Thực trạng lĩnh vực ứng dụng công nghệ
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái đầu tư mạnh mẽ cho ngành y tế. Các bệnh viện được trang bị các thiết bị hiện đại, tạo ra lượng dữ liệu hình ảnh y tế khổng lồ trong thời gian ngắn. Do đó, trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) là rất cần thiết.
Từ năm 2015, Bộ Y tế đã thực hiện triển khai đề án không in film, cho thực hiện thí điểm tại một số bệnh viện và thu được các kết quả rất tích cực. Tại các cơ sở y tế được trang bị hệ thống PACS, dữ liệu y tế được lưu trữ và đảm bảo khả năng truy xuất trong vòng 10 năm. Việc triển khai hệ thống PACS là bước đi không thể thiếu trong việc hướng tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện điện tử.
Hệ thống hội chẩn trực tuyến Bách Khoa là sản phẩm ra đời dựa trên sự kết hợp của hệ thống Video Conference Bách Khoa và hệ thống PACS của bệnh viện, nhằm mục đích hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị từ xa. Trong hệ thống hội chẩn trực tuyến, Video Conference Bách Khoa đóng vai trò tạo phòng họp trực tuyến từ phòng mổ, DSA, siêu âm, nội soi… giúp các chuyên viên, bác sĩ có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách rất xa thông qua mạng Internet. Hệ thống PACS sẽ cung cấp ảnh chụp CT, MRI, X-Quang, siêu âm, kết quả xét nghiệm và thông tin bệnh nhân, giúp các bác sĩ nắm bắt được tình trạng bệnh để cùng thảo luận đưa ra hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, hệ thống hội chẩn còn cung cấp giao diện giúp các thành viên theo dõi trực tuyến một ca phẫu thuật từ xa thông qua hệ thống camera tại phòng mổ.
Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện
Điều kiện áp dụng
Các bệnh viện ứng dụng hệ thống hội chẩn trực tuyến phải lắp đặt hệ thống PACS và mạng internet để lưu trữ và truyền hình ảnh. Hệ thống PACS bao gồm:
- Phân hệ nhận ảnh từ các thiết bị DICOM (CT, MRI, Xquang…) hoặc chuyển đổi từ các thiết bị Non-DICOM sang DICOM (Acquisition).
- Phân hệ lưu trữ (Storage): gồm các máy chủ quản lý và bộ lưu trữ.
- Phân hệ hiển thị (Display): gồm các trạm làm việc và các hệ thống đầu ra như máy in, ghi đĩa.
- Hệ thống mạng (Network): đóng vai trò kết nối các phân hệ.
Ngoài các thành phần chính, hệ thống PACS còn có các thành phần mở rộng khác như phân hệ kết nối tới các hệ thống quản lý y tế khác (HIS, EMR, RIS,…) theo chuẩn quốc tế HL7 hoặc phân hệ kết nối tới hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa, hội nghị truyền hình.
Phương pháp thực hiện
Mô hình hệ thống hội chẩn trực tuyến
Hệ thống bao gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng có kích cỡ chỉ bằng một chiếc CPU máy tính, được tích hợp 3 phần gồm: video conference (ghi, phát hình ảnh, âm thanh trực tuyến), PACS Bách Khoa (bộ phận lưu trữ dữ liệu y tế) và camera IP phòng mổ. Hệ thống tổng đài IP và Video conference Bách khoa kết nối với các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện là hoạt động được ngay.
Khi có bất kỳ ca bệnh nào cần sự tư vấn nhanh của các bác sĩ đầu ngành, bệnh viện thiết đặt một đường truyền trực tuyến để trao đổi. Các dữ liệu y tế như hình ảnh từ máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonnance Imaging), máy X-quang số, máy chụp mạch máu, máy siêu âm… hiển thị gần như tức thì trên đường truyền. Với hình thức trực tuyến như vậy, các bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau trao đổi như đang ngồi trong cùng một phòng họp.
Hệ thống có các chức năng chính sau:
- Truyền hình trực tuyến từ phòng mổ, bắt hình ảnh từ camera quay phẫu trường, camera nội soi truyền đến trang web hội chẩn theo thời gian thực.
- Hình ảnh chuyên môn trong việc chẩn đoán bệnh được xử lý chỉnh độ sáng tối, chỉnh mức xám, chức năng Zoom, đo kích cỡ vùng bệnh.
- Dữ liệu lưu trữ trong hệ thống PACS được nhúng vào hệ thống hội chẩn, truyền hình ảnh chụp được từ các thiết bị chẩn đoán và xét nghiệm, chia sẻ cho nhiều bác sĩ cùng chẩn đoán và điều trị.
- Hệ thống còn có chức năng ghi hình, ghi âm cuộc hội thảo để làm tư liệu khoa học và giảng dạy.
Kết nối các thiết bị chuẩn đoán hình ành.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Hỗ trợ hội họp từ xa thông qua mạng Internet, chức năng thoại VoIP và truyền Video chất lượng HD.
- Dữ liệu lưu trữ trong hệ thống PACS được nhúng vào hệ thống hội chẩn, truyền hình ảnh chụp được từ các thiết bị chẩn đoán và xét nghiệm, chia sẻ cho nhiều bác sĩ cùng chẩn đoán và điều trị.
- Hỗ trợ nhiều tính năng xử lý ảnh chuyên môn trong việc chẩn đoán bệnh, như chỉnh độ sáng tối, chỉnh mức xám, chức năng Zoom, đo kích cỡ vùng bệnh,...
- Hỗ trợ kết nối các thiết bị y tế chuyên dụng như: thiết bị mổ nội soi, vi phẫu thần kinh,...
- Dữ liệu của bệnh nhân được cập nhật thời gian thực.
- Truyền hình trực tuyến từ phòng mổ, bắt hình ảnh từ camera quay quá trình giải phẫu, camera nội soi truyền đến trang web hội chẩn thời gian thực...
- Chức năng ghi hình, ghi âm cuộc hội thảo để làm tư liệu khoa học và giảng dạy.
- Khả năng bảo mật các thông tin về bệnh lý, hình ảnh giải phẫu cao.
Hiệu quả kinh tế
- Rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân và của bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh do không phải chờ phim được in ra, làm tăng hiệu quả điều trị, đặc biệt là trong các trường hợp cấp cứu.
- Giảm chi phí in phim cho bệnh viện tuyến tỉnh như bệnh viện Nhân dân 115 hay bệnh viện Gia Định,...trung bình khoảng 20 tỉ đồng/năm/bệnh viện.
- Giảm chi phí cho bảo hiểm xã hội và đặc biệt là giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
- Giúp giảm quá tải tại bệnh viện do thời gian chờ đợt kết quả chẩn đoán hình ảnh.
- Giúp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong y tế (do có thể thực hiện hội chẩn trực tuyến), củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt
Địa chỉ: 268 Lý Thuờng Kiệt, P.14, Quận 10, TP.HCM
Nguời liên hệ: TS. Nguyễn Chí Ngọc – Giám đốc
Điện thoại: (028) 3863 5960 - 0989 101 747
Email: [email protected]
Website: www.inext.vn