Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Sấy khô nông sản là phương pháp chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch hiệu quả. Theo tính toán, nếu công đoạn sấy được thực hiện đạt 1% hiệu quả thì giúp tiết kiệm chi phí sản xuất ra sản phẩm bán ra thị trường là 10%. Ngoài ra, sấy cũng làm tăng giá trị của sản phẩm tạo ra, do bảo quản được chất lượng của sản phẩm, đồng thời mang lại hình thức, màu sắc, hình dáng của thành phẩm được bắt mắt hơn…
Việc ứng dụng công nghệ sấy, áp dụng máy móc sấy vào trong quá trình bảo quản, chế biến các mặt hàng nông sản, thực phẩm là hết sức quan trọng và cần thiết bởi nó giúp giải quyết được các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề tồn động nông sản và nghịch lý được mùa, mất giá,...
Quy trình và phương thức tổ chức thực hiện
Tia hồng ngoại là loại ánh sáng đỏ không trông thấy, có bản chất là sóng điện từ, với bước sóng điện từ dao động từ 0,76-1.000μm.
Sấy bức xạ hồng ngoại là phương pháp sấy vật liệu ẩm sử dụng nguồn phát ra tia hồng ngoại là tác nhân chính để làm bay hơi nước có trong thực phẩm. Nguồn bức xạ hồng ngoại được dùng có hiệu quả cao trong kỹ thuật sấy các vật liệu mỏng (bánh tráng, các loại củ được xắt lát...).
Hầu hết các loại vật liệu ẩm đều được cấu tạo từ nước và các hợp chất hữu cơ. Bên cạnh đó, tại cùng một điều kiện giống nhau thì nước và các loại hợp chất hữu cơ lại hấp thụ năng lượng cực đại của bức xạ hồng ngoại ở những bước sóng khác nhau. Đây chính là đặc điểm để điều chỉnh năng lượng bức xạ về bước sóng thích hợp, khiến nước ở trong vật liệu ẩm bay hơi càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, khả năng làm bay hơi nước tự do bằng bước sóng, thì nhiệt độ cũng đóng vai trò quan trọng vào quá trình làm khô vật liệu ẩm, do tính chất nhiệt mà tia hồng ngoại sinh ra. Vì vậy, có hai tác nhân chính để làm khô vật liệu ẩm là bước sóng của tia hồng ngoại và nhiệt độ do tia hồng ngoại phát ra.
Do trong quá trình sấy bằng bức xạ hồng ngoại có bước sóng (700nm - 1mm), điều khiển được cường độ bức xạ E(W/m2) và sự truyền nhiệt không theo quy luật Fourier và Newton như thông thường, mà do dao động nhiệt của các photon (phát ra từ bức xạ hồng ngoại) va chạm và truyền động năng cho các electron trong môi trường và vật liệu sấy, đưa vật liệu sấy và môi trường trong buồng sấy nhanh đạt đến nhiệt độ yêu cầu và đồng đều, quá trình tách ẩm xảy ra nhanh hơn, rút ngắn thời gian sấy, kết thúc quá trình sấy hơm sớm hơn. Để cho vật liệu được chiếu đều, các nguồn đèn được bố trí khoảng cách thích hợp. Để tăng hiệu suất chiếu, tiết kiệm nhiên liệu, khoảng cách chiếu tối ưu từ nguồn đến vật liệu và vật liệu thích hợp làm tường ngăn cho máy sấy hồng ngoại được xác định.
Hệ thống sấy hồng ngoại thông minh DS.IR-03 có các thông số: năng suất nhỏ (từ 20-30kg nguyên liệu/mẻ); nhiệt độ môi trường sấy (bức xạ) có thể điều chỉnh từ 30-1500C; thời gian sấy từ (6-12) giờ tùy theo loại vật liệu sấy; cường độ bức xa có thể điều chỉnh (0,25-10,5)kW/m2
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
-Công nghệ do Việt Nam làm chủ nên hoàn toàn có đủ năng lực triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất, thay thế máy móc thiết bị ngoại nhập
-Nâng cao giá trị hàng hóa nông sản sấy khô, phục vụ tiêu dùng và xuất khấu, giúp ổn định đầu ra và phát triển.
-Các thông số công nghệ được kiểm soát rất chặt chẽ (nhiệt độ môi trường sấy, vận tốc tác nhân sấy, thời gian sấy và cường độ bức xạ hồng ngoại) bằng chương trình trên máy tính, giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, độ ẩm đạt yêu cầu, kéo dài được thời gian sử dụng, đồng thời giảm tối thiểu chi phí năng lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Giá thành một hệ thống máy chỉ bằng khoảng 1/3-1/2 so với máy ngoại nhập cùng công suất nhưng thời gian bảo hành tốt hơn (2 năm, so với máy ngoại nhập chỉ được bảo hành 1 năm mà không có tính năng điều khiển cường độ bức xạ, không điều khiển tốc độ tác nhân sấy).
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
TS. Nguyễn Tấn Dũng,
Bộ môn Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)
Địa chỉ: số 1, Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP.HCM
Email: [email protected]; Tel: 0918.801670