Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Hoa lan được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự đa dạng về màu sắc, hình dáng và hương thơm của chúng. Đây không chỉ là loài hoa đẹp, có giá trị về mặt tinh thần mà còn có giá trị kinh tế cao và hiện đang có thị trường tiêu thụ mạnh trong nước cũng như xuất khẩu. Tại TP.HCM, nghề trồng hoa lan, cây cảnh được định hướng là ngành kinh tế quan trọng và sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các làng, phố hoa như những làng, phố văn hóa, sinh thái để thu hút du khách.
Brassavola nodosa là loài lan rừng, hoa có mùi rất thơm, được xếp vào hạng Đệ nhất hương với 22 điểm, trong khi cây Ngọc điểm (Rhynchostylys gigantean) chỉ có 14 điểm, Cattleya bicolor thơm nhất chỉ có 8 điểm, Neofinetia falcate 11 điểm đồng hạng với cây Cymbidium eburneum 11 điểm và cây Đinh tử hương (Zygopetalum intermedium) được 15 điểm, Stanhopea wardii 18 điểm và cây Mỹ dung dạ hương hay Vanda denisoniana chỉ có 8 điểm.
Với sự đa dạng về màu sắc, hình dáng, hương thơm, các loài lan Brassavola nói chung và Brassavola nodosa nói riêng đang được quan tâm để phát triển diện tích trồng, đặc biệt chúng là nguồn gen quý phục vụ công tác lai, chọn tạo giống hoa lan mới. Những năm trở lại đây, nhiều khách hàng và nhà vườn có nhu cầu nhân giống loài lan này bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm phát triển giống hoa lan mới có giá trị kinh tế và tạo nguồn mẫu cây bố mẹ phục vụ cho công tác lai tạo.
Việc nhân nhanh số lượng lớn cây giống với nguồn mẫu ban đầu hạn chế, có khi chỉ là một mẫu chồi hay đoạn thân duy nhất đòi hỏi phải xác định được các điều kiện nuôi cấy tối ưu như môi trường nuôi cấy, kỹ thuật xử lý mẫu cấy và phương thức nuôi cấy thích hợp. Vì vậy, xây dựng và ứng dụng quy trình nhân giống in vitro lan Brassavola nodosa với đầy đủ các thông số từ giai đoạn tạo chồi, nhân nhanh, tái sinh chồi, tạo cây in vitro hoàn chỉnh là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần lưu giữ, phát triển và nhân giống in vitro các giống lan rừng quý này.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình nhân giống in vitro lan Brassavola nodosa
Thuyết minh quy trình:
+ Chọn cây mẹ: là cây khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không bị biến dị về hình thái.
+ Khử trùng mẫu:
Sử dụng các chồi non cây lan Brassavola nodosa 1-2 tháng tuổi có chiều cao 7-10 cm để làm vật liệu nghiên cứu ban đầu. Tiến hành loại bỏ lá và bẹ lá, rửa sạch mẫu dưới vòi nước chảy trong thời gian 20 phút. Mẫu cấy được lắc với xà phòng trong 10 phút và rửa sạch. Chuyển vào tủ cấy, rửa sạch với nước cất vô trùng, sau đó lắc mẫu với cồn 700 trong 1 phút. Sau khi rửa sạch mẫu với nước cất vô trùng, sử dụng javel Mỹ Hảo với tỷ lệ javel : nước vô trùng là 2 : 1 để khử trùng mẫu trong 30 phút, rửa lại bằng nước cất vô trùng, cắt phần mẫu bị tổn thương, cấy mẫu vào môi trường MS (Murashige & Skoog, 1962) bổ sung đường sucrose 30 g/L, agar 8 g/L.
Sau 2 tuần nuôi cấy, các mẫu sống, vô trùng được cấy chuyền sang môi trường khoáng MS bổ sung BA 1 mg/L, nước dừa 100 ml/L, đường sucrose 30 g/L, agar 8 g/L. Sau 8 tuần nuôi cấy, chồi in vitro đạt kích thước khoảng 2-2,5 cm được sử dụng để bố trí thí nghiệm.
+ Tạo chồi:
Sau khi đã tạo được chồi in vitro, tiến hành tách đỉnh chồi nuôi cấy trên môi trường MS + 1,5 mg/L BA + 0,25 mg/L NAA + 30 g/L đường sucrose + 8 g/L agar.
+ Nhân nhanh chồi:
Sự nhân nhanh chồi đạt hiệu quả cao khi nuôi cấy trên môi trường MS + 1 mg/L kinetin + 30 g/L đường sucrose, sử dụng hệ thống RITA® với tần suất ngập 1 phút sau mỗi 4 giờ.
+ Tăng trưởng cây lan in vitro:
Sau khi tạo được lượng chồi cần thiết sẽ cấy chuyền sang môi trường mới để chồi phát triển thành cây con, sử dụng môi trường nuôi cấy là môi trường Knudson C bổ sung hàm lượng 40 - 50 g/L chuối sứ chín + 100 ml/L nước dừa + 30 g/L đường sucrose + 8 g/L agar. Sau 2 tháng nuôi cấy, cây con đạt chiều cao từ 3-5,5 cm, 3-5 rễ, 3-5 lá.
+ Giai đoạn huấn luyện cây:
Cây con đạt tiêu chuẩn về chiều cao, số lá, số rễ sẽ được đưa ra khỏi phòng nuôi và bắt đầu giai đoạn huấn luyện thích nghi. Mục đích: giúp cây làm quen từ từ với điều kiện bên ngoài khi không còn được nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm tránh cho cây bị sốc, tăng tỷ lệ sống ngoài vườn ươm. Khi cây phát triển hoàn chỉnh trong các bình nuôi cây sẽ được chuyển tới khu huấn luyện thích nghi được thiết kế đón ánh sáng tự nhiên và thoáng gió. Thời gian của giai đoạn này khoảng 2-4 tuần.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Trong quy trình này, tỷ lệ mẫu tạo chồi đạt 97,78%, số chồi phát sinh là 16,89 chồi, chỉ số tăng trưởng đạt 6,96 lần, chồi thu được to có màu xanh tươi. Quy trình thu được cây tăng trưởng tốt và 100% chồi ra rễ, tỷ lệ sống của cây giai đoạn vườn ươm sau 1 tháng trồng đạt 100%.
Quy trình có thể áp dụng hiệu quả cho sản xuất cây giống, đáp ứng nhu cầu phát triển giống hoa lan mới có giá trị kinh tế, tạo nguồn mẫu cây bố mẹ phục vụ cho công tác lai tạo, đồng thời làm cơ sở cho nhân giống các loài lan khác trong chi Brassavola.
Quy mô sản xuất theo quy trình là 100.000 cây/năm, chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng. Giá bán khoảng 5.000 đồng/cây, rẻ hơn giá cây giống trên thị trường hiện tại. Ngoài ra, ưu điểm của công nghệ là cho phép chủ động sản xuất ra sản phẩm với số lượng lớn, trong thời gian ngắn (phương pháp sản xuất hiện nay chủ yếu là tách chiết giả hành, tốn thời gian và hiệu quả nhân giống thấp), chất lượng cây đồng đều và ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Nguyễn Thị Điệp
ĐT: 0909259807. Email: [email protected]
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 0286 8862726.
Lam Vân (CESTI)