Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Phương pháp sản xuất muối truyền thống (muối kết tinh trên nền đất) còn gặp nhiều khó khăn như quá trình sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, năng suất, chất lượng thấp, giá muối thấp, hiệu quả kinh tế không cao, làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống diêm dân.
Hiện nay phương pháp sản xuất muối trải bạt kết hợp cất trữ nước chạt cho thấy nhiều ưu điểm như tăng năng suất, chất lượng muối, giá thành sản xuất thấp hơn, giúp bà con diêm dân chủ động trong sản xuất, tránh lệ thuộc vào thời tiết, từ đó góp phần tăng giá bán, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho diêm dân.
Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện
Phương pháp sản xuất muối kết tinh trên nền ruộng trải bạt
Về cơ bản các giai đoạn sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Trong sản xuất, diện tích ô bốc hơi thường chiếm tỷ lệ 85% và ô kết tinh chiếm tỷ lệ 15% trên tổng diện tích sản xuất. Với quy mô sản xuất là 10.000 m2 (1 ha) thì diện tích ô bốc hơi thường đạt 8.500 m2, chia làm 7 ô (bình quân mỗi ô từ 1.100 đến 1.500 m2); diện tích ô kết tinh là 1.500 m2, được chia thành các ô nhỏ để dễ trải bạt và mau thu hoạch.
Phương pháp thu giữ nước chạt
Có thể dùng lu, túi nilon, xây hồ chứa,… để chứa nước chạt. Khi có hiện tượng thời tiết bất thường thì thu giữ toàn bộ nước trong ô kết tinh về hồ chứa, có che mưa. Khi trời nắng thì bơm ra ruộng để kết tinh lại.
Về hồ chứa, có 2 cách xây hồ: xây hồ nổi (xây cao hơn nền ruộng muối, có ưu điểm là khi trời nắng cần tháo nước ra thì có thể tháo dễ dàng); xây hồ chìm (đáy hồ thấp hơn so với nền ruộng muối, ưu điểm là khi trời mưa có thể tháo các van nước để nước tự chảy vào hồ, chi phí đầu tư không cao, hiện là cách làm phù hợp nhất tại huyện Cần Giờ).
Quy trình sản xuất:
Bước 1: Từ nguồn nước biển cung cấp theo kênh cấp 1 vào hồ chứa
Bước 2: Nước biển được bơm từ hồ chứa vào ô số 1 bằng máy bơm
Bước 3: Nước biển được dẫn từ ô số 1 sang ô số 2 bằng 2 ống dẫn nước Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 4: Nước biển được dẫn từ ô số 2 sang ô số 3 bằng 2 ống dẫn nước Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 5: Nước biển được dẫn từ ô số 3 sang ô số 4 bằng 2 ống dẫn nước Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 6: Nước biển được dẫn từ ô số 4 sang ô số 5 bằng 2 ống dẫn nước Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 7: Nước biển được dẫn từ ô số 5 sang ô số 6 bằng 2 ống dẫn nước Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 8: Nước biển được dẫn từ ô số 6 sang ô số 7 qua 2 ống dẫn Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt.
Bước 9: Nước biển từ ô số 7 được dẫn qua hố lắng lọc (thùng, can nhựa) để lắng lọc tạp chất trước khi được dẫn vào hệ thống ô kết tinh trải bạt nhựa bằng 2 ống dẫn Φ150 có van đóng mở hoặc bằng xa quạt. Hệ thống ô kết tinh trải bạt nhựa PVC hoặc PE, thời gian kết tinh 3 ngày.
Bước 10: Xây dựng hầm chứa nước chạt: hầm chứa nước tốt có diện tích khoảng 1% so với tổng diện tích đất làm muối. Độ sâu hầm 1,5m từ mặt đất (nền ô kết tinh); chiều cao hầm 1,8 tính từ đáy (cộng với thành bờ); dung tích 64 m3; phía trên xây dựng khung cây, có bạt che mưa; xung quanh hầm có rãnh thoát nước. Khi trời bắt đầu mưa (hoặc có dự báo), tháo van nước ở những ô kết tinh, để nước trong ô theo hệ thống mương chảy vào hồ chứa (có thể kết hợp với máy bơm). Khi trời tốt (nắng trở lại), tiến hành bơm nước từ trong hồ ra các ô để tiến hành kết tinh.
Bước 11: thu hoạch sản phẩm, chuyển vào kho bảo quản.
Lưu ý: từ bước 1 tới bước 7 không nhất thiết phải tuân thủ lần lượt theo thứ tự, mà có thể phối hợp các bước, sao cho độ mặn nước biển đạt được nồng độ yêu cầu trước khi được đưa vào ô kết tinh. Trong thực tế, người ta dừng thu muối loại I ở nồng độ nước chạt là 27-290Be và dừng thu muối loại II ở nồng độ 300Be. Thời tiết nắng tốt, muối kết tinh nhanh. Khi kết tinh không để quá cạn nước làm lộ đầu muối, sẽ làm chất lượng muối kém. Nước ót là nước còn lại sau khi thu muối, trong đó có chứa nhiều tạp chất nên bỏ đi. Không nên trộn nước ót với nước chạt để tăng nhanh độ mặn vì sẽ làm giảm chất lượng muối. Thường xuyên giữ gìn và đảm bảo môi trường xung quanh hệ thống ô kết tinh sạch sẽ, tránh để bụi, cát, đất rơi vào. Sau khi thu hoạch, muối sạch phải vận chuyển vào kho bảo quản có mái che; kho phải có kết cấu nền dốc để thoát nước ra ngoài, nền kho không tiếp xúc trực tiếp với đất mà thường lót phên nứa hoặc các vật liệu phi kim loại, xung quanh kho phải có mương thoát nước.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (vốn cố định) của sản xuất muối trải bạt là 51,95 triệu đồng (bao gồm: máy bơm, ống bơm nước, đắp bờ, chòi canh, nhà kho, quạt nước, bạt nhựa,…). Chi phí vốn lưu động hàng năm là 35,895 triệu đồng (bao gồm: công lao động, muối giống, xăng dầu, duy tu bảo dưỡng bờ đê bao,…).
Sản xuất muối bằng hồ thu nước chạt có chi phí nguyên vật liệu là 110,9 triệu đồng (bao gồm bạt nhựa, đường ống, lưới lọc, cây bạch đàn, cừ,…); chi phí công lao động là 30 triệu đồng.
Phương pháp sản xuất muối bạt cho năng suất bình quân 71,3 tấn/vụ, tăng hơn 21 tấn/vụ và gấp 1,42 lần so với phương pháp muối đất. Giá muối bạt cao hơn muối đất bình quân từ 12–22%, do chất lượng muối theo phương pháp trải bạt tốt hơn (về độ trắng, tỷ lệ tạp chất).
Về hiệu quả sản xuất, nếu như thu nhập (trừ chi phí, cộng công lao động nhà) bình quân 1 ha muối đất là 56,501 triệu đồng/ha, thì ở phương pháp muối bạt là 92,715 triệu đồng/ha, cao hơn 36,214 triệu đồng/ha (gấp 1,64 lần). Lợi nhuận muối đất là 16,501 triệu đồng/ha, muối bạt là 52,715 triệu đồng/ha, gấp 3,19 lần so với phương pháp sản xuất muối đất (phương pháp truyền thống).