Tháng 11/1997, Bill Foege đến thăm một ngôi làng ở Mali (châu Phi) và gặp gỡ dân làng để đánh giá hiệu quả của chương trình Mectizan. Người dân ở đây biết rõ về căn bệnh mù sông đã khiến cho nhiều người già trong làng bị mù từ khi còn bé. Những đứa trẻ giờ không còn phải chịu căn bệnh này nữa nhờ chương trình Mectizan. Đây cũng là cơ hội để dân làng gặp gỡ những nhân viên của Merck, tận mắt thấy những người đã dành nhiều thời gian | | |
lo toan để thuốc có thể đến được tay người bệnh, mà không phải là nhờ bất kỳ một phép màu nào… Điều đó cho thấy, thế giới chúng ta đang sống cần có nhau đến nhường nào!
Điều gì đã dẫn đến cuộc gặp ở Mali? Và câu chuyện bắt đầu từ đâu?
Cái gì cũng phải bắt đầu từ đâu đó. Có thể là năm 1893, khi mà căn bệnh mù sông lần đầu tiên được phát hiện; cũng có thể là năm 1926, khi mà cuối cùng người ta đã hiểu rõ vòng đời của căn bệnh này; hay có thể là năm 1974, khi mà Chương trình kiểm soát căn bệnh mù sông (Onchocerciasis Control Program) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập?...
Có nhiều mốc thời gian, nhưng thời điểm đáng ghi nhận là năm 1978, khi William Campbell, một nhà nghiên cứu của Merck, đến gặp Roy Vagelos, người đứng đầu Phòng nghiên cứu, gợi ý thuốc Ivermectin (xem thêm phần “Nobel 2015 vinh danh Ivermectin”) đang được sử dụng để ngăn chặn bệnh giun chỉ ở chó có thể có công dụng với căn bệnh mù sông ở người. Cần hàng triệu đô la để thử nghiệm trong khi thị trường tiềm năng nhỏ, nhưng Roy Vagelos vẫn quyết định vào cuộc.
Phản ứng của nhân viên và cổ đông Merck là “không thể tin được”, theo lời của Vagelos, dù biết sẽ không thu được lợi nhuận từ thử nghiệm này, nhưng họ đã thông qua. Thật khó nói hết sự khác lạ của một công ty "không bao giờ quên thuốc men vì con người chứ không phải vì lợi nhuận” - tuyên bố của George Merck, con trai người sáng lập Merck.
Tháng 2/1981, các thử nghiệm đầu tiên trên người được tiến hành tại Đại học Dakar. Đến năm 1983, kết quả đáng khích lệ đến nỗi các nghiên cứu giai đoạn II đã bắt đầu ngay. Đến năm 1986, các nghiên cứu giai đoạn III trên 1.200 bệnh nhân ở Ghana và Liberia đã xác định được liều lượng tối ưu. Năm 1987 hồ sơ đã được nộp tại Pháp để phê chuẩn chính quy.
Roy Vagelos đã cố gắng tìm cách phân phối thuốc. Ông đến WHO, sau đó đến USAID, nhưng đụng phải sự quan liêu và không quan tâm.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, John Maynard Keynes từng nói: "Một ngày không xa, những vấn đề kinh tế sẽ lùi lại phía sau, trước các vấn đề thực sự của chúng ta". Ông nói về các mối quan hệ của con người, hành vi, sức khỏe và tôn giáo. Có lẽ 21/10/1987 là “ngày không xa” đó, là cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế toàn cầu, thời khắc mà một công ty “dám” coi nhu cầu xã hội quan trọng hơn lợi nhuận. Tại cuộc họp báo ở Washington và Paris, Merck cam kết mạnh mẽ: cung cấp Mectizan miễn phí để điều trị bệnh mù sông cho bất cứ ai cần; kéo dài cho đến khi hết nhu cầu.
Merck đã đến với Lực lượng đặc nhiệm Vì sự sống còn của trẻ em (Task Force for Child Survival, tổ chức do Foege sáng lập, nay đã đổi tên thành Task Force for Global Health) và đưa ra đề nghị giống như với WHO và USAID: có thể tìm được cách phân phối thuốc do Merck cung cấp miễn phí đến đúng bệnh nhân?
Năm 1988, Ủy ban Chuyên gia Mectizan được thành lập để cung cấp Mectizan cho bất kỳ ứng viên nào có thể đáp ứng các yêu cầu: đưa được thuốc đến đúng người, đúng liều lượng; thuốc sẽ không bị tuồn ra thị trường; và được sự chấp thuận của Bộ Y tế nước sở tại. Foege đã chủ trì Ủy ban này trong 12 năm. Ông tin vào một thế giới nhân ái, chứ không phải phép màu. Nhưng ông vẫn không khỏi ngạc nhiên trước các yếu tố đầy cảm hứng, thậm chí là thần kỳ của chương trình này.
Sự ra đời của Mectizan liên quan đến một mẫu đất lấy từ một sân golf ở Nhật Bản, các cơ sở khoa học và năng lực quản lý của Merck tại Mỹ, nhiệt huyết của Mohammad Aziz - một nhà nghiên cứu người Ấn Độ, các thử nghiệm với người dân ở châu Phi, và cuối cùng là sự phê chuẩn của Pháp. Một câu chuyện toàn cầu.
Một liên minh kỳ diệu ra đời. Khởi đầu khá nhỏ với một vài người trong Ủy ban Chuyên gia Mectizan, các nhóm quan tâm đến Merck và Chương trình kiểm soát bệnh mù sông ở Tây Phi. Rồi nó lớn mạnh. Khi các nhóm hoạt động y tế thiện nguyện có thể nhận được Mectizan (đăng ký thông qua Bộ Y tế), họ đã làm việc với các chính phủ, và một liên minh mở rộng đã hình thành. Ngay sau đó, cả Ngân hàng Thế giới cũng tham gia phát triển quỹ để phân phối Mectizan.
Vậy là món quà này lần lượt được nhân rộng bởi liên minh các tổ chức toàn cầu, các Bộ Y tế, các tổ chức, các nhóm đặc nhiệm, các tổ chức cộng đồng và các tình nguyện viên. Tất cả phối hợp với nhau vì một mục đích chung, không hề có cơ cấu tổ chức thật sự.
Thêm một “phép lạ” xảy ra với việc phân phối Mectizan. Thay vì 6 năm như kỳ vọng ban đầu, chỉ trong 4 năm thuốc đã được cung cấp cho 6 triệu người. Khi Tổng thống Carter (Jimmy Carter, Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1977-1981) tham gia vào, việc phân phối tăng tốc nhanh chóng. Sau khi ông đề cập vấn đề này với lãnh đạo các nước châu Phi, chương trình đã đạt mốc 10 triệu, rồi 20 triệu trong một năm. Năm 2013, hơn 100 triệu liều Mectizan đã được phân phát ở 24 nước APOC (African Programme for Onchocerciasis Control).
Hàng triệu câu chuyện riêng biệt, với hàng triệu người hỗ trợ ... bất chấp những khác biệt, nhưng hoạt động thật sự hiệu quả!
Bệnh mù sông đã giảm, tốc độ lây lan cũng đang giảm, và người ta thậm chí có thể mơ đến lúc nó chỉ còn là ký ức, một chú thích trong các tài liệu y khoa, một câu chuyện lịch sử truyền miệng của ngôi làng.
Tại tiền sảnh trụ sở của Merck có một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại. Nó không thể hiện sản phẩm xuất sắc nhất, sản phẩm có lợi nhất hay điển hình khoa học tiên tiến nhất của công ty, mà là tượng đài tôn vinh sự tử tế của con người. Đó là bức tượng một cậu bé dùng gậy dẫn một người đàn ông mù, được đặt làm bởi John Moores, một trong những chiến binh xuất sắc trong cuộc chiến chống bệnh mù sông.
Các bản sao của bức tượng này có thể thấy tại Trung tâm Carter, Ngân hàng Thế giới và trụ sở WHO, như biểu tượng hy vọng cho các vấn đề của thế giới... một tuyên bố rằng, các cá nhân cũng có thể làm nên sự khác biệt ... và, một lời nhắc nhở rằng, chúng ta có thể huy động sự giàu có của thế giới để cải thiện sức khỏe cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Nobel 2015 vinh danh Ivermectin
Vào cuối những năm 1970, Satoshi Omura, nhà khoa học của Viện Kitasato có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) tìm thấy một loại vi khuẩn sống trong đất có chất Streptomyces diệt ký sinh trùng rất hiệu quả. Ông đã gửi mẻ cấy vi khuẩn này đến William Campbell ở New Jersey, người đang làm việc cho Merck & Co., công ty dược phẩm lớn thứ tư trên thế giới. Và Campbell đã phát triển thành công một loại thuốc gọi là Ivermectin. Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực dược phẩm và thuốc này đã được xác định là cực kỳ an toàn cho người và dễ phân phối.
Ivermectin được bán dưới một số tên thương mại, như Sklice và Stromectol ở Mỹ và Ivomec ở châu Âu. Nhưng từ năm 1987, dưới tên Mectizan, nó đã được Merck cung cấp miễn phí cho các tổ chức nhân đạo ở các nước đang phát triển theo Chương trình Tài trợ Mectizan (MDP).
Năm 1987, Merck công bố sẽ hợp tác với WHO và tặng Mectizan, cho bất kỳ quốc gia nào cần. Trước đây, chưa từng có công ty dược phẩm lớn nào cho không một loại thuốc mà họ phát triển để tiêu diệt một căn bệnh. Tại một cuộc họp báo sau thông báo của Merck, thượng nghị sĩ bang Massachusetts Ted Kennedy nói: "món quà của Merck cho WHO còn hơn hơn một bước đột phá y tế - nó thực sự là một sự thắng lợi về tinh thần nhân đạo".
Kể từ năm 1987, MDP đã trao hơn một tỉ liều điều trị căn bệnh mù sông và giun chỉ bạch huyết cho người dân ở 33 quốc gia (vào cuối những năm 1990 GlaxoSmithKline đóng góp cho chương trình một thuốc khác trị bệnh giun chỉ bạch huyết). Kết quả là việc lây lan bệnh mù sông đã được ngăn chặn ở nhiều nước. Năm ngoái, Ecuador là quốc gia thứ hai sau Colombia đã hoàn toàn loại trừ căn bệnh này. Bệnh giun chỉ bạch huyết cũng giảm đáng kể. WHO dự báo cả hai bệnh này có thể được loại trừ vào năm 2020.
Tháng 10/2015, Omura và Campbell đã được trao giải Nobel về Y Sinh cho công trình trên. Ủy ban Nobel đánh giá tầm quan trọng của Ivermectin là "không thể đo đếm" đối với sức khỏe con người ở những khu vực nghèo nhất thế giới.
"Việc điều trị thành công đến nỗi các căn bệnh này gần như được diệt trừ, đây là một chiến công lớn trong lịch sử y học của nhân loại", theo Ủy ban Nobel.
PHƯƠNG UYÊN (Theo Gatesnotes.com), STINFO số 12/2015
Tải bài này về tại đây.