SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng rau muống nước an toàn.

Rau muống nước là cây rau dễ ăn, giá rẻ, có thời gian sinh trưởng ngắn và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo trên thị trường rau xanh hiện nay, rau muống đang nằm trong số những loại rau có tỉ lệ phun thuốc kích thích tăng trưởng rất cao và nguy hiểm, khiến cho người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc chọn mua rau muống. Mô hình trồng rau muống trong bài sẽ giúp người nông dân tạo ra rau muống sạch, an toàn nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Diện tích rau muống nước của thành phố đến nay có khoảng 508,4 ha, chiếm 25,5% diện tích sản xuất rau các loại, tập trung chủ yếu ở Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi. Sản lượng đạt khoảng 80.000 tấn/năm.

Trước đây, người trồng rau muống nước thường sử dụng nguồn nước tưới từ các kênh rạch và dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi nên đã gây ra một số trường hợp ngộ độc, ảnh hưởng đến tâm lý người tiên dùng. Bên cạnh đó, rau muống nước cũng rất dễ bị nhiễm một số chất độc có trong dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, nitrate, các vi trùng và ký sinh trùng.

Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp sản xuất rau muống nước an toàn là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo thương hiệu cho sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

Các điều kiện sản xuất

Yêu cầu về địa điểm thực hiện

Có thể trồng ở dưới nước, ven sông, trên cạn trong khu vực đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn hoặc trong các thùng xốp, xô chậu.

Đất trồng phải cao ráo, ẩm ướt, đủ ánh nắng mặt trời, thoát nước tốt, tầng canh tác dày (20-30cm) và không nhiễm hóa chất độc hại.

Yêu cầu về nguyên liệu sản xuất

Cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Chỉ sử dụng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng hoai mục.
  • Sử dụng phân hóa học cung cấp các nguyên tố đa lượng cho cây (chủ yếu là NPK).
  • Ngưng bón phân hóa học cho rau ăn lá trước thu hoạch 15-20 ngày.
  • Ngưng tưới phân hóa học cho rau ăn lá trước thu hoạch 7-10 ngày.
  • Ngưng phun phân bón lá cho rau ăn lá trước thu hoạch 5-10 ngày.

Yêu cầu về nước tưới

Sử dụng nước giếng khoan, nước từ các ao, hồ, sông, rạch trong sạch và lưu thông tốt. Không dùng nước thải từ khu công nghiệp, bệnh viện, khu dân cư, ao hồ tù đọng.

Yêu cầu về môi trường

Đảm bảo các tiêu chuẩn:

  • Dư lượng thuốc BVTV, nitrat (NO3-) và mật độ vi sinh vật gây hại ở mức giới hạn cho phép.
  • Rau phải giữ nguyên đặc tính của giống, thu hoạch đúng độ chín, tươi đẹp về màu sắc, sạch sẽ, mẫu mã đẹp, không mang mầm sâu bệnh hoặc có những khuyết tật khác.

Yêu cầu về mật độ, thời gian trồng và mùa vụ

Mùa vụ và thời gian trồng: rau muống nước có thể trồng quanh năm. Thuận lợi nhất là vào những tháng mùa khô sau tết. Nếu chân ruộng hơi phèn thì trồng vào tháng 2 và 3 là tốt nhất.

Mật độ: trồng với khoảng cách 10-15cm một bụi, mỗi bụi cấy từ 3-5 cây tùy theo điều kiện đất. Đối với loại đất thấp, bị ngập thường xuyên nên trồng với khoảng cách 10cm/bụi. Loại đất màu mỡ, thoát nước tốt nên trồng với khoảng cách 15cm/bụi. Mật độ trồng biến động từ 100.000-150.000 chồi/1.000m2.

Yêu cầu về giống

Chọn giống thân trắng để trồng do giống này đang được thị trường ưa chuộng.

Chọn ngọn giống già, to ở những ruộng sạch bệnh làm giống trồng (đoạn cắt để trồng 30-35cm).

 

Quy trình thực hiện

Quy trình trồng rau muống an toàn

Làm đất: đất trồng lần đầu cần cày 2-3 lần và để ủ khoảng 15-30 ngày. Sau đó tiến hành cày 3–4 lượt cho nhuyễn đất, trục, làm bằng, phân rãnh để đất thoát nước dễ dàng, đồng thời dễ đi lại để chăm sóc, phun thuốc. Tiến hành phân liếp, mỗi liếp rộng khoảng 5m để dễ tiêu nước và chăm sóc.

Bón lót: bón 25–50 kg vôi, 100-150 kg phân hữu cơ, 30 kg phân lân.

Cấy giống: sau khi tháo cạn nước, chuẩn bị những cành rau muống dài khoảng 20-25 cm, nhánh chắc khỏe, có nhiều đốt và rễ. Cấy sâu nhánh rau xuống đất, chừa lại 2-3 đốt trên mặt nước để cây đâm nhánh ra cây mới. Nên cấy vào buổi chiều mát với khoảng cách giữa các bụi từ 10-15 cm, mật độ 3-5 chồi/bụi.

Chăm sóc: sau khi cấy 5-7 ngày, rau muống sẽ bén rễ, khi đó cho nước vào sấp mặt ruộng và tiến hành bón thúc.

Bón thúc: bón 15-25 kg urê, 20 kg phân lân, 25-30 kg NPK, chia làm ba lần bón (lần 1 sau khi cấy 5-7 ngày, 10-12 ngày sau bón thúc lần 2, 17-18 ngày sau bón thúc lần 3.

Phòng ngừa sâu hại:

  • Thường xuyên thăm và vệ sinh đồng ruộng, bắt ốc, ngắt bỏ ổ trứng ốc bươu, ổ trứng sâu…
  • Sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh, sinh học như Bacterin, Biobit…để diệt trừ sâu. Đối với rầy sử dụng Butyl, Trebon… Đối với bệnh sử dụng Monceren, Ridomyl MZ…

Thu hoạch: khoảng 25-28 ngày sau trồng có thể thu hoạch.

Xử lý sau thu hoạch:

  • Cắt phạt gốc sát mặt đất, để lưu gốc rau muống khoảng 2-3 đốt và thu gom tàn dư ra bên ngoài ruộng. Lấy nước vào sấp mặt ruộng, sau đó tháo nước cho ruộng ráo nước và phun thuốc trừ sâu, rầy tồn lưu của vụ trước.
  • Có thể phun phân bón lá cao cấp kích mầm Tonsu 30-10-10 để tăng cường sự nẩy chồi, giúp nhiều chồi, chồi khỏe bảo đảm năng suất cho vụ sau.
  • Phải bảo đảm ruộng đủ ẩm trong quá trình sinh trưởng và nước trong ruộng nên để lúc ngập, lúc ráo. Không nên giữ mực nước ruộng cao trên 10cm thường xuyên, vì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và gây sâu bệnh trên rau.

Lưu ý:

  • Chỉ dùng những loại phân bón kích mầm trong danh mục được phép sử dụng trên rau và được lưu hành tại Việt Nam.
  • Chú ý thời gian cách ly của thuốc và phân bón (đặc biệt là urê).
  • Khi phun thuốc nên cho nước vào khoảng 3-5 cm.
  • Khi dùng thuốc BVTV phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng: Đúng thuốc - Đúng lúc - Đúng liều lượng - Đúng cách” và đảm bảo thời gian cách ly.

Trồng rau muống nước theo tiêu chuẩn Việt GAP

Giống: chọn giống rau muống thân trắng được sản xuất tại địa phương và phải có hồ sơ ghi lại nguồn gốc và qui trình sản xuất.

Quản lý đất và giá thể: hằng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và giá thể theo tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước. Không được chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong vùng sản xuất.

Phân bón và chất phụ gia:

  • Sử dụng phân hữu cơ hoai mục, hữu cơ sinh học, phân vi sinh. Hạn chế và sử dụng hợp lý phân hóa học.
  • Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên.
  • Xây dựng và bảo dưỡng nơi chứa phân bón, khu vực trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón.
  • Lưu trữ hồ sơ hóa đơn mua và sử dụng phân bón, chất phụ gia.

Nguồn nước: đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng

Thuốc BVTV: áp dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM); Sử dụng thuốc BVTV đúng theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa hoặc hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỉ sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch:

  • Thường xuyên kiểm tra và bảo trì vật tư thiết bị.
  • Thiết bị, thùng chứa rau, quả thu hoạch và vật liệu đóng gói phải cất giữ riêng biệt và cách ly với hóa chất, phân bón, chất phụ gia.
  • Khu vực xử lý, đóng gói và bảo quản sản phẩm của nhà xưởng phải tách biệt với khu chứa xăng, dầu, mỡ và máy móc nông nghiệp. Đồng thời phải có hệ thống xử lý rác thải, hệ thống thoát nước và bóng đèn chiếu sáng trong khu vực sơ chế, đóng gói phải có lớp chống vỡ.
  • Nhà xưởng phải được vệ sinh thường xuyên bằng các hóa chất thích hợp theo qui định.

Xử lý sản phẩm: đảm bảo sản phẩm sau khi thu hoạch không tiếp xúc trực tiếp với đất và hạn chế để qua đêm. Nước dùng cho xử lý rau, quả sau thu hoạch phải đảm bảo chất lượng. Chỉ sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm, màng sáp được cho phép.

Bảo quản và vận chuyển: làm sạch và khử trùng phương tiện trước khi vận chuyển. Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.

Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm: ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm…

Kiểm tra nội bộ: tiến hành ít nhất 1 năm mỗi lần và thực hiện theo bảng kiểm tra đánh giá.

 

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm:

  • An toàn, đơn giản, dễ chuyển giao và áp dụng đại trà.
  • Cây trồng ít bệnh, ít phải phun thuốc giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
  • Tận dụng được diện tích nhỏ hẹp như sân thượng, lan can để trồng rau thủy canh.
  • Cải tạo đất, nguồn nước và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
  • Tăng thu nhập cho bà con nông dân.
  • Tạo ra thực phẩm sạch, cải thiện sức khỏe con người.

Hiệu quả kinh tế: với diện tích 1 ha đất trồng rau muống nước cho thu nhập hàng năm khoảng 120 triệu đồng (40 tấn rau, giá bán 3.000 đồng/kg). Sau khi trừ tổng chi phí sản xuất (khoảng 30 triệu đồng), lợi nhuận thu được 90 triệu đồng/năm.

 

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

  • HTX nông nghiệp Ngã Ba Giồng – Địa chỉ: 63/5A, ấp 3, Xã Xuân Thới Thượng, Huyện Hóc Môn, TP.HCM – Điện thoại: 0906678839 (Chị Ngọc).
  • HTX nông nghiệp thỏ Việt - Địa chỉ: 214 tỉnh lộ 7, Ấp Bình Hạ Đông, Xã Thái Mỹ, Huyện Củ Chi, TP.HCM - Điện thoại: (028).37 132 240.
  • HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức - Địa chỉ: Ấp Bàu Trăn, Xã Nhuận Đức, Huyện Củ Chi, TP.HCM - Điện thoại: 0909272326.
  • HTX Nông nghiệp – Sản xuất Thương mại – Dịch vụ Phước An - Địa chỉ: Ấp 1, Xã Tân Quý Tây, Huyện Bình Chánh, TP.HCM - Điện thoại: (028) 38806991 – 0903679806 (Ô. Chánh – Chủ nhiệm HTX).

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả