SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình thu hoạch một số loại rau quy mô hợp tác xã tại TP.HCM

Rau là nguồn thực phẩm không thể thiếu được trong khẩu phần ăn của mọi gia đình khiến cho nhu cầu tiêu thu rau ở các đô thị đông dân cư như TP.HCM là rất lớn. Nhưng trong quá trình vận chuyển và bảo quản, rau rất dễ bị hỏng và dập nát hoặc bị các loại vi sinh vật, côn trùng, sâu bọ gây hại, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ứng rau. Vì vậy, quy trình công nghệ thu hoạch một số loại rau quy mô hợp tác xã với các ưu điểm như tránh làm giảm thời gian bảo quản, đồng thời hạn chế tổn thương cơ học ở rau sẽ là biện pháp đảm bảo chất lượng và số lượng rau khi thu hoạch và vận chuyển.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác khoảng 3.486 ha. Trong đó, huyện Củ Chi có khoảng 21 xã, thị trấn với diện tích sản xuất là 2.398 ha; Bình Chánh có khoảng 15 xã, với diện tích sản xuất là 544 ha; Hóc Môn có khoảng 10 xã, với diện tích sản xuất là 528ha, phần còn lại là ở các quận, huyện vùng ven khác.

Đối với hệ thống phân phối, hiện có trên 30 doanh nghiệp, cùng với nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tham gia tích cực trong việc tiêu thụ rau an toàn nhưng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu rau của TP.HCM. Trong đó, lượng rau mua bán qua hợp đồng mới chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại phần lớn là được các thương lái thu gom và bán qua các chợ đầu mối, một số ít được nông dân bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện
Xây dựng kho tạm trữ rau

Kết cấu: kho có diện tích 17,5m2, chứa được 1.500kg rau ăn lá hoặc trên 1.500kg rau ăn trái. Nền kho lát gạch men, trần làm bằng nhựa, vách bên trái được lắp ống dẫn gió từ thiết bị làm mát - tạo ẩm đi vào.

Vật liệu làm mát - tạo ẩm: sử dụng tấm tổ ong CeLPad 0790 (HuTek (ASIA), Thái Lan) chế tạo từ giấy xelulo tẩm hóa chất đặc biệt, thời gian sử dụng 4-7 năm. Giá thành tại Việt Nam khoảng 650 ngàn đồng/m2. Kích thước tấm làm mát-tạo ẩm là 0,6x0,15x0,9m.

Số tấm làm mát - tạo ẩm: 4 tấm.

Thông số vận hành thiết bị trong kho:

Lưu lượng quạt: 2.500m3/h.

Lưu lượng nước cấp: 2m3/giờ (33 lít/phút).

Lượng điện tiêu thụ: 7,2kWh/24 giờ.

Lượng nước tiêu thụ: 120 lít/24 giờ (thay nước mỗi ngày).

Độ ẩm tăng trung bình: 28%.

Độ giảm nhiệt độ trung bình: 3,10C

Khả năng tạm trữ: 1.500kg/mẻ

Quy trình thu hoạch rau ăn lá (cải ngọt, cải xanh và rau muống)

Thu hoạch: nhổ từng cây rồi dùng dao sắc cắt bỏ gốc, lá già, lá sâu bệnh, sau đó xếp nằm vào rổ nhựa (xếp từ 15-20 kg rau/rổ, không xếp quá đầy), tránh để rổ rau dưới ánh nắng trực tiếp.

  • Giống No.4 (Công ty Giống cây trồng Miền Nam) có thể thu hoạch sau khi trồng 16-17 ngày vào mùa khô và 19-20 ngày vào mùa mưa.
  • Cải xanh giống TN F1 587 (Công ty Trang Nông) có thể thu hoạch sau 17-19 ngày.
  • Rau muống giống TN F1 (Công ty Trang Nông) có thể thu hoạch sau 21-24 ngày vào mùa khô và 24-26 ngày vào mùa mưa

Vận chuyển: để tránh tổn thương cho rau, phải vận chuyển cả rổ (không sang rổ). Quá trình vận chuyển, xếp hàng và dỡ hàng cần tiến hành nhanh chóng, không để rau quá lâu làm khối rau bốc nóng hoặc héo. Khi tới nhà đóng gói, phải nhanh chóng chuyển rau sang công đoạn tiếp theo (có thể cân lại hoặc không tùy điều kiện cụ thể).

Phân loại tại nhà và đóng gói: việc phân loại phải theo yêu cầu của thị trường, loại tốt cho thị trường có giá trị cao, loại thường cho cho thị trường phổ thông và loại bỏ rau hư hỏng, sâu bệnh, dập nát.

Rửa lần 1: bỏ rau vào bồn rửa và ngâm ngập trong nước 10 phút, kết hợp giũ để rau không dính vào nhau. Dùng tay rửa rau nhẹ nhàng, đồng thời cho rau di chuyển ngược dòng nước theo hướng nước sạch trong bể rửa. Sau đó vớt rau ra và xếp đứng vào rổ nhựa (mỗi rổ kích thước 61x41x38cm, chỉ xếp 5-7kg/rổ). 

Nước của bồn rửa lần 1 luôn được bổ sung từ nước rửa lần 3, vì vậy, cần xả bỏ bớt nước bẩn trong quá trình làm việc, thay toàn bộ nước trong bồn và rửa sạch bồn sau mỗi ca làm việc.

Rửa lần 2: trước mỗi ca làm việc, xả bỏ toàn bộ nước cũ, rửa sạch bồn và bổ sung nước sạch vào tới mực nước có thể ngập toàn bộ rổ rau. Bật máy tạo ozone đến khi nước có nồng độ ozone từ 2-3ppm thì bắt đầu cho rau vào, nhúng toàn bộ rổ rau ngập trong nước 15 phút, sau đó nhấc rổ rau ra rồi mang đi rửa lần 3. Thay nước bồn sục ozone sau khi xử lý từ 500-800kg rau (tùy mức độ bẩn của rau).

Rửa lần 3: các rổ rau được xối rửa lại dưới vòi hoa sen có tia nước áp lực thấp từ 2-4 phút để loại bỏ các tạp chất trên bề mặt rau, sau đó chuyển các rổ rau qua công đoạn làm ráo nước.

Lưu ý: nước dùng để rửa rau ở công đoạn này là nước sinh hoạt của thành phố, hoặc nước ngầm đã được xử lý bằng UV hoặc ozone đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

Làm ráo nước: dùng 1 trong 2 cách sau:

  • Để ráo nước tự nhiên: xếp thưa rau từ 5-7kg/rổ, để rau đứng trong trong rổ khoảng 2-3 giờ cho đến khi rau ráo và không còn đọng nước ở cả lá, thân và gốc, lá rau không dính vào nhau. Chú ý định kỳ kiểm tra và hơi lắc rổ để rau mau ráo và tách các khối rau bị dính ra.
  • Sử dụng máy ly tâm: xếp đứng rau lên máy ly tâm, chú ý tránh cho rau bị xô, gãy và hạn chế sự mất cân bằng của máy. Số lượng rau mỗi mẻ ly tâm phụ thuộc vào công suất của máy, thời gian ly tâm mỗi mẻ khoảng 3-5 phút. Sau khi ly tâm, rau có thể đưa ngay sang phần đóng gói và tạm trữ chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Đóng gói: đóng trong bao PE đục lỗ hoặc xếp trực tiếp trong các rổ nhựa:

  • Đóng bao PE: sử dụng loại bao PE có chiều dày 0,05-0,08mm, đục từ 10-12 lỗ có đường kính 7,5mm. Kích thước bao theo chiều dài cây rau (dài 45cm đối với rau muống, 35cm đối với cải xanh và cải ngọt), bề rộng bao khoảng 25cm để có thể đóng gói từ 0,5–1kg rau. Sau đó, các bao rau được xếp vào các rổ nhựa để chuyển sang khâu tạm trữ (xếp rau đứng, xếp lỏng) hoặc chờ vận chuyển tới thị trường tiêu thụ (xếp ngang).
  • Xếp trực tiếp trong rổ nhựa: xếp đứng rau nếu đưa vào tạm trữ hoặc xếp ngang nếu chuẩn bị mang đi vận chuyển. Không lèn chặt làm tổn thương rau (chỉ xếp khoảng 5-7kg/rổ nếu đưa vào tạm trữ hoặc 15-20kg/rổ nếu chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ). Không xếp rau cao hơn miệng rổ giúp tiết kiệm không gian vận chuyển và các rổ rau có thể xếp chồng lên nhau trong xe.

Tạm trữ: trước xếp rau vào kho tạm trữ, vệ sinh sạch sẽ kho và bật máy để làm mát và tạo độ ẩm trước khoảng 30 phút. Rau được để đứng cây, các rổ được chồng lên nhau (tùy số lượng tạm trữ) trên các pallet, các rổ rau cách tường 10-15cm, giữa các hàng rổ cách nhau 10-15cm, tránh để rổ rau ở cửa thổi trực tiếp làm héo rau. Sau khi xếp xong, dùng tấm nilon quấn xung quanh và phủ lên trên cả khối hàng, giữa tấm quấn quanh và tấm phủ trên để khoảng hở để khí nóng trong khối rau thoát ra.

Vận chuyển: chuyển rau từ nhà đóng gói tới nơi tiêu thụ (siêu thị, trường học…) bằng xe tải khi trời mát và khô ráo.

Quy trình thu hoạch rau ăn trái (dưa leo, đậu bắp và khổ qua)

Thu hoạch: dùng kéo hoặc dao sắc cắt cuống dài 5-10mm, sau đó xếp vào rổ nhựa đã được lót giấy sạch, mỗi rổ xếp từ 15-20kg rau.

  • Thu hoạch dưa leo giống F1 NOVA 474 (Công ty Đông Tây) sau khi gieo hạt từ 30-35 ngày.
  • Thu hoạch đậu bắp giống VN-1 (Công ty Giống cây trồng Miền Nam) sau khi gieo hạt từ 30-35 ngày.
  • Thu hoạch khổ qua sau khi đậu trái 7 - 9 ngày.

Phân loại: làm tương tự như rau ăn lá. Chú ý chỉ loại rau non hơn mới có thể tạm trữ vài ngày mới cung cấp cho thị trường.

Đóng gói: đóng trong bao PE đục lỗ hoặc xếp trực tiếp trong các rổ nhựa:

  • Đóng bao PE: sử dụng loại bao PE có chiều dày 0,05-0,08mm, đục từ 8-10 lỗ có đường kính 7,5mm. Kích thước bao (dài x rộng) 30x20cm
  • Xếp trực tiếp trong rổ nhựa: lót giấy sạch bên trong rổ rồi xếp rau vào. Có thể xếp vào mỗi rổ từ 15-20kg rau nếu đưa vào tạm trữ hoặc từ 20-25kg rau nếu chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ.

Tạm trữ: làm tương tự như rau ăn lá và có thể tạm trữ chung với rau ăn lá.

 

Hiệu quả kinh tế

Chi phí đầu tư cho mô hình tạm trữ rau 1.500 kg/mẻ (tham khảo).

Đầu tư mua thiết bị làm mát - tạo ẩm và xây dựng nhà tạm trữ: 48,2 triệu đồng. Khấu hao thiết bị và nhà xưởng (sử dụng 5 năm): 803 ngàn đồng/tháng.

Chi phí vận hành: 71 đồng/kg rau/ngày.

Lưu ý: nếu tận dụng được nhà xưởng có sẵn, hoặc chỉ làm khung, phủ bạt đơn giản để tạm trữ thì chi phí đầu tư thiết bị và nhà tạm trữ sẽ giảm khoảng 70%.

Chênh lệch giá bán rau từ quy trình và phương pháp truyền thống khi tạm trữ 1 ngày là:

  • Rau ăn lá: 778 đ/kg.
  • Rau ăn trái: 161 đ/kg.

Chênh lệch giá bán rau từ quy trình và phương pháp truyền thống khi tạm trữ 2 ngày là:

  • Rau ăn lá: 1.326 đ/kg.
  • Rau ăn trái: 574 đ/kg.

 

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

HTX Sản xuất Rau an toàn Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.