SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình nhân giống in vitro cây dược liệu Huyền sâm và Cát cánh

Hai cây thuốc Cát cánh (Platycodon grandiflorum) và Huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl.) nằm trong danh mục 54 loài dược liệu được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để phát triển cho các vùng chuyên canh cây dược liệu. Tuy nhiên với những diện tích chuyên canh lớn, những khó khăn còn gặp phải hiện nay là số lượng giống và chất lượng giống cây con chưa được đảm bảo, quy trình nhân và trồng chưa hợp lý dẫn đến chất lượng đầu ra của cây thuốc còn hạn chế. Do đó đòi hỏi phải có một quy trình nhân giống cung cấp cây giống đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thay thế cho các phương pháp nhân giống truyền thống.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Platycodon là chi chỉ có một loài là cây Cát cánh. Thành phần hóa học chủ yếu ở cây được ghi nhận có Saponin, Platycodin, Polygalacin, Methylplatyconate, Platiconic acid-A-Lactone, Platycodigenin,... có các tác dụng dược lý như ảnh hưởng đối với hệ hô hấp, nội tiết, chuyển hóa lipid, chống nấm, kháng viêm, an thần, giảm đau, giải nhiệt, chống loét dạ dày, ức chế miễn dịch. Cây Huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl.) có thành phần hóa học chủ yếu là Asparagine, Oleic acid, Linoleic acid, Stearic acid, Harpagide, Harpagoside, Ningpoenin, Aucubin, 6-O-Methylcatalpol, với các tác dụng dược lý như tác dụng kháng khuẩn (mạnh đối với Pseudomonas aeruginosa); tác dụng đối với hệ tim mạch, an thần.

Trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc, có rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về Huyền sâm và Cát cánh. Các quy trình vi nhân giống đối với hai cây này, hay các cây khác trong cùng họ, cùng chi cũng đã được công bố rộng rãi. Ở Việt Nam, hiện mới có một vài công trình nghiên cứu về hai cây thuốc này, tuy nhiên vẫn chưa có công trình nào về vi nhân giống được công bố. Các biện pháp nhân giống chủ yếu vẫn là phương pháp truyền thống (gieo hạt và giâm chồi non). Trên thị trường hiện tại cũng chưa có sản phẩm cây con Huyền sâm và Cát cánh từ nuôi cấy mô, mà mới chỉ có cây giống từ gieo hạt truyền thống, với giá bán hạt giống là 25.000 đồng/gói 20 hạt (khoảng 1.250 đồng/hạt giống).

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân giống in vitro cây Huyền sâm

Diễn giải quy trình

Khử trùng mẫu cấy: đoạn thân cây Huyền sâm sau quá trình làm sạch sơ bộ bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước sạch, được khử trùng bằng cồn 700 trong 30 giây, sau đó lắc trong dung dịch sodium hypoclorite 3% trong 10 phút và tween 20, rửa lại bằng nước tiệt trùng 3-5 lần.

Quy trình khử trùng cho tỉ lệ nhiễm thấp (25,8%) và tỉ lệ sống cao (82,5%).

Nuôi cấy tạo nguồn mẫu ban đầu: mẫu sau khi được khử trùng sẽ được cắt thành những đoạn nhỏ chứa mắt ngủ và đặt trên môi trường MS + 1mg/L BA + 0,2mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Nhân nhanh cụm chồi: chồi Huyền sâm in vitro được chuyển qua môi trường nhân nhanh chồi MS + 1 mg/L BA + 0,5 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Ra rễ tạo cây hoàn chỉnh: chồi Huyền sâm được chuyển vào môi trường kích thích tạo rễ MS + 1 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Quy trình nhân giống in vitro cây Cát cánh

Diễn giải quy trình

Khử trùng mẫu cấy: đoạn thân cây Cát cánh sau quá trình làm sạch sơ bộ bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước sạch, được khử trùng bằng cồn 700 trong 30 giây, sau đó lắc trong dung dịch sodium hypoclorite 3% trong 10 phút và tween 20, rửa lại bằng nước tiệt trùng 3-5 lần.

Quy trình khử trùng cho tỉ lệ nhiễm thấp (21,2%) và tỉ lệ sống cao (84,1%).

Nuôi cấy tạo nguồn mẫu ban đầu: mẫu sau khi khử trùng sẽ được cắt thành những đoạn nhỏ chứa mắt ngủ và đặt trên môi trường MS + 0,5 mg/L BA + 0,1 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Nhân nhanh cụm chồi: chồi Cát cánh in vitro được chuyển qua môi trường nhân nhanh chồi MS + 0,3 mg/L BA + 0,3 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Ra rễ tạo cây hoàn chỉnh: chồi Cát cánh được chuyển vào môi trường kích thích tạo rễ MS + 0,5 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Chi phí sản suất cây giống dự kiến cho Huyền sâm là 1.500 đồng/cây, Cát cánh là 1.300 đồng/cây. Sau 1 tháng trồng ngoài nhà hậu cấy mô có thể đưa ra thị trường, cây đạt chiều cao khoảng 5-10 cm. Do đó, giá thành dự kiến bán ra cho cây giống đủ tiêu chuẩn sẽ là 2.000-2.500 đồng/cây.

Chi phí sản xuất dự kiến cho 1.000 cây con Huyền sâm bằng phương pháp nuôi cấy mô:

TT

Chi tiết

Đơn giá (đồng)

Đơn vị (cây)

1

Nguyên vật liệu sản xuất

300.000

1.000 

2

Công lao động

400.000

1.000 

3

Điện, nước, xăng dầu

800.000

1.000 

 

Tổng chi phí

1.500.000

1.000 

Chi phí sản xuất dự kiến cho 1.000 cây con Cát cánh bằng phương pháp nuôi cấy mô

TT

Chi tiết

Đơn giá (đồng)

Đơn vị (cây)

1

Nguyên vật liệu sản xuất

200.000

1.000 

2

Công lao động

300.000

1.000 

3

Điện, nước, xăng dầu

800.000

1.000 

 

Tổng chi phí

1.300.000

1.000 

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Phan Thị Hồng Thủy

ĐT: 0792525584. Email: [email protected]

2. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 08.62646103. Fax: 08.62646104.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả