Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Chuối đã tồn tại suốt 15.000 năm qua và là một trong những loại trái cây được tiêu thụ hàng đầu trên thế giới. Theo tài liệu của FAO, xuất khẩu chuối của cả thế giới đạt 4,7 tỷ USD/năm, đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều nước.
Tại Việt Nam, chuối không những dễ trồng mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong vòng vài năm gần đây, đã phát sinh nhu cầu xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, châu Âu dùng để ăn tươi và chế biến thực phẩm. Nước ta có nhiều giống chuối quý như: chuối bom, chuối tiêu, chuối xiêm, chuối ngự, chuối cau,…Chuối cấy mô hiện được trồng khá phổ biến ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,… Các giống chuối phổ biến là chuối tiêu hồng (phổ biến miền Bắc), giống chuối già lùn (phổ biến ở miền Nam) và chuối laba (Lâm Đồng). Do dễ thích nghi với nhiều chân đất, ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao, nên thời gian qua, chuối già lùn đã trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương.
Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện
Điều kiện trồng
Đất trồng chuối
- Yêu cầu đất phải tơi xốp, nhiều mùn, giữ nước tốt, tầng canh tác dày vì bộ rễ chuối ăn rất khỏe, độ dày tầng canh tác > 50 cm.
- Chuối chịu úng và chịu hạn kém, do đó đất phải có độ cao so với mực nước ngầm tối thiểu 0,6m, thoát nước tốt.
- Đối với đất trồng chuối cũ phải đào bỏ sạch gốc chuối cũ, dọn sạch cỏ dại, cày phơi ải một thời gian cho đất tơi xốp trở lại.
Chuẩn bị đất
- Đất dọn sạch cỏ, vệ sinh xung quanh.
- Kích thước hố trồng: 30x30x30 cm hoặc 40x40x40cm hoặc lớn hơn nếu đất nghèo dinh dưỡng. Sau đó, lấy lớp đất mặt trộn với 5–10kg phân chuồng hoai + 50g NPK + 100gr vôi (nếu đất chua) bón vào hố xong lấp lại sao cho mặt hố sâu hơn mặt đất 10–15cm.
- Trước khi trồng 5–7 ngày bón lót phân hữu cơ vi sinh + thuốc trừ sâu mocap hoặc Basudine hạt để trừ sâu, sau đó trộn đều đất trước khi trồng.
- Khoảng cách trồng: hàng cách hàng là 1,5–2,0cm; cây cách cây là 2,0–2,2 cm, hoặc thay đổi tùy theo địa hình, đất tốt hoặc xấu.
Mật độ, thời vụ trồng
- Mật độ trồng: 2.000–2.500 cây/ha.
- Chuối trồng được quanh năm, tốt nhất nên trồng khi đất đủ ẩm hoặc vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng tốt, cho tỷ lệ sống cao hoặc xác định thời điểm trổ buồng, thu hoạch mà chọn thời gian trồng thích hợp với điều kiện chủ động được nước tưới. Ở miền Nam thường trồng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 (dương lịch).
Giống
Giống chuối cấy mô: chuối già hương, chuối già cui, chuối laba, chuối Nam Mỹ,… (phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu); chuối sứ (chuối xiêm), chuối bom, chuối cau (phục vụ ăn tươi, chế biến).
Các giống chuối trên sau khi đã được chọn giống từ các địa phương trong nước, được nuôi cấy một thời gian trong phòng thí nghiệm, được phục tráng và xử lý sạch bệnh. Sau đó cây chuối cấy mô được đưa ra vườn ươm để thích nghi với điều kiện bên ngoài.
Kỹ thuật và cách chăm sóc
Cách trồng
Chuối phải được trồng vào lúc trời râm mát, buổi sáng hoặc buổi chiều tối là tốt nhất. Dùng cuốc xới lại hố đào sau đó đặt bầu đất chuối cấy mô (đã xé bỏ túi nilon) xuống hố trồng. Lưu ý mặt bầu đặt thấp hơn mặt hố từ 10–15cm, đặt cây ngay ngắn giữa hố trồng. Sau đó, lấp đất lại cà nén chặt xung quanh gốc chuối bằng đất nhỉ (không nên nén quá chặt sẽ làm dập con chuối); phủ rơm rạ xung quanh gốc và tưới nước giữ ẩm ngay khi trồng (tránh làm vỡ bầu đất) cho cây mau bén rễ.
Kỹ thuật chăm sóc
+ Tưới nước: chuối là cây chịu nóng kém, cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây để cây phát triển bình thường. Cây con chuối mới trồng cần tưới ngay và sau đó 2–3 ngày tưới một lần, cây trưởng thành tưới 2 lần/tuần. Khi cây chuối trổ buồng (sau trồng 8–10 tháng) rất cần nước nên cần chú ý tưới nước và bón phân đầy đủ để quả chuối phát triển tốt. Vào mùa mưa (từ tháng 5–11 dương lịch) chú ý thoát nước tốt cho vườn chuối để hạn chế ngập úng.
+ Phân bón:
Cây chuối sinh trưởng và phát triển chia làm 3 giai đoạn: thời kỳ đầu (thời kỳ dinh dưỡng và sinh trưởng của cây con); thời kỳ giữa (thời kỳ phân hóa mầm hoa, giai đoạn quan trọng hình thành buồng và trái); thời kỳ cuối (ra hoa và phát triển buồng, trái). Sản lượng của cây chuối cao hay thấp quyết định trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, để có số lượng nải và quả cao thì phải chú ý chăm sóc tốt thời kỳ đầu sinh trưởng và phát triển của cây chuối.
Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh,… bón trước khi trồng, ở những vụ kế thì bón sau khi thu hoạch hay đầu mùa mưa, lượng bón từ 5–10kg phân chuồng hoai + 50g NPK + 100g vôi (nếu đất chua)/gốc.
Bón thúc: 7 lần, tổng cộng 5–10 kg phân chuồng + 550g NPK/gốc (khoảng 1 năm).
Cách bón: ở giai đoạn cây con có thể hòa nước tưới, ở giai đoạn cây trưởng thành bón theo hố cách gốc 0,5–0,6m (hố sâu 5–6 cm rồi lắp đất lại). Sau khi thu hoạch buồng mẹ lần thứ nhất sẽ tiếp tục bón thúc.
+ Tỉa chồi: tỉa chồi phải được tiến hành thường xuyên (1 tháng/lần) để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh,… Sau khi trồng 5 tháng có thể tiến hành tỉa chồi. Dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và hủy đỉnh sinh trưởng. Nên tiến hành tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước xung quanh làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ.
+ Cắt hoa đực, che và chống quày: sau khi ở cuối buồng chuối xuất hiện nải toàn hoa đực thì tiến hành cắt bắp để tập trung dinh dưỡng cho các nải chuối. Dùng túi nilon có đục lỗ để bao quày, mục đích giữ cho màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế côn trùng phá hoại và giúp tăng năng suất quày chuối. Khi buồng chuối lớn nên dùng cây chống quày để tránh đổ ngã.
Thu hoạch và sản lượng
Cây chuối cấy mô từ lúc trồng ngoài đồng ruộng sau 8-9 tháng sẽ cho buồng đầu tiên. Năng suất 25-35kg/buồng đối với chuối già, các giống chuối khác năng suất thấp hơn. Chu kỳ cho quả của 1 cây chuối cấy mô là 3 buồng/2,5 năm. Sau đó nên chặt bỏ và trồng rau màu khác để cải tạo đất. Sau 1 năm có thể trồng chuối lại.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Nhân nhanh với hệ số nhân giống cao, sản phẩm cây giống đồng nhất, sản xuất quanh năm
- Đưa ra sản phẩm nhanh, tiết kiệm thời gian
- Nâng cao chất lượng cây giống
- Khả năng tiếp thị sản phẩm tốt hơn và nhanh hơn
Hiệu quả kinh tế
Chi phí đầu tư 1 ha trồng chuối nuôi cấy mô ĐVT: đồng
STT
|
Chi phí
|
ĐVT
|
Số lượng
|
Đơn giá (đồng)
|
Thành tiền (triệu đồng)
|
1
|
Cây giống
|
cây
|
2.500
|
14.000
|
35
|
2
|
Phân, thuốc BVTV
|
|
|
|
20
|
3
|
Phân chuồng
|
Khối
|
|
|
15
|
4
|
Công chăm sóc, đào hố,...
|
Công
|
|
|
50
|
5
|
Điện
|
kW
|
|
|
5
|
6
|
Khấu hao hệ thống tưới (triệu đồng/ha, khấu hao 3 năm)
|
|
|
|
20
|
Tổng cộng
|
145
|
Theo năng suất trung bình của đợt 1 là 50 tấn/ha, giá bán trung bình tại vườn thường niên là 7.000 đồng/kg. Tổng thu đạt 350 triệu đồng. Lợi nhuận thu được là 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là một khoản thu nhập khá cao so với thu nhập bình quân trên 1 ha nông nghiệp.
Thực tế lợi nhuận này cao hơn, vì nông dân chỉ sử dụng công lao động của gia đình, không phải thuê mướn. Lợi nhuận của việc trồng chuối già lùn nuôi cấy mô các năm về sau sẽ tăng hơn năm đầu tiên do không phải tốn chi phí đầu tư cây giống lại. Vườn chuối có thể cho thu hoạch 3–4 năm mới phải trồng lại cây giống ban đầu.