để môi trường sống xanh hơn là trách nhiệm của mọi người, và ai cũng có thể có việc làm xanh, từ nhà quản lý, thiết kế, quy hoạch, nhà khoa học, giảng viên cho đến doanh nhân, công nhân lành nghề, nông dân hay lao động phổ thông. Tuy nhiên, ý tưởng tốt đẹp từ việc làm xanh hiện còn rất nhiều rào cản để đi vào cuộc sống. Bởi có nhiều cách hiểu khác nhau về việc làm xanh, cũng như không dễ dàng thay đổi cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khuôn khổ thể chế và nguồn nhân lực phù hợp với việc làm xanh. Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển ngày càng mở rộng các hoạt động nhằm tạo việc làm xanh như là giải pháp quan trọng để xanh hóa môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nước tùy vào điều kiện và mục tiêu phát triển đã có những cách làm sinh động gắn liền với thực tiễn.


Vương Quốc Anh tiếp giáp với biển Bắc, biển Ireland, Đại Tây Dương và eo biển Manche hướng đến thủy triều, sóng và gió biển. Xứ sở sương mù nối liền biển khơi này phát triển việc làm xanh qua sự gia tăng khai thác năng lượng từ gió, thủy triều và sóng biển. Hiệp hội Năng lượng biển và gió Anh Quốc (British Wind and Marine Energy Association) thỏa thuận với lãnh đạo các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng đưa ra hiệp ước huấn luyện kỹ năng về năng lượng biển và gió với mục tiêu đào tạo 60.000 lao động cho nền công nghiệp xanh này vào năm 2020, trong khi năm 2008 chỉ có gần 5.000 lao động.




Khu vực Navarre đã trải qua sự suy thoái kinh tế khốc liệt nào đầu những năm 1990. Khi ấy, giá dầu cao làm giảm tính cạnh tranh của nền công nghiệp lớn và duy nhất ở đây - nhà máy xe hơi Volkswagen. Lúc đó, chính quyền ở đây đã hành động để đối phó bằng cách đào tạo lại công nhân và mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Navarre đã phát triển nhanh chóng và thành công lĩnh vực năng lượng gió nhờ vào điều kiện khí hậu và vị trí địa lý. Nguồn năng lượng tái tạo này đã chiếm 65% sản lượng điện ở đây và mục tiêu sẽ tăng lên 100%. Đây là khu vực nhỏ của Tây Ban Nha với trên 600 ngàn dân, hiện đứng thứ sáu về sản xuất năng lượng gió ở châu Âu. Từ 2002 -  

2006, lao động lĩnh vực năng lượng tái tạo Navarre tăng 183%. Năm 2007 có 100 công ty về năng lượng tái tạo được thành lập và tạo 6.000 việc làm mới. Navarre có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Tây Ban Nha vào năm 2009.

Bangladesh được biết đến với công nghiệp sản xuất đồ trang sức và công nhân làm việc cực nhọc trong xưởng chỉ được hưởng 1 USD/ngày. Nay đất nước Nam Á này trở thành điểm sáng về tạo việc làm xanh từ năng lượng tái tạo. Điều kỳ diệu này bắt đầu từ năng lượng mặt trời. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA- International Renewable Energy Agency), trong một tháng Bangladesh đã lắp đặt 80.000 hệ thống điện mặt trời nhỏ. Một quốc gia chỉ có 47% dân số tiếp cận với nguồn điện vào năm 2009, khai thác năng lượng mặt trời là cách khắc phục việc phải xây dựng mạng lưới điện to lớn hơn. Qua 10 năm, hệ thống điện mặt trời ở Bangladesh nhảy vọt từ 25.000 đến 2,8 triệu, tạo ra khoảng 114 ngàn việc làm, từ việc lắp ráp đến bán, lắp đặt và bảo trì hệ thống điện mặt trời. Từ 2011 đến 2013, số việc làm liên quan đến điện mặt trời tăng gấp đôi.

Hàn Quốc đã có bước phát triển ngoạn mục dựa vào phát triển công nghệ, là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới. Phát triển công nghệ chiếu sáng LED là một trong những lựa chọn nhằm vào mục tiêu phát triển xanh và bền vững của xứ sở kim chi. Chính quyền nước này đã tiến hành nhiều dự án nhằm mở rộng thị trường chiếu sáng công nghệ đèn LED như dự án thay thế chiếu sáng bằng đèn LED trong các tòa nhà, hội trường quốc tế, ga tàu điện ngầm; sử dụng đèn LED ở các khu đô thị mới và ở các nhà kính, … Ước năm 2015 cần đến 13.000 chuyên gia về LED.



Đan Mạch, một đất nước với 1/3 diện tích là các đảo lớn nhỏ với sáng kiến “Tàu xanh của tương lai” (Green ship of the future), thể hiện quan hệ hợp tác của cộng đồng hàng hải Đan Mạch nhằm tìm kiếm, phát triển những giải pháp kỹ thuật và đào tạo nhân lực giúp hoạt động hàng hải tiết kiệm năng lượng hơn, sạch hơn và bền vững hơn. Sáng kiến này đã thu hút 40 công ty tham gia, trong đó có Maersk, Aalborg Industries, MAN Diesel, Odense steel shipyard, FORCE Technology, Danish Centre of Maritime Technology, và Danish Maritime Authority.



Xứ sở Kangaroo với GreenPlumbers®, đây là sự liên kết giữa những thợ cả về đường ống (Master Plumbers), Hiệp hội Dịch vụ Cơ khí Úc (Mechanical Services Association of Australia), Nghiệp đoàn Cấp thoát nước (Plumbing Trades Employees Union) và những người muốn nâng cao kỹ năng và kiến thức về hệ thống cấp thoát nước có cùng mối quan tâm đến môi trường và bảo vệ tài nguyên nước. GreenPlumbers® của nước Úc nhằm thực hiện các chương trình huấn luyện những người thợ đường ống về bảo tồn nguồn nước và tiết kiệm năng lượng hiệu quả, hướng đến việc làm ngày càng xanh hơn. Mô hình này đã lan tỏa đến New Zealand và Mỹ.


Ấn Độ là một trong những quốc gia mạnh về ngành đúc trên thế giới với khoảng 0, 5 triệu lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp, tạo ra nhiều sản phẩm dùng trong ô tô, động cơ điện, các nhà máy,…nhưng công nghệ còn lạc hậu và tiêu hao nhiều năng lượng (chi phí năng lượng chiếm 30% giá thành sản phẩm). Tại thị trấn Samalkha của huyện Panipat (bang Haryana), khoảng 30 lò đúc sắt vừa và nhỏ được tài trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ để hiện đại hóa công nghệ và phát triển xanh hơn, hướng đến mục tiêu giảm 40% năng lượng tiêu thụ và đào tạo lại lực lượng lao động.


ILO đã khởi động trên quy mô toàn cầu chương trình thúc đẩy việc làm xanh như là giải pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tạo ra các lợi ích xã hội.


Tại Việt Nam, dù còn không ít khó khăn nhưng cũng đã hướng tới phát triển xanh và bền vững hơn. Từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050” với quan điểm tăng trưởng xanh là một phần quan trọng của định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng; giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến động khí hậu; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống.


Ở TP. HCM, được khởi động từ năm 2010, Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh do UBND TP. HCM chủ trì và Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp với Sở Công thương, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM cùng các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, đã triển khai nhiều dự án có ý nghĩa thực tế như người tiêu dùng tương lai, kết nối xanh giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khu phố xanh, cộng đồng xanh,… chiến dịch đã dần lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống.


Cũng năm 2010, dự án “Sản xuất và Thương mại xanh tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo” đã được UNIDO, ILO, ITC, FAO, UNCTAD, VietCraft cùng phối hợp thực hiện nhằm tạo cơ hội nâng cao thu nhập và việc làm cho những người trồng, thu hoạch nguyên liệu thô và những người dân tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Mục tiêu của dự án là những người dân nghèo sản xuất các loại mặt hàng thủ công ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Và ở nhiều tỉnh, thành khác cũng như tại nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện những hành động hướng đến phát triển ngày càng xanh hơn.

Khi mọi người đều quan tâm, cùng chung tay và có các chính sách nhà nước đồng hành, chắc chắn Ngôi Nhà Chung của chúng ta sẽ lại trong lành, an bình, ấm no và hạnh phúc.


PHƯƠNG LAN, STINFO số 8/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả