Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Giống xoài chủ lực của Việt Nam hiện nay là xoài cát Hòa Lộc. Ngoài việc xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…. phần lớn xoài trong nước được phân phối qua các chợ truyền thống do 90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua rau quả ở các kênh này. Các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây cao cấp mới chỉ phục vụ cho một phần rất nhỏ người tiêu dùng, chỉ khoảng 2% ở Hà Nội và 3,5% ở TP.HCM.
Cây thanh long là cây ăn trái thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Columbia. Phần lớn thanh long ở Việt Nam là loài Hylocereus undatus, có ruột trắng hoặc ruột đỏ, được trồng rộng rãi tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang với diện tích sản xuất hơn 37.000 ha. Sản phẩm thanh long lưu thông trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, trong đó, 80-85% sản lượng được xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, còn lại từ 15-20% được các doanh nghiệp và cơ sở thu mua, đóng gói đem đi tiêu thụ trong nước thông qua các kênh phân phối, chợ đầu mối và siêu thị ở các tỉnh, thành phố.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Nguyên vật liệu và thiết bị
Đối với xoài
- Bồn sát trùng Ozone.
- Màng bán thấm Chitosan (thành phần gồm 15g chitosan hòa tan trong 1 lít Axit axetic 1%, 30g Oleic acid, 1g Tween 80, 2g Na Benzoat, 0,1g Methyl jasmonat, pH=5,6).
- Chất khử ethylen dạng viên (thành phần KMnO4 trộn với chất mang CaSiO3 tỷ lệ 2:1 chứa trong bao vải thưa mỗi bao 1g).
Đối với thanh long
- Màng bán thấm Chitosan.
- Các hóa chất thuộc loại tinh khiết nhập của Công ty KANA Nhật Bản.
Quy trình bảo quản xoài với màng bán thấm chitosan
Nguyên liệu: xoài cát Hòa Lộc, xoài thơm, xoài bưởi…
Chọn mẫu xoài: chọn các trái xoài ở đầu tuần thứ 12 sau khi đậu trái. Thời điểm đậu trái được tính kể từ lúc trái xoài đạt đường kính khoảng 2mm, trái lúc này được phủ một lớp phấn trắng mỏng có độ Brix 6-7%, trọng lượng trái 250-350g/trái, tỷ lệ trọng lượng trái/chiều dài trái đạt khoảng 3,45-3,5g/mm, tỷ lệ trọng lượng trái/bề ngang trái đạt khoảng 5,42-5,77g/mm.
Xử lý bề mặt:
Rửa sạch mủ và đất cát trên vỏ xoài dưới vòi nước, sau đó nhúng xoài vào nước nóng có nhiệt độ từ 50-52°C trong 15 phút rồi để ráo dưới quạt gió.
Nhúng tiếp xoài vào bồn chứa dung dịch O3 100ppm trong 5 phút, rồi để hong khô dưới quạt gió trong 30 phút.
Nhúng ngập trái xoài vào dung dịch Chitosan trong 1 phút và hong khô dưới quạt gió trong 1 giờ để cho mặt xoài vừa khô.
Bảo quản: Cho xoài vào kho mát ở nhiệt độ 5-7°C và ẩm độ 90-95% xen kẽ với túi chứa bột khử ethylen 1 túi/1kg xoài và bảo quản khoảng 38 ngày. Sau đó lấy xoài ra và cho xoài chín bình thường ở nhiệt độ phòng thêm 2 ngày nữa. Tổng cộng thời gian bảo quản xoài được 40 ngày.
Nhúng xoài vào dung dịch O3.
Quy trình bảo quản thanh long với màng bán thấm chitosan
Nguyên liệu: trái thanh long trọng lượng khoảng 310-460g/trái.
Xử lý bề mặt:
Rửa sạch đất cát và côn trùng trên vỏ thanh long dưới vòi nước, sau đó nhúng thanh long vào nước nóng có nhiệt độ từ 50-52°C trong 15 phút rồi để ráo dưới quạt gió.
Nhúng tiếp thanh long vào bồn chứa dung dịch O3 100ppm trong 5 phút, rồi hong khô dưới quạt gió trong 30 phút.
Nhúng ngập trái thanh long vào dung dịch Chitosan trong 1 phút và hong khô dưới quạt gió 1 giờ để cho mặt thanh long vừa khô.
Bảo quản: cho thanh long vào kho mát ở nhiệt độ 4-6°C và ẩm độ 90-95%. Với màng bán thấm Chitosan, trái thanh long có thể tồn trữ ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ tới hạn mà không bị tổn thương lạnh. Sau đó lấy thanh long ra và cho thanh long chín bình thường ở nhiệt độ phòng thêm 2 ngày nữa. Tổng cộng thời gian bảo quản xoài được 40 ngày.
Nhúng thanh long vào dung dịch O3.
Ưu điểm công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
Kéo dài thời gian bảo quản xoài và thanh long lên đến 40 ngày.
Thành phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn về kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tính toán chi phí
Chi phí hóa chất bảo quản cho xoài và thanh long là 58.250 đồng/500kg, trong đó:
Dung dịch tạo màng Chitosan: 2,5 lít × 18.100 đồng/lít = 45.250 đồng
Bột khử ethylen: 500 bao × 26 đồng/bao = 13.000 đồng.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Họ và tên: TS. Trần Lê Quan
Đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu Hóa sinh Ứng dụng