Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc nuôi TCX toàn đực bán thâm canh đã được triển khai ở một số tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,…cho hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định.
Tại khu vực TP.HCM, nghề nuôi tôm hiện phổ biến với nhiều hình thức như nuôi kết hợp trên ruộng lúa, nuôi trong mương vườn, nuôi ao và nuôi đăng quầng. Năng suất thường đạt 100–300 kg/ha đối với nuôi ruộng, 500–1.200 kg/ha đối với nuôi ao và 1,2-5 tấn/ha/vụ đối với nuôi trong đăng quầng. Gần đây, một bộ phận nông dân nuôi thử nghiệm TCX (vào mùa mưa) luân canh với nuôi thủy sản khác bước đầu cho kết quả khả quan: tôm tăng trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, chất lượng và giá trị kinh tế rất cao,… Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với nghề nuôi tôm càng xanh hiện nay là yếu tố con giống và kỹ thuật nuôi. Tại TP.HCM nói chung và Quận 9 nói riêng, nhu cầu nuôi TCX rất lớn, người nuôi tôm thật sự có nhu cầu đàn tôm giống chất lượng cao, tỷ lệ kích cỡ thương phẩm đồng đều. Do vậy, việc xây dựng mô hình nuôi luân canh và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi TCX toàn đực là cần thiết, cho hiệu quả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện
Các yếu tố môi trường
TCX sinh trưởng tốt trong môi trường nước trung tính, pH dao động từ 7–8; nhiệt độ 25-30oC; môi trường nước sạch, không nhiễm mặn, phèn và nhiễm bẩn; oxy hòa tan tối thiểu 3mg/L; độ mặn 0-15‰.
Quy trình ương tôm càng xanh
Ương trong ao, ruộng lúa
Chọn ao có diện tích 200-500m2. Đối với ao đất, trước khi ương cần tiến hành xử lý, cải tạo ao. Ương trong ao định kỳ 15-20 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay không quá 50% lượng nước (chỉ cần thay 20-30%).
Ương trong bể xi măng, bể bạt
+ Bể xi măng kích thước 10-20m3.
+ Ương trong hồ bạt - hồ xi măng, 2 ngày thay nước 1 lần.
Ương trong giai lưới, vèo
+ Giai - vèo chọn kích thước 10-50m2. Có thể chọn nơi có nền đáy sạch, dòng chảy vừa phải để đặt vèo lưới. Độ sâu mực nước trong giai - vèo trên 0,8m.
+ Nên chủ động vệ sinh 3-5 ngày/lần, chà rong rêu, chất hữu cơ bám quanh lưới.
* Yêu cầu chung:
+ Ao – vèo (giai) chọn hình chữ nhật. Có hai cống riêng biệt chủ động trong việc cấp và thoát nước. Quanh khu ương có lưới, ngăn chặn cá tạp từ ngoài vào ao ương. Ngoài ra, có thể quây lưới trong ao nuôi, ương tôm trong đó, khi tôm lớn, tháo lưới để tôm tản ra khắp ao.
+ Thời gian chuyển tôm bột vào lúc sáng sớm, chiều mát. Khi thả cần có thời gian ngâm bao oxy chứa tôm bột xuống ao (bể, giai) dự kiến thả giống trong thời gian 15-30 phút, để các thông số hai môi trường cân bằng nhau.
+ Mật độ ương dao động tùy theo mô hình và điều kiện ương, trung bình từ 300–500 con/m2.
+ Thức ăn cho tôm con giai đoạn này gồm: trong 10 ngày đầu ăn cá biển hấp chín, tán nhuyễn, rải quanh khu ương nuôi. Sau 10 ngày, bổ sung thêm trùn chỉ, cám viên dạng nhỏ. Ngày cho tôm ăn 3-4 lần, thức ăn cho vào máng, chủ động điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của tôm. Lượng ăn mỗi ngày cho 15.000 Postlarvae gồm 1kg cá biển, 2 lòng đỏ trứng, 2g Vitamine C, 2g Premix. Tất cả xay nhuyễn, hấp chín, rải đều cho tôm sử dụng.
Kỹ thuật nuôi tôm trong ao (mô hình nuôi chuyên bán công nghiệp)
Chuẩn bị ao nuôi
+ Địa điểm và công trình ao nuôi:
Ao nuôi TCX thường được xây dựng ở vùng gần kênh, rạch nơi có thể trao đổi nước dễ dàng có thể bằng thủy triều hay máy bơm. Đặc biệt là không bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp hay hóa chất trong nông nghiệp. Một trong những tính chất quan trọng nhất của đất đối với ao nuôi là tính giữ nước và không sinh phèn. Đất sét, thịt pha sét đều đảm bảo được chức năng giữ nước.
Ao có hình chữ nhật là thích hợp nhất, diện tích nuôi thích hợp từ 1.000–5.000 m2. Mức nước thích hợp từ 1-1,5m. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ, không hang hốc làm nơi trú ẩn cho các sinh vật hại tôm. Đối với nuôi tôm xen trong ruộng lúa cần lưu ý: bờ bao phải chắc chắn, bề rộng mặt bờ 1–2m; mặt bờ cao hơn mức nước cao nhất 0,5m.
+ Cải tạo ao nuôi:
Xả cạn nước, sên vét bùn đáy, chừa lớp bùn dày không quá 10cm. Tiến hành bón vôi cho ao, dùng vôi sống CaO, hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 bón cho ao lượng 10-12 kg/100m2, sau khi bón vôi phơi nắng 5-7 ngày.
+ Chuẩn bị ao:
Bao lưới quanh khu vực ao nuôi, ngăn chặn sự xâm nhập của cá dữ, địch hại vào trong ao nuôi. Lưới cao từ 1-1,5m (cỡ lưới 5mm), chân lưới chôn sâu xuống chân bờ 0,2–0,3m. Lấy nước vào ao qua túi lọc nước, hoặc lưới chắn tạp ngăn đầu cống cấp. Mức nước lấy vào ao từ 1,2-1,5m, tiến hành gây màu nước ao nuôi. Dùng phân chuồng đã ủ hoai, lượng 25-30kg/100m2. Tốt nhất là dùng phân vô cơ như DAP lượng 200-300g/100m2 ao nuôi. Khi nước ao nuôi có màu xanh noãn chuối non, hoặc màu vàng vỏ đậu xanh thì tiến hành thả giống.
+ Vệ sinh ao nuôi:
Ao nuôi phải sên vét lớp bùn đáy để loại bỏ hết lớp bùn lắng tụ ở đáy, mầm bệnh và khí độc. Ao cần phơi đáy, nhằm hạn chế dịch bệnh và địch hại, đồng thời công việc này giúp oxy hóa các vật chất hữu cơ còn lại ở đáy đồng thời giải phóng các khí độc như H2S, NH3,... trong đất đáy ao.
Chọn giống và thả giống
Với những ao tiến hành cải tạo triệt để, có thể thả nuôi từ cỡ postlarvae 15. Những ao không thể gạn cạn nước, ao có thời gian nuôi lệ thuộc vào thời tiết, cần ương tôm lên cỡ 2-3 cm, thả nuôi an toàn hơn. Chọn tôm giống có cỡ loại đồng đều nhau, hạn chế chênh lệch đàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ sống.
Kích cỡ giống thả (giống nhân tạo): từ 1,2-1,5 cm. Đối với nuôi xen trong ruộng lúa hoặc xen trong vườn có thể thả giống tự nhiên với kích cỡ lớn hơn. Với giống tự nhiên cần chọn nguồn giống được khai thác gần khu vực nuôi.
Mật độ và cách thả
Giống nhân tạo cỡ 0,5g/con thả 10-15 con/m2. Nếu dùng con giống tự nhiên thả với mật độ 5-7 con/m2. Thời gian thả tôm nên thực hiện vào lúc sáng sớm, chiều mát. Nếu chuyển giống từ xa về, khi thả cần có thời gian ngâm bao oxy chứa tôm con xuống ao dự kiến thả giống trong thời gian 15-30 phút, để các thông số hai môi trường cân bằng nhau, hạn chế sốc cho tôm con.
Quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi
Do việc nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh nghĩa là thức ăn tự nhiên vẫn còn vai trò quan trọng, đan lồng trong việc dùng thức ăn viên, nhằm hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nên cần chọn thức ăn có hàm lượng đạm từ 25-30%. Căn cứ vào chất lượng môi trường ao nuôi, mương dơ hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn. Kết hợp sàng ăn và rải thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.
Cần theo dõi hàng ngày, duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng phù hợp như lượng oxy hòa tan, pH nước ao, nhiệt độ, độ mặn, độ đục, độ trong nước ao, các khí độc,...
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Tôm dễ nuôi, ít bị bệnh, phát triển tốt ở vùng nước ngọt và cả nước lợ có độ mặn lên đến 8‰ nên rất phù hợp để phát triển mở rộng diện tích nuôi ở nhiều vùng với nhiều hình thức khác nhau, vừa giảm được chi phí, thời gian nuôi vừa nâng cao được giá trị con tôm.
- Nuôi TCX toàn đực không sử dụng thuốc và hóa chất như nuôi tôm biển, nên không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thủy hải sản khác nên ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Mô hình nuôi TCX toàn đực bằng con giống nhân tạo đã phần nào giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
Hiệu quả kinh tế
Hiện nay, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mà thời gian nuôi TCX toàn đực rút ngắn thời gian từ 8-10 tháng còn khoảng 6-7 tháng.
Với giá bán khoảng 150–450 ngàn đồng/kg (tùy theo kích cỡ), nuôi TCX toàn đực bán công nghiệp có thể thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Địa chỉ mô hình sản xuất tiêu biểu
- Hộ Phan Công Nữ. Địa chỉ: Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường, Quận 9.
- Hộ Đỗ Thành Sang. Địa chỉ: KP4, phường Phú Hữu, Quận 9
- Hộ Trần Thanh Võ. Địa chỉ: KP2, phường Long Trường, Quận 9
- Hộ Bà Nguyễn Thị Ánh Loan. Địa chỉ: HTX Tương Lai, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi
Địa chỉ cung cấp giống
- Trại Thực nghiệm nuôi thủy sản Thủ Đức (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II), 116 Nguyễn Đình Chiểu, phường ĐaKao, Quận 1, TP.HCM.
- Công ty Sản xuất và Dịch vụ KH&CN Thủy sản, 658 Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM.