Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng do hậu quả của biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng năm 2016, những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như bão, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng bất thường, mưa bất thường đã làm thiệt hại hơn 7.000 hecta diện tích cây trồng nông nghiệp và hơn 4.000 hecta cây ăn quả, đe dọa an ninh lương thực của 1,1 triệu người sống trong vùng bị ảnh hưởng, 18 địa phương trên cả nước phải thông báo tình trạng khẩn cấp thiên tai.
Trên thế giới, nhằm ứng phó với bất ổn về khí hậu, nhiều nước đã áp dụng công nghệ cao, trồng cây trong nhà màng, nhà kính để gia tăng năng suất nông nghiệp (Isarel đã tạo ra 7 tỷ sản phẩm nông nghiệp trên sa mạc khô cằn bằng phương pháp này). Tuy nhiên, hiện các nhà màng vẫn tồn tại chung một nhược điểm là có diện tích rộng, được thiết kế chế tạo theo dạng cố định, không kéo ra và thu lại được nên không ứng phó tích cực với thời tiết nắng nóng, bão gió, lốc bất thường; góp phần gây ra tình trạng hiệu ứng nhà kính; tốn điện để vận hành quạt làm mát; dễ ngã, đổ khi chịu gió, bão lớn, gây thiệt hại cho nhà nông. Do vậy, hệ thống khung bạt che nông nghiệp ứng phó theo thời tiết (theo đơn sáng chế số 1-2018-04101 của tác giả Đinh Thái Minh), được sản xuất nhằm giúp khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu cho sản xuất nông nghiệp.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Hệ thống nhà bạt che nông nghiệp ứng phó thời tiết được thiết kế gồm mô tơ điện (1) dẫn động trục cuốn dây cáp chính (2) bố trí ở mặt trước khung bạt để kéo 5 dây cáp (a) (b) (c) (d) (e) theo hai chiều thuận và nghịch.
Hai trục cuốn bạt (3) (4) được bố trí hai bên cạnh khung bạt để kéo căng (hoặc nhả) bạt nhờ các mô tơ (1a), (1b) bố trí hai bên cạnh khung bạt, giúp cho trục cuốn dây cáp chính (2) tiến hoặc lùi. Thanh kẹp bạt (5) gắn liền với hai trục cuốn bạt (3) (4) giúp gạt bạt và cuộn lại khi trục cuốn bạt (3) (4) thả lỏng để đưa đai bạt (x) tiến/lùi lại theo yêu cầu nhờ 5 dây kéo cáp (a) (b) (c) (d) (e).
Bạt (6) được ghép cố định một đầu vào cạnh của khung bạt, đầu kia gắn vào các đầu dây cáp (a) (b) (c) (d) (e) để được các ròng rọc (f) kéo ra hay cuộn lại. Các gối đỡ trục cuộn bạt sử dụng vòng bi (g) liên kết bởi các bu lông (h) có ren cố định với vòng bi của gối đỡ trục cuốn bạt (3) (4).
Các khung bạt hình parabol liên kết với nhau bằng thanh giằng thép (k) để tạo thành các mô-đun nối tiếp nhau một cách vững chắc. Dây cáp níu cột (m) được cột chặt một đầu vào khung bạt parabol, đầu kia gắn xuống chân cột chịu lực, tạo thành góc 30 độ, gia tăng khả năng chịu lực dọc của khung bạt.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Sản phẩm hệ thống khung bạt che nông nghiệp có thể tùy chỉnh ánh sáng, nhiệt độ; thông gió không cần dùng quạt làm mát, tiết kiệm điện; chống hiệu ứng nhà kính; tăng chiều cao cho vườn nông nghiệp, tiết kiệm đất sản xuất; nâng cao hiệu quả lao động, an toàn, không tốn sức người và dễ sử dụng. Công nghệ giúp chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, bão cấp 15-16 (tương đương với 120-160 km/h) sức chịu tải tối đa là 190km/h.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, có thể giúp tiết kiệm chi phí điện (cho quạt làm mát) lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/tháng.
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
Ông Đinh Thái Minh
Công ty Cổ phần Đạt Minh Hà
Địa chỉ: 567 đường Hạ Long, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 0983 759 268
Email: [email protected]