SpStinet - vwpChiTiet

 

Du lịch đường sông sẽ là đặc trưng của TP. HCM


 
Trong không gian chung của vùng Đông Nam bộ với du lịch đô thị là then chốt, TP.HCM có ưu thế làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch đường sông - sản phẩm du lịch đầy triển vọng.

Nếu miền Tây Nam bộ thu hút khách du lịch bởi cảnh trời nước mênh mang hào sảng, bởi những miệt vườn trù phú ven sông, thì Sài Gòn - TP. HCM là nơi dừng chân của không ít du khách bởi không gian năng động, vẻ đẹp lộng lẫy của du lịch đô thị. Được ví như “Hòn ngọc Viễn đông”, với hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP. HCM ngày càng khẳng định vị trí và vai trò là đô thị đặc biệt của Việt Nam, là cửa ngõ quốc tế quan trọng của khu vực và thế giới. TP. HCM với sự phong phú, đa dạng của một trung tâm kinh tế, cùng sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của người dân, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn cho du khách trong nước và quốc tế. Những năm qua, Thành phố đã khởi xướng và thực hiện nhiều chương trình đặc sắc, tạo được tiếng vang và trở thành sự kiện thường niên như Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Món ngon các nước, ITE – HCMC (hội chợ du lịch quốc tế TP. HCM),… Bởi thế, lượng khách quốc tế đến TP. HCM ngày càng tăng. Năm 2014, TP. HCM đã đón 4,4 triệu lượt khách; riêng 8 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến thành phố tiếp tục tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2014, khách quốc tế đến TP.HCM chiếm bình quân 61% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và hiện nay ngành du lịch đóng góp đến 11% GDP của Thành phố.


Đến với Sài Gòn, người ta không thể không ghé thăm những địa danh nổi tiếng như Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng, Nhà hát Thành phố,… Bên cạnh đó, Sài Gòn cũng không hề kém hấp dẫn khi tìm đến sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch đường sông. Với lợi thế có hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, cùng hệ thống kênh rạch kết nối, tạo nên tuyến đường sông dài khoảng 1.000 km, TP. HCM đang dần tạo ra bức tranh du lịch “trên bến, dưới thuyền” hiện đại, hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế. Loại hình này sẽ khai thác kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, văn hóa, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn (kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận). Đặc biệt, hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé khá hấp dẫn du khách khi bao trọn cả khu vực trung tâm thành phố với các quận 1, 3, 5, 10 vốn là khu vực cổ, với hầu hết cảnh quan kiến trúc đặc trưng của Thành phố.


Một cắt lát bức tranh “trên bến dưới thuyền” của TP. HCM.


Mới đây, trong dịp lễ 2/9, Sở Du lịch TP. HCM đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 4,5 km đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Chương trình sử dụng thuyền chèo tay, hạn chế sử dụng thuyền có động cơ để tránh ảnh hưởng môi trường sinh thái. Khi đang thả hồn bồng bềnh trên sóng nước, trong khung cảnh êm đềm hai bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, du khách sẽ được nghe đàn ca tài tử, được kể về những câu chuyện gắn liền với sự hình thành và phát triển của tuyến kênh cũng như lịch sử phát triển của Sài Gòn - TP. HCM. Trước đó, Thành phố đã đưa vào hoạt động 7 tuyến du lịch đường sông xuất phát từ Bến Bạch Đằng đến các điểm: Đại lộ Đông Tây, Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Bình Quới, Nhà vườn Long Phước (Quận 9), Địa đạo Củ Chi, Đồng bằng sông Cửu Long - Long An, Cần Giờ. Tham quan du lịch đường sông TP. HCM, du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh quan sông nước, vừa mãn nhãn với một thành phố văn minh, hiện đại với những tòa nhà cao vút, xe cộ tấp nập, những bến cảng, những công trình hiện đại hai bên bờ.



Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang được hồi sinh và nhà ga quận 1 trên đường Hoàng Sa,
nơi bán vé trực tiếp tour du lịch trên kênh.
Ảnh: YL.

 

Điểm đột phá được kỳ vọng của du lịch đường sông TP. HCM là Cần Giờ. Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển của thế giới và là Khu Dự trữ Sinh quyển đầu tiên của Việt Nam (21/01/2000) với diện tích 71.370 ha. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đầu tư tái tạo không chỉ để làm chức năng lá phổi xanh cho TP. HCM mà còn là một trong 20 địa điểm được chọn để xây dựng khu du lịch quốc gia. Nơi đây đã phát triển loại hình du lịch sinh thái đặc trưng gắn với cảnh quan môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững. Du lịch sinh thái Cần Giờ mang lại cảm giác thư giãn, về với thiên nhiên hoang dã. Du khách có thể len lỏi với những con đường xuyên rừng đước xanh mát, không khí trong lành, thấp thoáng bóng người địa phương đóng đáy, làm đầm, nuôi sò huyết. Hoặc đi thuyền ngắm vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn; tham quan căn cứ rừng Sác, thưởng thức các món ăn đặc sản rừng Sác; cắm trại và sinh hoạt dã ngoại trong rừng ngập mặn; tham quan nhà bảo tàng Cần Giờ; tham quan rừng đước, khu du lịch Đầm Dơi; tắm ở khu bãi biển cảnh quan thoáng mát, không khí trong lành, nhìn ra biển Đông,… Khai thác du lịch đường sông hướng đến Cần Giờ bước đầu dựa trên các tuyến du lịch đường sông từ bến Bạch Đằng đến thị trấn Cần Thạnh, Lâm viên Cần Giờ, Khu du lịch Vàm Sát đến Khu du lịch Đầm Sen.


Cùng với sản phẩm du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuyến đường thủy từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ vừa được giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế TP. HCM lần thứ 11 (ITE-HCMC) đã mang thêm nhiều lựa chọn và hứa hẹn những trải nghiệm mới cho khách du lịch yêu mến TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn du khách, Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP. HCM giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội để phát triển du lịch đường sông. Diện mạo du lịch đường sông thành phố sẽ đổi mới hấp dẫn trong tương lai với kế hoạch cải tạo và xây 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ, tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông và xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại Củ Chi, Cần Giờ, quận 9. Đồng thời, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm tại khu vực bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng - cầu Mống và phát triển loại hình du lịch thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 9 được đầu tư phát triển sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch.


Bên cạnh phát triển du lịch đặc trưng, Thành phố cũng ưu tiên kết nối phát triển với du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Hơn thế, xác định vai trò là cửa ngõ du lịch mang tính kết nối với các trung tâm du lịch trong khu vực, TP. HCM đang nghiên cứu triển khai kết nối với các thành phố du lịch trọng điểm thuộc khu vực các quốc gia hạ nguồn Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan); khảo sát để triển khai kết nối các tuyến du lịch đường sông giữa Việt Nam với các quốc gia như Lào, Campuchia. Đây là tin tốt cho những người ưa trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống.


YÊN LƯƠNG, STINFO số 10/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả