SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình trồng và chăm sóc lan Hồ điệp

Hồ điệp (Phaleanopsis) là một trong những loại hoa mang lại doanh thu lớn trên thị trường thế giới. Đông Á chiếm ưu thế trong sản xuất  lan Hồ điệp. Tổng số cây được sản xuất hàng năm vào khoảng 125–175 triệu cây. Các nước có quy mô sản xuất lớn tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, với khoảng 60 triệu cây.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Việt Nam có khí hậu thích hợp và có nhiều nguyên liệu làm giá thể tốt cho lan Hồ điệp sinh trưởng và phát triển, nhiều tiềm năng trở thành một nước sản xuất lan Hồ điệp lớn trong khu vực. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2004, diện tích trồng hoa của cả nước xấp xỉ 9.000 ha (Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Thị Kim Lý, 2005).

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả), từ năm 2008 đến nay, quy mô sản xuất lan Hồ điệp thương mại tăng lên đáng kể và dần đều qua các năm, cả về diện tích, số lượng, cũng như mức độ đầu tư: diện tích toàn miền Bắc trước năm 2005 là 1.200m2 và 23.000 cây, năm 2012 diện tích toàn miền đã tăng lên 24.100m2 và 333.000 cây. Tuy thế, lượng cung vẫn không đủ cầu và phải nhập 230.000 cây từ Trung Quốc và Đài Loan. Nhu cầu cây giống và cây lan thương mại của Việt Nam cao như vậy nhưng thực tế về phương thức sản xuất hoa lan Hồ điệp ở miền Bắc Việt Nam chủ yếu vẫn là hình thức nhập cây con, cây nhỡ và cây đã có ngồng về chờ hoa nở để tiêu thụ. Từ năm 2008-2012, hình thức nhập cây giống về để sản xuất tăng dần. Số lượng nhập cây nhỡ giảm đi nhưng số lượng nhập cây ngồng vẫn cao. Như vậy, việc sản xuất giống ở Việt nam còn rất hạn chế, không chủ động nguồn giống trong sản xuất cả về số lượng cũng như chủng loại (Nguyễn Thị Sơn và ctv, 2014).

Là một trong những khu vực xuất hiện nhiều loại lan quý trên thế giới, với điều kiện khí hậu, ẩm độ, nhiệt độ, cường độ ánh sáng của miền Bắc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với các vùng trồng hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp như Quảng Châu (Trung Quốc), Cao Hùng (Đài Loan). Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển sản xuất lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp, tuy nhiên nếu trồng ở điều kiện tự nhiên lan Hồ điệp sẽ ra mầm hoa sau đợt gió mùa Đông Bắc vào khoảng tháng 10 dương lịch, cho hoa nở vào tháng 2–3 dương lịch năm sau (chậm so với Tết âm lịch 30–50 ngày), mặt khác để nở tự nhiên hoa ra không đồng đều, chỉ đạt 35,5% số cây cho hoa nở.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng lớn trong sản xuất phong lan, nhưng thực tế hiện nay là: trong khi nhu cầu hoa lan nội địa và nhu cầu xuất khẩu đang ở mức cao thì Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm để nhập khẩu lan. Tìm giải pháp phát huy tiềm năng của ngành lan Việt Nam là một trong những vấn đề được quan tâm trong Đề án phát huy tiềm năng xuất khẩu rau hoa quả mà Bộ Thương mại đã và đang triển khai hiện nay (Đặng Văn Đông, 2004).

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất

Vườn trồng

Đảm bảo tối thiểu các yêu cầu:        

- Vườn cây con được thiết kế theo kiểu mái vòm hoặc chữ A, cao 4–5 m, xung quanh che lưới chắn gió nhưng phải thật thoáng mát, tuyệt đối không cho ánh sáng trực tiếp vào lan Hồ điệp.

- Vườn phải có mái che mưa, lưới cắt nắng hai lớp trong đó lớp phía dưới có thể di chuyển để điều chỉnh ánh sáng.

- Vườn phải thoáng mát, nhiệt độ trong vườn không được cao hơn nhiệt độ bình thường bên ngoài.

 - Giàn cây nên thiết kế cách mặt đất tối thiểu 70-80cm. Chiều rộng luống khoảng 1,2–1,6m tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Vật liệu làm giàn có thể là tre, gỗ, hoặc bằng sắt tùy điều kiện kinh tế nhưng phải đảm bảo chắc chắn.

Tùy vào khả năng mà vườn có thể thiết kế thêm lưới chống côn trùng xung quanh, hệ thống tưới phun, hệ thống phun sương làm mát không khí trong nhà, hệ thống tưới phun làm mát trên mái,…

- Ở địa phương không đảm bảo điều kiện để cho cây ra hoa, cần phải nhà để xử lý lạnh, hoặc vận chuyện đến vùng khác để đảm bảo điều kiện cho cây ra hoa.

Chuẩn bị giá thể

- Sử dụng dớn mềm Trung Quốc, New Zealand hoặc dớn mềm Chi Lê đã được xử lý an toàn nấm bệnh làm giá thể.

- Dớn có đặc tính tơi xốp và thoáng khí, đồng thời có khả năng giữ nước tốt.

- Dớn được làm tơi xốp và tưới đủ ẩm trước khi sử dụng để trồng, dớn trồng không được quá ẩm và cũng không được khô.

Chậu trồng

- Chậu trồng lan Hồ điệp là chậu không sâu, nhỏ, màu trắng.

- Khi cây còn nhỏ dùng chậu có đường kính 5 cm, sau 4-6 tháng khi cây có khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 12 cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3 cm. Sau giai đoạn trồng từ 9-12 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 18 cm thì tiếp tục chuyển sang chậu có đường kính 12 cm. 

Cách trồng cây con

Cách trồng

- Cây con trong chai được lấy ra nhẹ nhàng, rửa sạch môi trường còn dính trên rễ cây đến khi thấy không còn nhớt, cắt bỏ những rễ, lá bị hư, thối. Sau đó xếp cây lên khay hoặc rổ nhựa cho ráo nước, nhưng không để quá khô làm mất sức của cây.

- Khi cây đã ráo nước tiến hành trồng ngay vào chậu nhựa trong, giá thể là dớn mềm đã được xử ‎lý như sau:

+ Bước 1: dớn được làm tơi xốp;

+ Bước 2: tưới phun sương giúp dớn ướt đều bề mặt;

+ Bước 3: vắt ráo nước rồi mới bắt đầu trồng.

Sau khi xử lý dớn xong, tiến hành bó cây đều quanh gốc, sau đó đặt vào chậu nhựa. Chậu nhựa được lót một lớp xốp hay than củi mỏng (từ 0,5-1,5 cm), chú ý bó dớn không quá chặt hoặc quá lỏng. Sau khi trồng 3–5 giờ tiến hành phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn với nồng độ bằng ½ nồng độ khuyến cáo, định kỳ 3 ngày/lần.

Chăm sóc

* Điều kiện ở vườn ươm: nên giữ nhiệt độ thích hợp trong vườn ươm ở mức 23-280C, đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt, độ ẩm 70-80%. Che mưa tuyệt đối, che sáng 50-70%.

* Bón phân: giai đoạn từ khi trồng đến 1 tháng, liều lượng phân chỉ sử dụng bằng 1/3 liều khuyến cáo với định kỳ 3 ngày/lần. Sau 1 tháng chế độ chăm sóc như sau:

- Sử dụng phân vô cơ chuyên dùng có hàm lượng đạm cao như: NPK 30-10-10, phân cá Fish Emulsion 5-1-1, định kỳ phun 2 lần/ tuần, nồng độ phun bằng ½ liều khuyến cáo trong 4 tháng đầu, sau đó phun như khuyến cáo. Cứ 3 định kỳ phun phân vô cơ xen kẽ 1 định kỳ phun phân hữu cơ (Fish Emulsion) + 1 định kỳ phun B1.

- Sau khi cây có từ 4 lá trở lên (tương đương cây ≥ 15 tháng), giai đoạn này là cây chuẩn bị ra hoa, do đó quá trình chăm sóc nên chú ‎ ý về điều kiện nhiệt độ và chế độ phân bón. Thời điểm này nên tăng hàm lượng lân và kali để đảm bảo tăng tỷ lệ hoa và chất lượng hoa (chú ý Hồ điệp ra hoa không phụ thuộc vào hàm lượng phân NPK mà phụ thuộc vào yếu tố nhiệt độ). Trong thời gian này, duy trì nhiệt độ thấp từ 18-250C hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8-100C. Lan Hồ điệp có hoa liên tục, do đó xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, khoảng cách giữa các hoa càng ngắn. Nếu nhiệt độ trên 250C thì không thể phân hóa hoa, dưới 150C thì không ra nụ, ra hoa. Trước khi đưa vào xử lý 10 ngày tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 1g/lít nước, thời gian phun 7-10 ngày/lần, để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu hơn.

* Tưới nước

- Là khâu quan trọng, giúp duy trì ẩm độ thích hợp cho cây. Cây cần đảm bảo ẩm độ từ 50–70%. Do đó quá trình tưới cần đảm bảo độ ẩm thích hợp giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Tùy thuộc vào độ ẩm của giá thể mà có thể tưới một hay nhiều lần. Hàng ngày tưới phun sương nhẹ 2 lần vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều. Lan Hồ điệp là loại cây rất dễ bị thối nhũng nên khi tưới phun cần đảm bảo trên bề mặt lá không bị đọng nước. Do đó, cần tưới đẫm vào chậu là thích hợp nhất.

* Thay chậu lần thứ nhất: sau khi trồng được từ 4-6 tháng, lúc này khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12 cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3 cm. Lấy cây ra khỏi bầu, tách bỏ giá thể cũ và thay bằng giá thể mới rồi trồng lại vào chậu mới nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến rễ. Dưới đáy chậu lót 1-2 miếng xốp giúp chậu thoát nước tốt, tránh làm cây bị úng. Sau khi thay chậu khoảng 3-5 giờ tiến hành phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn. Trong 4 tuần đầu sau khi trồng, tưới phun nhẹ trên bề mặt lá và giá thể, giữ ẩm môi trường xung quanh. Sau khoảng 2 ngày có thể bón phân, lượng phân bón NPK theo tỷ lệ 30-10-10 pha 0,5g/1lít nước, ngoài ra có thể bổ sung các loại phân hữu cơ như Humix, Dynamic, Seaweed,…

*  Thay chậu lần thứ hai: lần thay chậu thứ 2 cũng là lần thay chậu cuối cùng, được xác định khi cây có khoảng cách 2 lá đạt khoảng 18cm, tương ứng với giai đoạn cây được 9–12 tháng tuổi. Sử dụng chậu có đường kính khoảng 12 cm. Cách thay chậu tương tự như lần đầu nhưng chú ý dùng kéo cắt bớt các rễ già trước khi trồng lại. Yêu cầu ngoại cảnh trong giai đoạn này như sau: che sáng đối với mùa hè là 60-70% và mùa đông 40–50%, nhiệt độ 20–280C, độ ẩm 70-80%. Sau khi chuyển chậu lần thứ 2 khoảng 5–6 tháng cây có khoảng 4 lá và bắt đầu phân hoá mầm hoa.Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18–200C, hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8–100C. Lan Hồ điệp có hoa liên tục, vì vậy khi được xử lý nhiệt độ thấp trong thời gian càng dài thì cây ra hoa càng nhiều và khoảng cách giữa các hoa càng ngắn. Nhiệt độ cao trên 250C cây khó phân hóa hoa. Nhiệt độ thấp dưới 150C ra nụ, ra hoa kém.Trong suốt thời kỳ phân hóa mầm hoa đến khi cây nhú phát hoa sử dụng phân có hàm lượng P, K cao. Có thể phun NPK loại 6-30-30 pha 1g/lít nước, thời gian phun 7-10 ngày/lần. Khi cây nở hoa chú ý không tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa. Khi cành hoa nở gần tàn cắt ngay cành hoa và tưới phân NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.

Xử lý phân hóa mầm hoa

Cây lan trồng trong chậu 12 cm được 5-6 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 18-20 cm, rễ ra đều xung quanh bầu là đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa (thời gian từ khi ra ngôi đến khi đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa là 18–20 tháng tuổi).

Có 2 cách xử lý phân hóa mầm hoa:

Cách 1: Xử lý nhân tạo

- Điều kiện xử lý: nhà lưới hiện đại có các thiết bị có thể điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng.

- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3–5 cm (khoảng 45–50 ngày) thì dừng lại.

- Chế độ nhiệt độ: duy trì điều kiện nhiệt độ ban ngày 23–240C (12 giờ), ban đêm 15-160C (12giờ).

- Chế độ ánh sáng: cường độ ánh sáng ban ngày 15.000 – 20.000 lux trong thời gian 6–8 giờ/ngày.

- Phân bón: sử dụng loại phân có NPK 6-30-30+TE, pha với tỷ lệ 1g/ lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5-7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/ lít nước, 5–7 ngày phun 1 lần.

Cách 2: Xử lý trong điều kiện tự nhiên

  - Điều kiện nơi xử lý: chọn những nơi có điều kiện sinh thái mát mẻ (nhiệt độ ban đêm 15-180C, nhiệt độ ban ngày 23–250C, độ ẩm 75–80%), có số giờ chiếu sáng từ 6–10 giờ/ngày với cường độ ánh sáng trên 20.000 lux

  - Chuẩn bị nhà che: làm nhà che kiên cố hoặc nhà che tạm đảm bảo được tránh mưa, nắng trực tiếp, có giàn để cây. Làm hướng nhà và giàn che theo hướng Bắc – Nam để tận dụng được nhiều ánh sáng mặt trời.  

- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3–5 cm (khoảng 45–50 ngày) thì dừng lại và chuyển sang giai đoạn chăm sóc mầm hoa.

- Chế độ ánh sáng: cường độ ánh sáng ban ngày 15.000–20.000 lux, trong khoảng 6–8 tiếng/ngày, có thể điều chỉnh bằng việc kéo và thu lưới đen.

- Phân bón: sử dụng loại phân có NPK tỷ lệ 6-30-30+TE, 1g/ lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5-7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/ lít nước, 5–7 ngày phun 1 lần.

Phòng trừ sâu bệnh

Phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn định kỳ 7 ngày/lần với liều lượng bằng ½ liều khuyến cáo trong tháng đầu. Sau đó phun theo khuyến cáo. Thường gặp các loại bệnh sau:

- Bệnh thối nâu: gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas cattleyae là bệnh phổ biến và trầm trọng nhất đối với lan Hồ điệp. Triệu chứng đầu tiên có thể nhìn thấy là trên lá có những đốm nhỏ màu vàng nhạt, sau đó vết thủng sâu hơn và biến thành màu nâu đậm sũng nước, càng ngày vết bệnh càng lan to dần.

- Bệnh thối mềm: do vi khuẩn Erwinia carottovotaE. Chrysanthemi gây ra. Thường thấy 1/3 lá bị nhũng và ăn sâu vào gốc gây thối cả gốc.

Cách lây bệnh: nước bắn tóe khi phun, sự tiếp xúc giữa cây với cây, các thao tác bằng tay khi tiếp xúc với cây (dịch chuyển, dọn vệ sinh vườn, nhổ cỏ, thu hoạch,…); các dụng cụ bị nhiễm khuẩn, bởi côn trùng, động vật thân mềm,…Môi trường ẩm ướt và thiếu ánh sáng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển. Độ ẩm cao tạo điều kiện cho vi khuẩn xuất hiện, lan truyền, xâm nhiễm và sinh sản.

Kịp thời theo dõi những cây bị bệnh, tất cả lá, thân, rễ bị nhiễm bệnh phải ngay lập tức tập trung tiêu hủy khỏi vườn ươm. Sử dụng phân bón cân đối NPK. Luôn vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh thông thoáng. Sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn như: Starner, Streptomycin, Tetraciline,...

- Bệnh thán thư lá: vết bệnh như vòng tròn đồng tâm có màu vàng, bệnh nặng làm cho lá héo rũ. Sử dụng Score (Difennoconazole), Carbendazim,...

- Nhện đỏ: nhện tấn công ở mặt dưới lá. Những cây bị nhện gây đỏ gây hại còi cọc và rụng lá.Trên lá xuất hiện những đốm nhỏ lõm li ti màu nâu và tạo những màng nhện. Trên phát hoa và hoa cũng cùng triệu chứng tương tự.

Thời tiết khô, ấm là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhện. Tăng độ ẩm và độ ẩm ướt trên lá, nhiệt độ thấp có thể hạn chế sự phát triển của chúng. Nếu bị nhiễm nhẹ, chỉ cần dùng vòi nước xịt mạnh thì có thể rửa trôi, làm giảm số lượng nhện. Nên phối hợp các loại thuốc và thường xuyên thay đổi thuốc để tránh kháng thuốc. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Ortus, Alfamite,…

- Rệp sáp: các loài rệp đều có đặc điểm chung là tiết ra một lớp sáp che chở cho cơ thể, lớp này hình thành nên một lớp vỏ cứng, có hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau. Gây hại bằng cách chích hút. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng. Khi mật số rệp sáp cao, chúng còn là tác nhân tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Chúng gây hại chủ yếu vào mùa nắng.

Để phòng trừ, vệ sinh cho vườn thông thoáng, cắt bỏ các cây, lá có nhiều rệp; phun nước với áp lực mạnh rửa trôi rệp sáp; thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất. Phòng trị rệp sáp rất có hiệu quả khi dùng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Lân hữu cơ, Bi-58, Suprathion 40EC, Xi-men 2SC, Dầu khoáng DC-Tron Plus 98.8EC,...phun trực tiếp vào chỗ có rệp đeo bám.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm:

  • Chủ động nguồn hoa cung cấp cho thị trường.
  • Sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và độ đồng đều cao.

Hiệu quả kinh tế

- Hiệu quả kinh tế đạt 400 – 600 triệu/ha/năm.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Họ và tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt

Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM

Điện thoại: 0935.805.869

Email: [email protected]

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả